09:20 20/04/2022

Bắc Giang hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động

Thanh Xuân

Mỗi người lao động được hỗ trợ 01 lần trong 01 tháng và không quá 03 tháng. Trường hợp người lao động làm việc theo hợp đồng lao động cho nhiều người sử dụng lao động thì được hỗ trợ tại nơi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Kế hoạch số 237/KH-UBND triển khai thực hiện Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trên địa bàn tỉnh.

Đối tượng được hỗ trợ là người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang. Về nguyên tắc, việc hỗ trợ phải bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; không hỗ trợ đối với người lao động không đề nghị hỗ trợ; mỗi đối tượng chỉ được hỗ trợ 01 lần trong 01 tháng và không quá 03 tháng.

Trường hợp người lao động làm việc theo hợp đồng lao động cho nhiều người sử dụng lao động thì được hỗ trợ tại nơi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Phương thức chi trả thông qua tài khoản của người sử dụng lao động.

Theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, lao động được hỗ trợ tiền thuê nhà có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong khu công nghiệp, khu chế xuất được thành lập theo điều kiện, trình tự và thủ tục quy định tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế và Khu vực kinh tế trọng điểm. Mức hỗ trợ là 500.000 đồng/người/tháng.

UBND tỉnh Bắc Giang lưu ý: các cấp, các ngành, các huyện, thành phố phải tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi chính sách tại Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg và Kế hoạch này trên phương tiện thông tin đại chúng, trên các trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị để mọi tổ chức, người lao động, người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh biết và chủ động làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ (nếu đủ điều kiện) hoặc tham gia giám sát việc thực hiện ở cơ sở.

Ngoài ra, Sở Lao động-Thương binh và xã hội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn triển khai, đôn đốc kiểm tra, giám sát các cơ quan, địa phương, đơn vị thực hiện Kế hoạch này; tổng hợp các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện và báo cáo đề xuất giải pháp tháo gỡ đến UBND tỉnh, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Đồng thời thiết lập và công bố đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, giải đáp thắc mắc trong việc triển khai hỗ trợ cho các đối tượng liên quan.

Sở Tài chính sẽ dựa trên cơ sở đề nghị của các địa phương, phối hợp với Kho bạc Nhà nước đề nghị Trung ương cấp kinh phí hỗ trợ kịp thời nhằm đảm bảo thực hiện các chính sách hỗ trợ theo quy định.

UBND các huyện, thành phố thuộc tỉnh tiếp nhận hồ sơ, thẩm định danh sách và kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng; chủ tịch UBND huyện, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về tính chính xác của danh sách đối tượng đề nghị hỗ trợ và kinh phí hỗ trợ.