09:48 12/09/2023

Bán lẻ du lịch Mỹ cần thêm khách quốc tế

Tường Bách

Sau khi các hạn chế đi lại thời kỳ đại dịch được gỡ bỏ, nhiều doanh nghiệp bán lẻ lớn tại Mỹ đang kỳ vọng du lịch quốc tế sẽ đem lại nguồn thu đáng kể. Tuy nhiên, lượng du khách nước ngoài tới Mỹ lại không đạt dự báo...

Ảnh: USA Today
Ảnh: USA Today

Macy's - chuỗi bán lẻ danh tiếng của Mỹ - ghi nhận kết quả kinh doanh quý 2 kém tích cực, với doanh thu ròng đạt 5 tỷ USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Macy's là một trong số những nhà bán lẻ đã đầu tư mạnh nhằm đón đầu xu hướng du khách trở lại nước Mỹ sau đại dịch, như việc chi hơn 200 triệu USD nâng cấp cửa hàng tại giao lộ Herald Square. Nhưng lượng khách hàng quốc tế hiện chỉ chiếm dưới 2% doanh thu của Macy's, so với mức khoảng 3 - 4% trước đại dịch.

Một số thương hiệu lớn tại Mỹ cũng đưa ra những cảnh báo tương tự trong thống kê của họ. Chẳng hạn, Amazon nhận thấy xu hướng chi tiêu thận trọng của người tiêu dùng. Nhà bán lẻ dụng cụ gia đình Home Depot ngày 15/8 đã tái khẳng định dự báo rằng doanh thu của họ trong năm nay sẽ lần đầu tiên sụt giảm kể từ năm 2009. Theo CNN, những chuỗi cửa hàng lớn tại Mỹ bao gồm Nordstrom, Walmart, Whole Foods, Starbucks và CVS gần đây đã đóng cửa tại một số thành phố lớn của Mỹ, làm dấy lên hồi chuông cảnh báo về tương lai của ngành bán lẻ nước này.

Dù đã dỡ bỏ hầu như toàn bộ các hạn chế đi lại do đại dịch, ngành du lịch Mỹ vẫn đang phục hồi khá chậm chạp. Lượng du khách quốc tế đến Mỹ trong tháng qua chỉ đạt khoảng 2,6 triêu lượt, thấp hơn tới 1/4 so với trước đại dịch. Bên cạnh những khó khăn chung như tình hình lạm phát, các chuyên gia cũng chỉ ra một số vấn đề chủ quan như việc chậm Mỹ đưa ra ưu đãi miễn thị thực với nhiều quốc gia. Ông Geoff Freeman, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Mỹ cho biết: "Nhiều du khách từ châu Á không chọn Mỹ là điểm đến ưa thích, bởi các quốc gia khác đã nhìn ra các điểm yếu của chúng tôi và điều chỉnh chiến lược cho phù hợp".

Dù đã dỡ bỏ hầu như toàn bộ các hạn chế đi lại do đại dịch, ngành du lịch Mỹ vẫn đang phục hồi khá chậm chạp.
Dù đã dỡ bỏ hầu như toàn bộ các hạn chế đi lại do đại dịch, ngành du lịch Mỹ vẫn đang phục hồi khá chậm chạp.

Sự sụt giảm sút là rất lớn với nhóm các du khách từ các nước châu Á như Trung Quốc và Nhật Bản, vốn có mức chi tiêu cao khi đi du lịch nước ngoài. Một ước tính gần đây của Forbes cho thấy, xứ Cờ hoa có thể thất thu tới 20 tỷ USD doanh thu trong năm nay, lượng du khách Trung Quốc tới Mỹ mới chỉ bằng khoảng 1/3 mức trước đại dịch.

Tháng trước, Trung Quốc tuyên bố sẽ gỡ bỏ các hạn chế đối với việc đi lại theo nhóm đến Hoa Kỳ và một số quốc gia khác. Đây được coi là động thái mà Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo nhận định là “một chiến thắng đáng kể cho ngành du lịch và lữ hành Hoa Kỳ”. Các quan chức ngành du lịch Hoa Kỳ đang mong chờ sự trở lại của khách du lịch Trung Quốc, vốn được mệnh danh là du khách có mức chi tiêu lớn nhất toàn cầu.

Được biết, năm 2019, 2,8 triệu du khách Trung Quốc chỉ chiếm 4% tổng số du khách nước ngoài đến Mỹ, nhưng họ lại chiếm tới 13% tổng chi tiêu. Theo Văn phòng Lữ hành và Du lịch Quốc gia (NTTO), cơ quan trực thuộc Bộ Thương mại Hoa Kỳ ước tính, năm nay sẽ có ít hơn 850.000 người Trung Quốc du lịch tới đây. Lượng khách du lịch dự kiến giảm 68% tương đương với hơn 20 tỷ USD mà du khách Trung Quốc sẽ không chi tiêu ở Mỹ trong năm nay.

Sự sụt giảm này đã gây thiệt hại đặc biệt lớn cho San Francisco, nơi hơn 518.000 du khách Trung Quốc đã “bơm” hơn 1,2 tỷ USD vào nền kinh tế địa phương vào một năm trước đại dịch. Theo dữ liệu do NTTO thu thập, một khách du lịch Trung Quốc trung bình đi du lịch một mình chi tiêu trung bình 10.445 USD cho chuyến đi đến Mỹ.

Để dễ so sánh, một du khách điển hình đến từ Vương quốc Anh hoặc Brazil chi tiêu lần lượt là 2.576 USD và 3.269 USD, trong khi khách du lịch Nhật Bản trung bình chi 3.783 USD. Nói cách khác, phải mất khoảng ba khách du lịch Brazil hoặc bốn khách du lịch Anh để bù đắp cho mỗi khách du lịch Trung Quốc đi du lịch nơi khác.

Hiện tại, các hãng hàng không Trung Quốc chỉ khai thác 12 chuyến bay chở khách theo lịch trình mỗi tuần đến Hoa Kỳ. Trong khi ba hãng hàng không Hoa Kỳ bao gồm American Airlines, Delta Air Lines và United Airlines cũng chỉ khai thác tổng cộng trên dưới mười chuyến bay đến Trung Quốc. Đến cuối tháng 10, những con số đó sẽ tăng gấp đôi tuy nhiên đó vẫn chỉ là một phần nhỏ trong số 366 chuyến bay đã khởi hành giữa Trung Quốc và Mỹ vào tháng 8/2019.

Bên cạnh đó, theo dữ liệu từ Văn phòng tư vấn du lịch quốc tế IPK, ngày càng nhiều người Ấn Độ đi du lịch nước ngoài và Mỹ đang cố gắng đáp ứng nhu cầu đi du lịch của quốc gia Nam Á này bằng cách mở mới hai lãnh sự quán. Theo dữ liệu từ Văn phòng Lữ hành và Du lịch Quốc gia của Bộ Thương mại Mỹ, 5 tháng đầu năm 2023, lượng khách từ Ấn Độ đến Mỹ đã vượt qua con số trước đại dịch Covid-19. Ấn Độ xếp thứ ba trong số du khách nước ngoài đến Mỹ vào năm ngoái, trước đó năm 2019 ở vị trí thứ tám, Reuters đưa tin.

Khách du lịch không chi tiêu nhiều cho hàng hóa và thay vào đó họ vung tiền vào các sự kiện thể thao hoặc vé xem hòa nhạc ở các điểm đến mới.
Khách du lịch không chi tiêu nhiều cho hàng hóa và thay vào đó họ vung tiền vào các sự kiện thể thao hoặc vé xem hòa nhạc ở các điểm đến mới.

Triển vọng cho phần còn lại của năm nay có vẻ đầy hứa hẹn. Theo ForwardKeys, một công ty dữ liệu du lịch, lượng khách đặt chuyến bay từ Ấn Độ đến Mỹ trong quý 4 của năm 2023 cao hơn 26% so với mức trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Hãng hàng không quốc gia Ấn Độ gần đây đã triển khai dịch vụ bay thẳng từ thành phố Mumbai đến New York, San Francisco thuộc tiểu bang California và từ Bengaluru - thủ phủ của bang Karnataka miền Nam Ấn Độ đến San Francisco.

Bên cạnh đó, du khách nước ngoài đến New York từ các quốc gia Tây Âu, trong đó có Pháp và Vương quốc Anh, đã tăng trở lại kể từ năm 2022. Tuy nhiên khách du lịch không chi tiêu nhiều cho hàng hóa và thay vào đó họ vung tiền vào các sự kiện thể thao hoặc vé xem hòa nhạc ở các điểm đến mới.

Theo báo cáo về Xu hướng ngành du lịch - lữ hành năm 2023 của Mastercard, chi tiêu của khách du lịch cho các trải nghiệm như nhà hàng, công viên giải trí và câu lạc bộ đêm trên toàn cầu đã tăng 65% tính đến tháng 3/2023. Trong khi đó, chi tiêu của khách du lịch cho các hàng hóa như mỹ phẩm, đồ trang sức và đồ điện tử chỉ tăng 12%.