11:47 06/12/2014

Chính thức bắt Chu Vĩnh Khang: “Liều thuốc mạnh” của ông Tập

Diệp Vũ

Điều tra của Trung Quốc cho thấy Chu Vĩnh Khang “làm lộ bí mật nhà nước, lợi dụng chức vụ quyền hạn, quan hệ bất chính”

Ông Chu Vĩnh Khang (bên trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại một phiên họp đầu năm 2012 - Ảnh: Chinanews.
Ông Chu Vĩnh Khang (bên trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại một phiên họp đầu năm 2012 - Ảnh: Chinanews.
Chu Vĩnh Khang, cựu Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc, đã chính thức bị bắt. Đây là vụ bắt giữ một quan chức cấp cao nhất từ trước đến nay trong chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng.

Đảng Cộng sản Trung Quốc đã khai trừ Chu Vĩnh Khang khỏi hàng ngũ sau khi điều tra cho thấy ông này “làm lộ bí mật nhà nước, lợi dụng chức vụ quyền hạn, quan hệ bất chính”, Tân Hoa Xã cho biết.

Cách đây hai năm, Chu Vĩnh Khang về hưu, rời vị trí Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc. Tờ Wall Street Journal nói đã tìm cách phỏng vấn với ông này nhưng không liên lạc được. Cho đến nay, Chu Vĩnh Khang chưa hề đưa ra bất kỳ bình luận công khai nào về những cáo buộc nhằm vào ông. Hồi tháng 7, Đảng Cộng sản Trung Quốc công khai xác nhận Chu Vĩnh Khang là nghi phạm trong một cuộc điều tra tham nhũng.

Chi tiết cụ thể về các cáo buộc nhằm vào Chu Vĩnh Khang hiện chưa được công bố.

Trước đây, những quan chức tầm cỡ như Chu Vĩnh Khang ở Trung Quốc vẫn được xem là “không ai động vào được”, nhất là sau khi họ đã về hưu. Bởi vậy, vụ xử lý công khai Trung Vĩnh Khang cho thấy ông Tập Cận Bình đã thâu tóm quyền lực trong hệ thống chính trị Trung Quốc.

Ông Tập Cận Bình từng nói, chiến dịch chống tham nhũng của ông nhằm xây dựng lại niềm tin vào đảng Cộng sản Trung Quốc - một thách thức đang ngày càng trở nên phức tạp hơn trong bối cảnh nền kinh tế giảm tốc sau nhiều thập kỷ tăng trưởng bùng nổ.

Nhiều khả năng Chu Vĩnh Khang sẽ trở thành quan chức cấp cao nhất trong Đảng Cộng sản Trung Quốc đối mặt các tội danh hình sự kể từ thập niên 1980 - thời kỳ mà các nhân vật thân cận của Mao Trạch Đông bị thanh trừng sau khi nhà lãnh đạo này qua đời.

“Chưa một quan chức nào ở cấp bậc cao như vậy bị cáo buộc làm lộ bí mật nhà nước”, chuyên gia Minxin Pei thuộc trường Claremont McKenna College nhận định.

“Ông Tập Cận Bình đang rất mạnh. Cách làm này [cáo buộc tội danh làm lộ bí mật nhà nước đối với Chu Vĩnh Khang] sẽ thu hút sự chú ý của người dân”, ông Pei nói.

Cách đây ít hôm, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhắc tới phong cách lãnh đạo cứng rắn của ông Tập Cận Bình. Ông Obama cho rằng, ông Tập đã “tập trung quyền lực nhanh hơn và toàn diện hơn” so với bất kỳ nhà lãnh đạo Trung Quốc nào từ thời Đặng Tiểu Bình.

Chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình đã khiến nhiều quan chức, doanh nhân và tướng lĩnh quân đội Trung Quốc run rẩy. Ngay từ khi mới lên nắm quyền, ông Tập đã tuyên bố sẽ “đả cả hổ lẫn ruồi”, nghĩa là sẽ chống tham nhũng ở mọi cấp. Đã có hơn 50 quan chức hàm bộ trưởng trở lên bị điều tra kể từ khi chiến dịch này bắt đầu.

Thông tin về vụ bắt Chu Vĩnh Khang được đưa ra vào đêm qua, thời điểm mà hầu hết người dân Trung Quốc sẽ không thể ngay lập tức biết tin. Tuy vậy, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã ngay lập tức đánh giá vụ bắt giữ và khai trừ ông Chu như một ví dụ điển hình về quyết tâm của ông Tập Cận Bình trong việc đẩy mạnh chống tham nhũng.

Tờ Nhân dân Nhật báo kêu gọi “giữ nguyên quan điểm không bỏ qua, quyết tâm dùng liều thuốc mạnh, dũng cảm cắt bỏ phần cơ thể đã nhiễm độc” trong chống tham nhũng.

Trong vòng một năm trở lại đây, nhiều người thân trong gia tộc họ Chu và không ít doanh nhân có quan hệ gần gũi với Chu Vĩnh Khang đã bị bắt. Tất cả những người này đều trong tình trạng báo giới không thể liên lạc được. Năm nay 72 tuổi, Chu Vĩnh Khang đã không xuất hiện trước công chúng hơn một năm nay.

Theo giới phân tích, việc đưa Chu Vĩnh Khang ra xét xử có nhiều rủi ro, bởi một phiên tòa như vậy sẽ tạo cho Chu một cơ hội để tiết lộ những chi tiết có thể làm ảnh hưởng xấu tới hình ảnh của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đoàn kết nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc đã từng bị xáo trộn vào năm 2011 khi một ủy viên Bộ Chính trị khi đó là Bạc Hy Lai “ngã ngựa” với các tội danh nhận hối lộ, biển thủ công quỹ và lạm dụng quyền lực.

Tuy vậy, một điểm khác biệt lớn giữa vụ Bạc Hy Lai và vụ Chu Vĩnh Khang là Chu Vĩnh Khang thiếu sự ủng hộ của người dân. “Ông ấy là một hình mẫu tiêu cực”, chuyên gia về Trung Quốc Joseph Fewsmith thuộc Đại học Boston nhận xét về Chu.