08:14 09/05/2008

Ba kịch bản tăng trưởng năm 2008

Thùy Trang

Dù theo kịch bản nào thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2008 này đều thấp hơn so với kỳ vọng

Theo nhóm chuyên gia của CIEM, Việt Nam đã bước vào giai đoạn cải cách và phát triển mới.
Theo nhóm chuyên gia của CIEM, Việt Nam đã bước vào giai đoạn cải cách và phát triển mới.
Ngày 8/5, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã công bố báo cáo kinh tế hàng năm, trong đó đưa ra dự báo trên mô hình kinh tế lượng vĩ mô cho nền kinh tế Việt Nam năm 2008 theo 3 kịch bản.

Dù theo kịch bản nào thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2008 này đều thấp hơn so với kỳ vọng của chúng ta sau khi gia nhập WTO cũng như kế hoạch đặt ra từ đầu năm.

Theo kịch bản cơ bản, GDP năm 2008 tăng 7,2%, mức lạm phát (trung bình) là 19,4%, xuất khẩu tăng 26,2% và cán cân thương mại thâm hụt ở mức tương đương 17,3% GDP. Đáng chú ý, tăng trưởng kinh tế theo 3 khu vực chính - khu vực nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng và dịch vụ, tương ứng là 3,2; 8,2 và 7,9%.

Kịch bản “bi quan” cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2008 giảm khoảng 0,6 điểm phần trăm so với dự báo theo kịch bản cơ bản là ở mức 6,7% trong năm 2008. Mức lạm phát sẽ tăng tới 22,3%, thâm hụt thương mại lên đến -17,8% (GDP), thâm hụt ngân sách -3,9% (GDP).

Theo kịch bản lạc quan, tăng trưởng kinh tế năm 2008 đạt ở mức 7,6%, mức lạm phát sẽ tăng 16,7%, thâm hụt thương mại là -16,6% (GDP), thâm hụt ngân sách -4,5% (GDP) .

Theo nhận định chung của các chuyên gia CIEM, trong năm 2008 nền kinh tế Việt Nam sẽ khó có thể tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao như năm 2007. Một số chỉ tiêu dự báo trong đó có chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP theo kịch bản cơ bản thấp xa so với các chỉ tiêu đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2008.

Kết quả dự báo từ mô hình cũng cho thấy, lạm phát vẫn đứng ở mức cao và cao hơn so với mức năm 2007 và nhập siêu còn lớn, chưa thể khắc phục ngay trong ngắn hạn. Điều này một lần nữa cho thấy mục tiêu tăng trưởng GDP và lạm phát năm 2008 cần được xem xét lại cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Trước ba kịch bản được đưa ra, ông Võ Trí Thành, Trưởng ban Hội nhập của CIEM cho rằng, rất có thể kinh tế Việt Nam sẽ đi theo kịch bản bi quan. “Cá nhân tôi cho rằng, khả năng chúng ta chịu kịch bản bi quan là cao hơn cả, xét về mặt toán học”, ông Thành nói.

Theo ông Thành, có hai lý do để kinh tế Việt Nam đi theo kịch bản xấu này. Thứ nhất, nền kinh tế Mỹ và thế giới, tuy không rơi vào khủng hoảng trầm trọng nhưng đã cho thấy quá nhiều dấu hiệu bất ổn, và tác động đến kinh tế Việt Nam. Thứ hai, cho dù chính phủ đã đề ra 8 nhóm giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng việc triển khai trên thực tế đang là “vấn đề”.

Vẫn theo ông Thành, dù phát triển theo kịch bản nào, thì thâm hụt thương mại và mức lạm phát của Việt Nam năm nay vẫn cao, và về trung hạn, mức lạm phát vẫn phải trên 10% năm 2009, và 5-7% trong năm 2010. Để khắc phục khó khăn, cần phải đẩy mạnh cải cách cơ cấu (khu vực doanh nghiệp Nhà nước; phát triển khu vực tư nhân), thực thi nghiêm túc các cam kết quốc tế trong đó có các cam kết WTO cũng như “giải tỏa” các nút thắt cổ chai (về thể chế, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực), những công việc cần được tiếp tục đẩy mạnh trong năm 2008.

Theo nhóm chuyên gia của CIEM, Việt Nam đã bước vào giai đoạn cải cách và phát triển mới. Cải cách trở nên phức tạp hơn, đòi hỏi không chỉ bản lĩnh chính trị, quyết tâm lớn mà cả trí tuệ cũng phải vươn lên tầm cao mới.

Ông Đinh Văn Ân, Viện trưởng CIEM cho biết, bản báo cáo của CIEM, đáng ra phải công bố vào tháng 3 hàng năm theo thông lệ, được đưa ra ngay trước khi Chính phủ phải điều trần trước Quốc hội về năng lực điều hành vĩ mô và tình hình kinh tế ảm đạm của Việt Nam trong hơn nửa năm nay.

Tuy nhiên, ông Ân giải thích rằng, việc ban hành chậm bản báo cáo này là do đã có qua nhiều thay đổi và điều chỉnh về các chỉ số kinh tế vĩ mô của các cơ quan nhà nước trong suốt thời gian từ tháng 10/2007 đến giữa tháng 4/2008.