Bán lẻ mùa lễ hội 2024 khép lại với những tín hiệu tích cực
Các nhà bán lẻ đã đạt được hoặc vượt qua kỳ vọng doanh số mùa lễ hội 2024, nhờ lượng khách mua sắm đông đảo, sức chi tiêu của người tiêu dùng duy trì ổn định và các chương trình giảm giá được kiểm soát hợp lý…
WWD nhận định trong suốt tháng 11 và 12, mức giảm giá tại các nhà bán lẻ phổ biến tại Mỹ dao động từ 25% đến 40%, thỉnh thoảng lên tới 60%. Hàng tồn kho được quản lý chặt chẽ, đảm bảo cân bằng giữa tăng trưởng doanh số so với cùng kỳ và lượng hàng dự trữ. Nhờ đó, mùa lễ hội năm 2024 tại Mỹ ghi nhận lượng khách ghé thăm đông đảo tại các cửa hàng và trung tâm thương mại.
MỘT NĂM 2024 BỘI THU
Những danh mục sản phẩm nổi bật bán chạy nhất bao gồm trang phục, đặc biệt là dòng thời trang thể thao (athleisure), thời trang dành cho thanh thiếu niên và giới trẻ, giày dép thường ngày và thể thao, sản phẩm chăm sóc sức khỏe và cá nhân, cùng đồ thể thao. Thẻ quà tặng tiếp tục là mặt hàng bán chạy trong mùa lễ này. Nhiều nhà bán lẻ cũng ghi nhận nhu cầu cao đối với váy đầm và trang phục công sở nam, phản ánh xu hướng trở lại văn phòng đang diễn ra. Tuy nhiên, các sản phẩm điện tử tiêu dùng và thiết bị gia dụng lại có mức tiêu thụ kém hơn.
Ông Jim von Maur, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành chuỗi cửa hàng bách hóa Von Maur có trụ sở tại Davenport, Iowa, Mỹ chia sẻ: “Mùa lễ hội năm 2024 sẽ kết thúc rất tốt đẹp với chúng tôi”. Ông dự đoán doanh số so sánh (comp sales) sẽ có mức tăng trưởng nhẹ và tổng doanh số tăng trưởng tích cực.
“Chúng tôi ghi nhận lượng khách đến mua sắm đông đảo. Người tiêu dùng đang quay trở lại các cửa hàng. Các trung tâm thương mại rất nhộn nhịp. Trong khi thương mại điện tử tiếp tục phát triển, chúng tôi nhận thấy ngày càng nhiều người ra ngoài mua sắm trực tiếp tại các cửa hàng. Cửa hàng mới của chúng tôi ở Pittsburgh đã hoạt động cực kỳ ấn tượng, vượt xa mọi kỳ vọng. Chúng tôi cũng bán được nhiều chiếc túi xách cao cấp với giá rất đắt đỏ”, ông Jim cho biết.
Johnson, đại diện từ Customer Growth Partners, bổ sung: “Chúng tôi đã nâng dự báo tăng trưởng doanh số kỳ nghỉ lễ lên 6,2% so với năm 2023, dựa trên sự tăng trưởng mạnh mẽ trong vài tuần qua”.
“Lượng khách vào cuối tuần tăng vượt bậc,” Stephen Yalof, Chủ tịch kiêm CEO của Tanger – nhà vận hành 39 trung tâm mua sắm outlet và một trung tâm về phong cách sống tại Greensboro, Bắc Carolina, Mỹ – cho biết. “Các ngày cuối tuần đóng vai trò cực kỳ quan trọng để bù đắp cho việc mùa lễ năm nay có ít hơn năm ngày so với trước. Chúng tôi nhận được nhiều phản hồi tích cực rằng các cửa hàng tại trung tâm của chúng tôi kinh doanh rất tốt. Số lượng xe cộ tăng đáng kể so với năm ngoái, và điều đó khiến chúng tôi rất lạc quan về mùa lễ này. Lưu lượng khách đã vượt qua năm ngoái”.
Craig Johnson, Chủ tịch Customer Growth Partners, bổ sung: “Chúng tôi cho rằng mùa lễ hội năm 2024 đang tạo ra một nền tảng vững chắc cho năm tới. Người tiêu dùng vẫn chi tiêu, nhưng họ chi tiêu một cách cẩn trọng và cân nhắc hơn”.
XU HƯỚNG MUA SẮM CÓ CHỌN LỌC VÀ CHÚ TRỌNG GIÁ TRỊ
“Nhiều nhà bán lẻ đã chuẩn bị tinh thần cho một mùa mua sắm trầm lắng, do thời gian giữa Lễ Tạ ơn và Giáng sinh bị rút ngắn. Tuy nhiên, tại các cửa hàng Primark ở Mỹ, chúng tôi nhận thấy người tiêu dùng khá tập trung và có mục đích rõ ràng khi mua sắm quà tặng, chú trọng vào giá trị thay vì lướt xem tùy hứng như những năm trước,” Kevin Tulip, Chủ tịch Primark tại Mỹ, nhận định.
Ông Craig Johnson cũng chia sẻ: “Các nhà bán lẻ đang đối mặt với một nhóm người tiêu dùng chú trọng giá trị, họ kiên định trong việc chi tiêu, mua sắm dựa trên sự cân nhắc nhiều hơn. Chúng tôi đang chứng kiến sự dịch chuyển sang các sản phẩm có mức giá thấp hơn, một phần nhờ các chương trình khuyến mãi hiện đã trở nên phổ biến. Tuy nhiên, lưu lượng khách hàng đến các cửa hàng vẫn rất tốt”.
“Người mua sắm tập trung vào việc mang lại niềm vui cho những người trong danh sách quà tặng của họ, và chúng tôi chứng kiến nhu cầu lớn đối với các sản phẩm hợp tác thú vị và sản phẩm có bản quyền”, ông Kevin Tulip chia sẻ. “Chúng tôi nhận thấy sự quan tâm mạnh mẽ đến các sản phẩm liên quan đến nhân vật hoạt hình Grinch, Disney, và trang phục thể thao địa phương. Về xu hướng trở lại với mua sắm tại cửa hàng, tôi nghĩ năm nay đã chứng minh rằng mua sắm trực tiếp vẫn giữ vai trò quan trọng. Một số ngày bán hàng tại cửa hàng của chúng tôi, như Black Friday hay Super Saturday, đạt doanh số rất cao, và các cửa hàng mới khai trương trong mùa này thậm chí có hàng dài hơn 800 người chờ”.
Heather Kaminetsky, Chủ tịch khu vực Bắc Mỹ của Mytheresa, một trang thương mại điện tử về thời trang cao cấp có trụ sở tại Munich, cũng chia sẻ: “2024 là một mùa mua sắm tốt. Khách hàng của chúng tôi rất năng động trong mùa lễ này, không chỉ mua sắm cho bản thân mà còn cho những người thân yêu. Chúng tôi thấy khách hàng có nhiều sự kiện phải tham dự, từ tiệc lễ hội đến các chuyến đi trượt tuyết”.
DỰ BÁO CHO NĂM 2025: THẬN TRỌNG NHƯNG VẪN LẠC QUAN
Với năm 2025, bức tranh kinh tế có phần không chắc chắn. Các chuỗi cửa hàng bách hóa lớn được cho là sẽ đặt hàng ở mức tương đương năm 2024, trong khi các nhà bán lẻ độc lập, bao gồm các cửa hàng chuyên biệt nhỏ với một hoặc một vài địa điểm, dự kiến tăng trưởng khoảng 3%, theo nền tảng bán buôn Joor dành cho các thương hiệu và nhà bán lẻ. Giá thực phẩm vẫn ở mức cao, và nỗi lo ngại về việc áp dụng thuế quan mới từ chính quyền của Tổng thống đắc cử Donald Trump cũng đang lan rộng.
Tuy nhiên, vẫn có một số tín hiệu tích cực. Giá các mặt hàng tiêu dùng nói chung đang giảm dần, thị trường chứng khoán và tiền lương dự kiến sẽ tiếp tục tăng. Ngoài ra, động lực từ mùa mua sắm cuối năm 2024 có thể kéo dài sang năm 2025, mang lại hy vọng cho ngành bán lẻ.
Ông Jim von Maur nhận định: “Năm 2025 sẽ có một chút bất ổn. Người tiêu dùng vẫn chịu áp lực từ lạm phát. Họ không thể mua được nhiều như trước, trong khi chi tiêu cho thực phẩm chiếm phần lớn ngân sách. Nhưng tôi muốn nói rằng giai đoạn tồi tệ nhất của lạm phát đã qua, và hy vọng tiền lương sẽ tăng theo sinh hoạt phí. Tôi lạc quan rằng nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng và duy trì ổn định”.