19:05 09/01/2023

Ba câu hỏi lớn của giới đầu tư Mỹ khi bước sang năm 2023

An Huy

Sau khi trải qua năm 2022 đầy biến động, nhà đầu tư chứng khoán ở Phố Wall bước sang năm 2023 với hàng loạt câu hỏi lớn...

Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.

Theo trang CNN Business, câu hỏi lớn nhất đối với nhà đầu tư cổ phiếu ở Mỹ ở thời điểm hiện tại là liệu nền kinh tế Mỹ có rơi vào suy thoái trong năm nay hay không. Và câu hỏi này lại được trả lời bằng ba câu hỏi nhỏ hơn: Thị trường lao động sẽ diễn biến thế nào? Người tiêu dùng Mỹ có tăng chi tiêu không? Và liệu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có xoay trục chính sách tiền tệ hay không?

THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG MỸ CÓ SUY YẾU NHƯ MONG MUỐN?

Việc làm là “từ khoá” trên thị trường tài chính Mỹ tuần vừa rồi, khi nhà đầu tư đón nhận loạt dữ liệu cho thấy thị trường việc làm nhìn chung vẫn trong tình trạng cầu lớn hơn cung - ngược lại với nỗ lực của Fed muốn “hạ nhiệt” nền kinh tế thông qua các đợt tăng lãi suất liên tiếp. Một chỉ báo tích cực duy nhất về thị trường lao động tuần qua là tiền lương bình quân theo giờ đã tăng chậm lại.

Tỷ lệ thất nghiệp tháng 11 của Mỹ là 3,7% và cứ 1,7 công việc cần tuyển dụng chỉ có 1 người tìm việc làm. Nếu số lượng việc làm mới của tháng 12 là đúng với dự báo, năm 2022 sẽ là năm chứng kiến mức tăng trưởng việc làm tốt thứ nhì trong lịch sử ở Mỹ. Báo cáo việc làm tháng 12 sẽ được Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày thứ Sáu tuần này.

Các nhà hoạch định chính sách trong Fed lo ngại rằng thị trường lao động thắt chặt sẽ dẫn tới tăng trưởng tiền lương cao, gây cản trở nỗ lực khống chế lạm phát. Tốc độ tăng giá tiêu dùng ở Mỹ hiện vẫn ở mức hơn 6% mỗi năm, cao gấp hơn 3 lần so với mục tiêu lạm phát mà Fed đề ra là 2%.

Để Fed đưa lạm phát về mục tiêu, số lượng việc làm mới cần sụt giảm và tỷ lệ thất nghiệp cần tăng lên mức khoảng 4,6% trong năm 2023 - theo dự báo mà Fed đưa ra hồi tháng 12. Vì vậy, Fed dự kiến sẽ tiếp tục gây sức ép lên nền kinh tế bằng cách duy trì việc nâng lãi suất trong năm nay.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ Financial Times vào tuần trước, bà Gita Gopinath - Phó tổng giám đốc thứ nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - kêu gọi Fed tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2023, và cơ sở cho lời kêu gọi này chính là việc thị trường việc làm ở Mỹ vẫn thắt chặt.

Liệu tăng trưởng tiền lương của Mỹ có suy yêu trong năm nay. Các nhà phân tích của ngân hàng Goldman Sachs dự báo điều đó sẽ xảy ra. Họ tin rằng tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên và tăng trưởng tiền lương sẽ giảm từ mức 5% trong năm 2022 về mức khoảng 4% trong năm nay.

“Mức tăng trưởng như vậy vẫn còn quá nóng, nhưng bất kỳ một sự sụt giảm lớn nào cũng sẽ mang lại cho các quan chức Fed một bằng chứng rằng thị trường việc làm đang dần cân bằng trở lại, qua đó tiền lương sẽ tăng chậm lại và rốt cục sẽ gây áp lực làm suy yếu giá cả mà nền kinh tế không cần phải rơi vào một cuộc suy thoái”, báo cáo của Goldman Sachs nhận định.

Nếu như năm 2022 có dạy cho nhà đầu tư một bài học nào đó, thì đó là thị trường không thể chống lại được Fed. Bởi vậy, những thông tin kinh tế xấu sẽ tiếp tục là tin tốt. Nếu báo cáo việc làm công bố trong tuần này là một báo cáo khả quan, đó sẽ là một tin xấu đối với các nhà đầu tư.

NGƯỜI MỸ CÓ TIẾP TỤC CHI TIÊU THOẢI MÁI HAY KHÔNG?

Trong năm 2022, người tiêu dùng Mỹ đã giữ trọng trách làm trụ cột cho nền kinh tế. Khi lãi suất tăng cao và tăng trưởng kinh tế suy yếu, họ vẫn tiếp tục mua sắm. CEO Brian Moynihan của ngân hàng Bank of America cho rằng sức mạnh duy trì của người tiêu dùng Mỹ gần như là nhân tố duy nhất giữ cho nền kinh tế không rơi vào suy thoái trong năm 2022.

Tuy nhiên, trong tháng 12 vừa qua, thống kê cho thấy doanh thu bán lẻ tháng 11 yếu hơn dự báo đã khiến giới đầu tư lo lắng rằng việc Fed nâng lãi suất sẽ khiến kinh tế Mỹ sớm muộn gì cũng suy thoái.

Doanh thu bán lẻ tháng 11 của Mỹ giảm 0,6% trong tháng 11, yếu nhất trong vòng gần 1 năm. Nếu sự suy yếu này tiếp tục, lợi nhuận của các nhà bán lẻ Mỹ sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.

Từ mùa xuân 2021 đến mùa hè 2022, thu nhập khả dụng của người Mỹ đã giảm do lạm phát vượt tăng trưởng tiền lương và lượng tiền tiết kiệm trong thời gian đại dịch Covid-19 suy giảm. Dù vẫn còn khá nhiều tiền trong tài khoản, người tiêu dùng Mỹ đang vay mượn nhiều hơn để chi tiêu. Quý 3/2022, nợ thẻ tín dụng tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng mạnh nhất kể từ khi Fed chi nhánh New York bắt đầu theo dõi dữ liệu này vào năm 2004.

FED LIỆU CÓ XOAY TRỤC?

Đây chính là câu hỏi lớn nhất trong tâm trí nhà đầu tư hiện nay, và câu trả lời sẽ không chỉ quyết định diễn biến thị trường chứng khoán Mỹ trong năm nay mà còn giữ vai trò chủ chốt quyết định nền kinh tế Mỹ có suy thoái hay không.

Trong biên bản cuộc họp tháng 12 của Fed, các quan chức ngân hàng hàng trung ương này dự kiến không cắt giảm lãi suất trong năm 2023. Biên bản cảnh báo rằng việc nới lỏng chính sách tiền tệ vào thời điểm chưa thích hợp “sẽ làm phức tạp thêm nỗ lực của Fed trong việc lập lại ổn định giá cả”.

Và dù bày tỏ quan điểm lạc quan khi chứng kiến lạm phát xuống thang trong những tháng gần đây, giới chức Fed nhấn mạnh rằng cần có thêm những bằng chứng rõ ràng về sự suy yếu của giá cả. Họ cũng nói lạm phát hiện nay “vẫn còn rất cao”.

Bởi vậy, dù có thể không cắt giảm lãi suất trong năm nay, Fed có khả năng sẽ tăng lãi suất chậm lại, hoặc thậm chí tạm dừng việc tăng lãi suất. Như vậy cũng sẽ là một sự giải toả lớn đối với nhà đầu tư sau 7 đợt nâng lãi suất liên tiếp của Fed trong năm 2022.