15:04 06/01/2015

“Ba phe” trong Đảng Cộng sản Trung Quốc

An Huy

Truyền thông Trung Quốc vừa thừa nhận về sự tồn tại của bè phái trong nội bộ Đảng

Trong một bài xã luận đăng hôm qua (5/12), Nhân dân Nhật báo nói, bè 
phái cũng giống như động vật ký sinh và “gây hại cho cả đất nước và nhân
 dân” - Ảnh: Reuters.<br>
Trong một bài xã luận đăng hôm qua (5/12), Nhân dân Nhật báo nói, bè phái cũng giống như động vật ký sinh và “gây hại cho cả đất nước và nhân dân” - Ảnh: Reuters.<br>
Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, vừa lên tiếng thừa nhận sự tồn tại của tình trạng bè phái nguy hiểm trong đảng này. Trước đó, Tân Hoa Xã cũng có một bài viết tương tự.

Hãng tin BBC cho biết, đây là sự thừa nhận hiếm hoi trước công chúng về sự tồn tại của bè phái trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc, bởi trong suốt nhiều thập kỷ qua, Đảng luôn thể hiện hình ảnh đoàn kết không thể phá vỡ.

Trong một bài xã luận đăng hôm qua (5/12), Nhân dân Nhật báo nói, bè phái cũng giống như động vật ký sinh và “gây hại cho cả đất nước và nhân dân”. Các phe phái trong Đảng được cho là có quan hệ mật thiết với tình trạng tham nhũng rầm rộ và sâu rộng mà Chủ tịch nước này là Tập Cận Bình đang mạnh tay chống lại.

“Một số bè phái của các quan chức thực chất là mối quan hệ cộng sinh nhằm truyền tải các lợi ích”, bài xã luận viết.

Trước đó, vào cuối tuần vừa rồi, hãng thông tấn Tân Hoa Xã của Trung Quốc thậm chí còn chỉ rõ ba dạng bè phái trong Đảng.

Theo Tân Hoa Xã, “phe thư ký” là một nhóm bao gồm các trợ lý của các quan chức cấp cao, trong đó có một số người từng là thư ký riêng cho Chu Vĩnh Khang, cựu Bộ trưởng Bộ Công an, cựu Ủy viên Thường trực Bộ Chính trị Trung Quốc, người hiện đang bị điều tra hình sự.

Phe thứ hai là “phe dầu khí” gồm các quan chức trong ngành dầu khí Trung Quốc. Ngành dầu khí có liên quan mật thiết tới quyền lực của Chu Vĩnh Khang.

Và phe thứ ba là “phe Sơn Tây”, gồm các quan chức đến từ tỉnh Sơn Tây giàu tài nguyên than, trong đó có một số người có mối liên hệ với ông Lệnh Kế Hoạch, cựu trợ lý của nguyên Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Lệnh hiện cũng đang bị điều tra tham nhũng.

Hai bài báo về tình trạng bè phái trong đảng được Nhân dân Nhật báo và Tân Hoa Xã đồng loạt đăng tải có vẻ như đã được “bật đèn xanh” sau một tuyên bố của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ngay trước thềm năm mới 2015, BBC nhận xét.

Theo tuyên bố này, một cuộc họp do ông Tập Cận Bình chủ trì đã xác định: “Tạo bè phái trong đảng để tư lợi chắc chắn sẽ không được dung thứ”.

Cuộc chiến chống tham nhũng của Trung Quốc hiện nay được xây dựng hình ảnh trong mắt dân chúng như một cuộc chiến nhằm lập lại trật tự, kỷ cương, chỉ cho phép những quan chức trung thực được nắm quyền. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng, chiến dịch này là một công cụ nhằm củng cố quyền lực cho ông Tập Cận Bình và bài trừ  đối thủ chính trị, bao gồm cả những người đã nghỉ hưu nhưng vẫn có ảnh hưởng lớn như Chu Vĩnh Khang, theo BBC.

Bởi vậy, những bài báo thừa nhận tình trạng bè phái trong Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể nhằm mục đích đẩy mạnh cuộc chiến chính trị này. Cả hai bài viết trên Tân Hoa Xã và Nhân dân Nhật Báo đều không cáo buộc các phe phái có âm mưu về quyền lực chính trị, mà chỉ nói các phe phái hoạt động vì lợi ích kinh tế.

BBC nhận định rằng, việc đề cập tới chủ nghĩa bè phái đi kèm rủi ro chính trị, nhưng có thể là một bước đi đã có tính toán. Chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc được đặt ưu tiên chính trị rất cao và tấn công vào những nhân vật cao cấp, nên có thể đang cần một sự lý giải tốt hơn. Bởi thế, cuộc chiến này được “hợp lý hóa” bằng một cuộc chiến song song nhằm vào chủ nghĩa bè phái.

Hãng tin này cho rằng, cuộc chiến chống tham nhũng của Trung Quốc hiện không chỉ nhằm vào các cá nhân, mà còn nhằm vào những vây cánh hùng mạnh cho phép các cá nhân này “vẫy vùng”. Và việc đánh vào chủ nghĩa bè phái là một bằng chứng cho thấy ông Tập đang ngày càng tự tin và nắm chắc quyền lực hơn.

Bài xã luận của Tân Hoa Xã tuy ngầm ám chỉ những rủi ro của việc “hạ bệ” những nhân vật cao cấp như Chu Vĩnh Khang, nhưng dẫn lời ông Tập nói: “Chúng tôi đã xác định sứ mệnh và mục đích của Đảng, cũng như những gì mà người dân kỳ vọng”.

Một số cư dân mạng Trung Quốc tỏ ra lo ngại về nguy cơ lặp lại những gì từng xảy ra ở nước này trước kia. “Tất cả những điều này có nghĩa là gì? Có phải là ‘bè lũ bốn tên’ trở lại?”, một cư dân mạng Trung Quốc viết.