Ba thách thức lớn trong thu hút vốn FDI vào Việt Nam
3 thách thức chủ yếu cần giải quyết để giảm chi phí cho doanh nghiệp, tạo cơ hội để dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục đổ về
Ông Denis Brunetti, Đồng Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng, chắc chắn sẽ chứng kiến những động thái tích cực từ Chính phủ để thúc đẩy năng lực cạnh tranh và tăng trưởng của kinh tế bền vững của Việt Nam.
Ông đánh giá như thế nào về môi trường đầu tư của Việt Nam trong những năm gần đây?
Năm nay là năm thứ 30 ra đời Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Đây là khung khổ pháp lý cho phép dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Việt Nam.
Từ thời điểm đó đến nay, đã có nhiều sự kiện lớn với kinh tế Việt Nam, đáng chú ý là việc Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), trở thành thành viên của Cộng đồng kinh tế ASEAN và tham gia nhiều hiệp định tự do thương mại cùng với các đối tác quan trọng.
Nhờ đó, chúng ta có thể chứng kiến một nền kinh tế phát triển toàn diện, dần đạt được đẳng cấp của các quốc gia hàng đầu trong khu vực và ngày càng gia tăng kết nối với thị trường toàn cầu. Đây cũng là xu hướng trong những năm gần đây.
Chúng tôi rất vui khi chứng kiến dòng đầu tư từ EU tiếp tục có tác động tích cực ở Việt Nam, các thành viên của chúng tôi đều phấn khởi về triển vọng kinh doanh của họ ở đây.
Kết quả khảo sát Chỉ số niềm tin kinh doanh quý IV/2017 của EuroCham thực hiện với 950 doanh nghiệp cho thấy, gần 50% doanh nghiệp trả lời cho biết họ xem xét việc gia tăng đầu tư.
Bên cạnh đó, theo khảo sát về hiệp định tự do thương mại (tháng 8/2017), hơn 70% các công ty trả lời cho biết xem xét tăng đầu tư trong 1-3 năm tới và cả giai đoạn dài hơn là 3-5 năm.
Xét về tổng thể, năm 2017, EU là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 5 tại Việt Nam, đây là một mốc phát triển đáng chú ý.
Điều này cho thấy, triển vọng tích cực và đầy hứa hẹn từ Hiệp định Tự do thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) trong việc củng cố và thúc đẩy mối quan hệ đầu tư giữa hai bên.
Theo quan điểm của ông, những điểm hạn chế và trở ngại lớn nhất với các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam là gì? Những điểm này có thể được cải thiện như thế nào?
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) tháng 12 năm ngoái, chúng tôi đã nêu 3 thách thức chủ yếu cần giải quyết để giảm chi phí cho doanh nghiệp và tin rằng điều này sẽ tạo cơ hội để dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục đổ về.
EuroCham tin tưởng chắc chắn việc giải quyết những thách thức đó có thể khiến các nhà đầu tư EU thêm quan tâm đến Việt Nam, đặc biệt, những thách thức này cần được giải quyết trước khi EVFTA có hiệu lực, cụ thể: tham nhũng hành chính; bảo hộ; một số vấn đề về sự đồng bộ giữa các quy định pháp lý.
EuroCham hoan nghênh nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc nhận diện rõ những vấn đề này, đặc biệt vấn đề tham nhũng hành chính.
Chúng tôi đánh giá cao việc Chính phủ đã có những bước tiến tích cực trong việc giảm cơ hội tham nhũng và bảo vệ luật pháp.
Dù thực tế là còn nhiều việc phải làm song Việt Nam đang tiến bước một cách chắc chắn để đảm bảo thực thi cam kết mạnh mẽ trong một số lĩnh vực nhất định. Chúng tôi cũng hoan nghênh sự cải thiện này và sẽ tiếp tục chú ý đến phản hồi của các nhà đầu tư EU.
Về bảo hộ, điều này có thể hiểu là người tiêu dùng trong nước phải chịu mức giá cao hơn khi mua những hàng hóa và dịch vụ đáng tin cậy, an toàn và chất lượng cao.
Trong khi những dấu hiệu về chính sách mở cửa được nêu trong một số thỏa thuận thương mại quốc tế mà Việt Nam đã ký kết một vài năm gần đây, một số trường hợp cho thấy tinh thần mở cửa này vẫn bị che phủ bởi các biện pháp bảo hộ.
Những ví dụ gần đây có thể liệt kê là việc thực thi các quy định như Nghị định 54/CP về phân phối dược phẩm, Nghị định 116/CP về nhập khẩu ô tô và thuế tiêu thụ đặc biệt với nước uống có gas.
Điều quan trọng là cần tìm ra các giải pháp hiệu quả cho cả doanh nghiệp và Chính phủ, đồng thời, điều tiên quyết là duy trì đối thoại để đi đến các giải pháp có thể cải thiện môi trường kinh doanh và bảo hộ.
Cuối cùng, về sự nhất quán giữa các quy định pháp lý, đã có những tín hiệu tích cực mặc dù vẫn còn nhiều điểm cần cải thiện. Việt Nam cần một khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho hoạt động kinh doanh.
Các quy định pháp lý cần có tính nhất quán để tránh hiểu sai và tránh những thay đổi bất ngờ, bởi lẽ, điều này có thể ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh và niềm tin chung của các doanh nghiệp. Mặc dù đã có những quy định mới song việc thiếu rõ ràng và các thủ tục không ổn định. Chúng tôi tin vấn đề này sẽ được giải quyết.
EuroCham hân hạnh được thảo luận những chủ đề này với các cấp của Chính phủ; và tin rằng những cuộc đối thoại có tính chất xây dựng sẽ mang lại kết quả tốt và có thể tạo nên hình ảnh Việt Nam tích cực, từ đó khuyến khích dòng vốn đầu tư từ EU vào Việt Nam.
Những lĩnh vực và ngành nào thu hút đầu tư nhiều nhất từ các nhà đầu tư châu Âu?
Từ trước đến nay, đầu tư và thương mại giữa Việt Nam và EU có liên quan đến những sản phẩm có giá trị gia tăng.
Các sản phẩm như máy móc và thiết bị điện, máy bay, phương tiện đi lại, dược phẩm là những mặt hàng mà Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ EU, và EVFTA có thể sẽ thúc đẩy mạnh hơn xu thế này.
Xét về đầu tư, lĩnh vực sản xuất – đặc biệt là may mặc, IT, ôtô, máy móc, nông nghiệp, ngư nghiệp, F&B, dược phẩm – có thể thu hút thêm các nhà đầu tư EU nhờ EVFTA.
Các nhà đầu tư EU cũng đang chờ đợi những điều kiện thuận lợi hơn - xét về thị trường dịch vụ, bảo vệ đầu tư – có thể được hưởng lợi nhờ EVFTA. Rõ ràng, Việt Nam là điểm đáng chú ý với các nhà đầu tư EU, bao gồm cả những nhà đầu tư đã tham gia thị trường nhiều năm mong muốn mở rộng hoạt động nếu môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện.
Sự sẵn sàng của Chính phủ với Cách mạng Công nghiệp 4.0, nâng cấp các công nghệ di động 4G và 5G là những tín hiệu rất tích cực và tăng sức hấp dẫn của Việt Nam khi nhiều công ty quốc tế muốn xem đây là điểm đến để đặt cơ sở sản xuất.
Cộng đồng kinh doanh châu Âu kỳ vọng gì về nền kinh tế và môi trường đầu tư Việt Nam?
Tháng Giêng năm nay, EuroCham đã thực hiện báo cáo triển vọng thị trường 2018. Báo cáo này là bản đánh giá sâu về triển vọng kinh tế Việt Nam với sự tham gia của các chuyên gia phân tích hàng đầu của Ngân hàng Thế giới (WB) và Commerzbank. Những kết luận từ báo cáo này chỉ ra rằng, Việt Nam có triển vọng tốt xét về tăng trưởng kinh tế và thương mại.
Các chuyên gia có chung quan điểm là nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ đáng chú ý, hầu hết các chuyên gia phân tích ước tính mức tăng trưởng có thể đạt khoảng 6,5%/năm.
Tuy nhiên, sự cải thiện về năng lực cạnh tranh của Việt Nam vẫn còn phụ thuộc và nhiều yếu tố. EuroCham luôn kỳ vọng vào sự tăng trưởng bền vững của Việt Nam và sức cạnh tranh trong tương lai của nền kinh tế này sẽ liên quan chặt chẽ đến năng lực cải thiện và đạt được sự phát triển kinh tế sáng tạo.
Việt Nam đã là một đất nước có tính cạnh tranh tốt nhờ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, thị trường trong nước rộng lớn và nhiều lợi thế khác như nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú.
EuroCham tin tưởng là Việt Nam có thể trở thành một trong những điểm đến đầu tư và thương mại hàng đầu thế giới và trở thành nền kinh tế có tính dẫn dắt ở khu vực Đông Nam Á. Cộng đồng kinh doanh châu Âu muốn Việt Nam tăng trưởng và tăng trưởng tốt.
Nếu Việt Nam có thể đạt được những bước tiến thực chất trong năm 2018 để giảm tính bất ổn về pháp lý và tạo điều kiện cho những thay đổi chủ yếu trong nội tại nền kinh tế, thúc đẩy niềm tin cho các nhà đầu tư quốc tế và trong nước, đất nước này cũng có thể thực hiện những bước đi quan trọng để tận dụng trọn vẹn tiềm năng sẵn có như một trong những điểm đến đầu tư và thương mại thành công nhất trên thế giới.