08:36 16/04/2024

Người tiêu dùng Nhật hoang mang về thực phẩm chức năng

Hoài Phương

Theo Bộ Y tế Nhật Bản, 5 người sử dụng beni koji của Kobayashi tại nước này đã tử vong, 219 người nhập viện tính đến ngày 9/4. Đài Loan cũng ghi nhận 40 trường hợp gặp các vấn đề sức khỏe sau khi sử dụng sản phẩm này...

Sản phẩm thực phẩm chức năng chứa beni koji của Kobayashi Pharmaceuticals. Ảnh: Nikkei Asia
Sản phẩm thực phẩm chức năng chứa beni koji của Kobayashi Pharmaceuticals. Ảnh: Nikkei Asia

Tờ Nikkei Asia cho hay, nhiều người tiêu dùng Nhật Bản những ngày này đã ngừng sử dụng các loại thực phẩm bổ sung hay thực phẩm chức năng vì lo ngại an toàn sức khỏe sau bê bối của hãng Kobayashi Pharmaceutical. Doanh số bán thực phẩm chức năng tại Nhật Bản đã giảm 11% trong tuần tính đến ngày 1/4/2024 so với cùng kỳ năm trước. Thậm chí, người phát ngôn của Hiệp hội tiếp thị trực tiếp Nhật Bản (JDMA) cho biết doanh số của nhiều hãng có thể giảm kỷ lục 20 - 30% sau vụ việc này.

Nhu cầu đã giảm từ trước đó trong năm nay do giá tăng, nhưng với mức giảm nhẹ hơn, chỉ 6,7% trong tuần đầu tháng Ba. Đà giảm này đã tăng lên 10,4% trong tuần bắt đầu vào ngày 18/3, thời gian mà Kobayashi thông báo thu hồi các sản phẩm men gạo đỏ. Mức giảm này hiện vẫn duy trì ở mức khoảng 10% kể từ đó.

Nhà sản xuất mỹ phẩm và thực phẩm bổ sung Fancl cho biết số lượt hủy dịch vụ mua định kỳ sản phẩm thực phẩm bổ sung giúp giảm cholesterol của công ty này đã tăng gấp 10 lần, dù sản phẩm này không có thành phần là men gạo đỏ của Kobayashi. Để trấn an khách hàng, Fancl đã nhấn mạnh chất lượng và độ an toàn của sản phẩm ở cả các cửa hàng và cả trang bán hàng trực tuyến.

Thương hiệu DHC nổi tiếng cũng cho biết đã nhận được khoảng 12.000 đơn thắc mắc bày tỏ sự lo lắng của người dùng sau khi bê bối men gạo đỏ bị phát hiện. Tại các cửa hàng truyền thống của DHC, nhân viên bán hàng phải liên tục phát tờ rơi nhấn mạnh về độ an toàn của sản phẩm. Tương tự, tập đoàn Asahi Group Foods, nơi cung cấp loạt sản phẩm thực phẩm bổ sung mang thương hiệu Dear-Natura, cũng chứng kiến nhiều đơn hàng bị hủy hơn trên nền tảng trực tuyến.

Hiệp hội tiếp thị trực tiếp Nhật Bản (JDMA) dự đoán doanh số của nhiều hãng có thể giảm kỷ lục 20 - 30% sau bê bối Kobayashi.
Hiệp hội tiếp thị trực tiếp Nhật Bản (JDMA) dự đoán doanh số của nhiều hãng có thể giảm kỷ lục 20 - 30% sau bê bối Kobayashi.

Trước tình hình này, các nhà sản xuất thực phẩm bổ sung Nhật Bản đang gấp rút ra các thông cáo nhằm đảm bảo chất lượng an toàn với người tiêu dùng. Tuy nhiên theo Nikkei, việc khôi phục lại niềm tin trong ngành này không dễ, nhất là khi Nhật Bản nổi tiếng với quy trình kiểm tra chất lượng khắt khe nhưng lại để lọt vụ việc men gạo đỏ. Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Nhật Bản (CAA) đã tiến hành khảo sát và thẩm tra khoảng 1.700 sản phẩm thực phẩm chức năng tương tự xem có bất kỳ báo cáo về vấn đề sức khỏe nào hay không.

Thực phẩm chức năng (Foods with Functional Claim - FFC) tại Nhật Bản được giới thiệu vào năm 2015 như một giải pháp giá rẻ thay thế cho Thực phẩm đặc biệt cho sức khỏe (Foods with Special Health Qualities - Tokuho), vốn cần sự sàng lọc khắt khe hơn từ chính phủ. Do được phân loại thấp hơn nên chi phí đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cũng rẻ hơn, qua đó giúp các công ty nhỏ có thể gia tăng được lợi nhuận dễ dàng hơn. Tất cả những gì doanh nghiệp cần làm là nộp bằng chứng về tính hiệu quả của sản phẩm để đăng ký sản phẩm.

Không giống như dược phẩm, thực phẩm chức năng FFC không cần tuân theo các quy định tiêu chuẩn JGMP của Nhật Bản. Điều này đồng nghĩa không có bất kỳ sự giám sát nào về phương pháp sản xuất, thành phần hoặc nồng độ, cũng như hình thức của sản phẩm (dạng viên thường hay viên nang)... Điều này trái ngược với Mỹ khi có hẳn một khung pháp lý dành riêng cho các dạng thực phẩm bổ sung (Dietary Supplements) mà các nhà sản xuất phải tuân thủ nhằm đảm bảo chất lượng. Thậm chí Liên minh Châu Âu (EU) hay nhiều nước Đông Nam Á còn có những quy định cứng rắn hơn ở mảng thực phẩm bổ sung này.

Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Nhật Bản (CAA) đã tiến hành khảo sát và thẩm tra khoảng 1.700 sản phẩm thực phẩm chức năng tương tự.
Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Nhật Bản (CAA) đã tiến hành khảo sát và thẩm tra khoảng 1.700 sản phẩm thực phẩm chức năng tương tự.

Hồi cuối tuần trước, Bộ Y tế Nhật Bản đã có cuộc gặp với lãnh đạo hãng dược phẩm Kobayashi ở trụ sở của hãng này tại Osaka. Cuộc gặp này đề cập đến khoảng thời gian 2 tháng từ lúc Kobayashi ghi nhận các bất ổn sức khỏe của nhiều người liên quan tới sản phẩm của mình cho đến khi công khai thông tin. Giới chuyên môn nhận định cuộc khủng hoảng an toàn thực phẩm của Kobayashi đã bộc lộ những vấn đề về tổ chức trong công ty. Theo đó, với tư cách là một doanh nghiệp gia đình điển hình của Nhật Bản, có thể họ sẽ ưu tiên lợi ích của mình hơn khách hàng trong việc ra quyết định.

Các chuyên gia cho rằng, trước khi vụ việc diễn ra, Kobayashi không báo cáo với chính quyền về các vấn đề liên quan, và không có các hành động ngay lập tức dẫn đến làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng. Trong khi đó, Đạo luật Vệ sinh Thực phẩm của Nhật yêu cầu các doanh nghiệp thông báo cho chính quyền địa phương ngay khi xác định được các sự cố sức khỏe.

Bộ Y tế Nhật Bản xác nhận 3 người trong số 5 người được công ty dược phẩm Kobayashi báo cáo đã tử vong sau khi dùng thực phẩm chức năng bổ sung men gạo đỏ của công ty này, có các bệnh lý nền bao gồm tăng huyết áp, rối loạn lipid máu và thấp khớp, trong khi tiền sử bệnh lý của hai người tử vong còn lại chưa được xác định. Tuy nhiên, các nhà khoa học về y tế tại Nhật Bản cho rằng ngay cả khi xác định được tác nhân gây bệnh thì đó vẫn chưa phải là kết thúc. Theo họ, cần tận dụng cơ hội này để thiết lập hệ thống báo cáo kịp thời, cải thiện cơ sở dữ liệu cho các báo cáo đó và nhanh chóng hành động dựa trên đánh giá của các chuyên gia y tế.

Không giống như dược phẩm, thực phẩm chức năng FFC không cần tuân theo các quy định tiêu chuẩn JGMP của Nhật Bản.
Không giống như dược phẩm, thực phẩm chức năng FFC không cần tuân theo các quy định tiêu chuẩn JGMP của Nhật Bản.

Trong khi đó, tờ Japantimes ngày 12/4, dẫn thông tin từ cơ quan Các vấn đề Người tiêu dùng Nhật Bản, cho biết có 18 trong số gần 7.000 sản phẩm có nhãn “thực phẩm chức năng” ở Nhật Bản đã nhận được hơn 110 báo cáo từ các chuyên gia y tế về việc chúng gây ra một số tổn hại về sức khoẻ cho người tiêu dùng. Trong đó, có sản phẩm thực phẩm chức năng chứa beni koji của Kobayashi Pharmaceuticals.

Theo kết quả khảo sát của cơ quan này, các nhà sản xuất thực phẩm chức năng, gồm 11 công ty tiếp thị và bán 18 sản phẩm thực phẩm chức năng cho rằng trong hầu hết các trường hợp, người dùng gặp các triệu chứng nhẹ như tiêu chảy và phát ban. Rõ ràng, với những thông tin nêu trên, có thể thấy các sản phẩm thực phẩm chức năng có xuất xứ từ Nhật Bản vẫn có những nguy cơ nhất định đối với vấn đề sức khoẻ của người dùng.

Công ty nghiên cứu thị trường Fuji Keizai cho biết giá trị thị trường thực phẩm chức năng Nhật Bản đã tăng 19% lên mức ước tính 686,5 tỷ Yên (4,48 tỷ USD với tỷ giá hiện tại) trong năm 2023 và được dự đoán sẽ đạt 777 tỷ Yên vào năm 2026.