08:57 25/09/2021

Bánh kẹo Việt Nam không thể bỏ quên thị trường Hàn Quốc

Vũ Khuê

Các doanh nghiệp Việt Nam dường như chưa quan tâm nhiều đến sản phẩm bánh kẹo để xuất khẩu vào Hàn Quốc. Trong khi kim ngạch nhập khẩu của Hàn Quốc với sản phẩm bánh kẹo lên tới gần 1 tỷ USD mỗi năm...

Thị phần bánh kẹo Việt Nam tại Hàn Quốc vẫn còn khiêm tốn
Thị phần bánh kẹo Việt Nam tại Hàn Quốc vẫn còn khiêm tốn

Ông Phạm Khắc Tuyên, Bí thư thứ nhất, Trưởng Văn phòng Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, cho biết quy mô thị trường bánh kẹo Hàn Quốc năm 2020 đạt khoảng 2,5 tỷ USD.

Trong đó trung bình hằng năm, Hàn Quốc nhập khẩu 550 triệu USD. Cụ thể, năm 2020, Hàn Quốc nhập khẩu bánh đạt 347 triệu USD và kẹo 222 triệu USD.

Bánh kẹo Việt Nam đang ở đâu trên thị trường Hàn Quốc? Theo ông Tuyên, trong những năm gần đây, sản phẩm bánh kẹo của Việt Nam đang từng bước khẳng định thương hiệu và chất lượng tại thị trường Hàn Quốc song nhìn chung thị phần vẫn còn kiêm tốn: kẹo chiếm 5,1%, bánh chiếm 3,4%.

Đối với kẹo cứng, kẹo mềm Việt Nam xuất khẩu vào Hàn Quốc khoảng 11,3 triệu USD, chiếm 1% tổng kim ngạch nhập khẩu của thị trường này. Bánh quy Việt Nam đứng thứ 14, chiếm 2,5% thị phần tại đây.

Mặt hàng bánh nướng của Việt Nam cũng đạt gần 15 triệu USD, chiếm 5,8% tại Hàn Quốc. “Như vậy, tổng số bánh kẹo Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc nói chung chiếm dưới 6% thị phần trong nhu cầu gần 1 tỷ USD nhập khẩu bánh kẹo của Hàn Quốc”, ông Tuyên nhấn mạnh.

Việt Nam đang có nhiều thuận lợi khi xuất khẩu bánh kẹo sang thị trường Hàn Quốc như thuế gần như về 0% nên thế cạnh tranh của bánh kẹo Việt Nam khá cao tại nước này.

Ngoài ra, Hàn Quốc khi nhập khẩu bánh kẹo vào họ phải chịu một số loại thuế như thuế VAT, hoặc những mức thuế đặc biệt của một số địa phương (thường khi nhập khẩu vào, tuỳ từng địa phương Hàn Quốc có mức thuế khác nhau do địa phương đó quy định).

Đây là những lợi thế cho xuất khẩu bánh kẹo của Việt Nam sang thị trường này. Tuy nhiên, ông Tuyên lưu ý, khi xuất khẩu bánh kẹo vào Hàn Quốc doanh nghiệp cần tìm kỹ thị trường, kênh phân phối, đối tác, đối thủ cạnh tranh, thị hiếu khách hàng…

 

Hiện kênh tiêu thụ bánh kẹo nhiều nhất ở Hàn Quốc chính là hệ thống các cửa hàng giảm giá, chuỗi siêu thị tiện ích. Bởi thế, khi thâm nhập thị trường, doanh nghiệp cần nghiên cứu các kênh tiêu thụ để thành công.

Người Hàn Quốc thường lựa chọn sản phẩm bánh kẹo có vị ngon và tốt cho sức khoẻ, mùi vị hấp dẫn đây là những yếu tố chiếm trên 80% quyết định người tiêu dùng Hàn Quốc có mua sản phẩm hay không.

Điều nữa, khi xuất khẩu bánh kẹo vào Hàn Quốc, doanh nghiệp cần tìm hiểu các thủ tục nhập khẩu như Luật an toàn vệ sinh thực phẩm của Hàn Quốc, Bộ an toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc…

Hay các quy định về dán nhãn tại Hàn Quốc. Ông Tuyên thông tin, nước này không có quy định bắt buộc về dán nhãn chứng nhận đối với các mặt hàng bánh kẹo nhưng Hàn Quốc có nhiều dấu chứng nhận chất lượng liên quan đến thực phẩm mà có thể có ích khi phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng.

Một số nhãn chính như: HACCP do Bộ an toàn thực phẩm và dược phẩm, Bộ nông nghiệp, lương thực và nông thôn Hàn Quốc đồng chứng nhận. GH-Good of Health - nhãn chứng nhận về sức khoẻ do Viện phát triển Y tế, một tổ chức thuộc chính phủ cấp cho những sản phẩm chất lượng thuộc các lĩnh vực thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm, thiết bị y tế…

Dấu chứng nhận ISO 22000 là dấu chứng nhận liên quan đến hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, có phạm vi bao trùm toàn bộ quá trình kinh doanh sản xuất từ mua nguyên liệu thô cho đến tiêu thụ với mục đích nâng cao cơ chế quản lý an toàn vệ sinh và tạo dựng niềm tin từ người tiêu dùng….

Ngoài ra, theo ông Tuyên, doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu bánh kẹo sang Hàn Quốc chưa quan tâm nhiều đến thương hiệu tại thị trường này. Vì sản phẩm bánh kẹo của chúng ta có thể tương đồng hoặc có nhiều đặc điểm giống sản phẩm của nước sở tại.

Vì thế, bên cạnh việc quan tâm tới thị trường cần quan tâm tới bảo hộ sở hữu trí tuệ cho sản phẩm của mình. Doanh nghiệp xuất khẩu cần có đăng ký bảo hộ thương hiệu tại thị trường này tránh phát sinh tranh chấp.