07:00 29/11/2021

Bao giờ doanh nghiệp vận tải khách mới thực sự “lăn bánh”?

Lưu Hà

Đã hơn một tháng kể từ ngày các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh được hoạt động trở lại. Thế nhưng với các doanh nghiệp, để phương tiện của mình được hoạt động và thực sự “thoát lỗ” thì còn gặp nhiều thách thức...

Có thể nói, lĩnh vực kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô thuộc nhóm ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Sau khi được mở cửa trở lại, nhiều doanh nghiệp xe khách liên tỉnh chạy được vài ngày thì buộc phải dừng hoạt động. Phần vì không có khách, phần vì một số địa phương ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 tăng cao nên xe khách càng chạy càng lỗ.

NHỮNG KHUNG CẢNH VẮNG VẺ CHƯA TỪNG CÓ

Là đầu tàu của cả nước, TP.HCM có hàng chục ngàn phương tiện với hàng trăm đơn vị kinh doanh vận tải khách đường bộ tại các loại hình xe khách, xe bus, xe hợp đồng và taxi. Tuy nhiên, trước tình hình vận tải gần như bị “đóng băng” như hiện nay buộc các đơn vị kinh doanh phải tập kết xe về bãi. Do lâu ngày không hoạt động, hiện các phương tiện này đang có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng.

Tại Bến xe miền Đông, cảnh tượng chưa từng thấy ở bến xe lớn nhất cả nước: quầy vé không nhân viên, ghế ngồi không bóng khách dù đã có hơn 40 nhà xe với hơn 100 tuyến xe đã đăng ký hoạt động lại. Số xe xuất bến mỗi ngày cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Các tài xế hay chủ xe ở các tỉnh đa phần ngồi không ngóng đợi khách hoặc hàng hóa.

Ông Phan Huy Hoàng (tài xế xe tuyến Đăk Song, tỉnh Đăk Nông) cho biết: “Xe của tôi là loại xe giường nằm 41 chỗ, mà khách đi TP.HCM lúc đông nhất cũng chỉ có 10 người, lúc khách về chỉ có 2 - 3 người. Tôi có đến 4 chiếc xe giường nằm phục vụ khách, hiện nay chỉ có 1 chiếc đang chạy, 3 chiếc còn lại “đắp chiếu” ở nhà. Một chiếc hoạt động đã lỗ, mấy chiếc kia mà chạy nữa chắc tôi không trụ nổi”.

Sau khi được mở cửa trở lại, nhiều doanh nghiệp xe khách liên tỉnh chạy được vài ngày thì buộc phải dừng hoạt động.
Sau khi được mở cửa trở lại, nhiều doanh nghiệp xe khách liên tỉnh chạy được vài ngày thì buộc phải dừng hoạt động.

Tại các tỉnh phía Bắc, tình hình cũng không khá hơn. Ông Đoàn Thế Xuyên, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phúc Xuyên đang trong cảnh đứng ngồi không yên. “Xe mới chạy được vài ngày, thành phố Uông Bí (Quảng Ninh) bùng phát dịch, chuyển từ cấp độ màu xanh sang màu vàng nên phải dừng hoạt động vận tải. Xe khách liên tỉnh Hà Nội - Quảng Ninh hầu như mỗi chuyến chỉ có vài người, càng chạy càng lỗ”, ông Xuyên chia sẻ.

Với loại hình vận tải taxi, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết lượng khách bằng khoảng 30% so với thời điểm chưa có dịch. Trong khi dịch vẫn diễn biến phức tạp, giá xăng dầu nhảy vọt thì chắc chắn các hãng taxi sẽ phải tăng giá cước. Nhưng nếu vậy, hãng taxi sẽ phải dừng hoạt động hàng vạn xe, kéo theo chi phí in niêm yết bảng giá mới, điều chỉnh đồng hồ tính tiền… Và điều này sẽ khiến số lượng hành khách sụt giảm mạnh hơn.

Ông Bùi Ngọc Quang, Giám đốc Công ty TNHH Quang Phát có 15 xe chạy tuyến Bắc – Nam, chia sẻ, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 35% cơ cấu giá thành vận tải. Doanh nghiệp có lượng xe lớn, chạy nhiều sẽ mất khoản chi phí lớn cho nhiên liệu, nhưng tăng giá cước vận chuyển không phải là điều dễ dàng khi các hợp đồng đã ký. Chưa kể, nếu tăng giá lên ngay, nhiều khách hàng dễ phản ứng, ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất, kinh doanh.

Không thể tăng giá cước, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải đối mặt với tình trạng lỗ chi phí, không có tiền trả nợ ngân hàng. Trước tình trạng như vậy, ông đề nghị cơ quan quản lý nhà nước cần có những chính sách phù hợp, như giãn nợ để hỗ trợ cho doanh nghiệp vận tải.

CẦN MỘT GIẢI PHÁP TỔNG THỂ

Với đa số các doanh nghiệp vận tải hành khách, xe phải nằm bãi đồng nghĩa với doanh nghiệp không còn nguồn thu. Tuy nhiên họ vẫn phải duy trì một phần lương để giữ chân người lao động, bên cạnh một loạt chi phí khác như: chi phí bến bãi, phí bảo trì đường bộ, phí đăng kiểm, phí bảo hiểm. Ngoài ra còn các khoản khác như: chi phí khấu hao phương tiện, lãi vay ngân hàng, chi phí sửa chữa phương tiện. Nếu cứ đà tiếp diễn như vậy, hàng loạt doanh nghiệp vận tải khách có nguy cơ phá sản trong tương lai gần.

 
Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải vừa có Văn bản đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục giảm phí sử dụng đường bộ đến hết ngày 30/6/2022 đối với xe ôtô kinh doanh vận tải, kéo dài thêm 6 tháng so với quy định hiện nay.

Để mở lại vận tải theo cách bình thường và bền vững, thích ứng an toàn với dịch bệnh, các doanh nghiệp vận tải kiến nghị cần đẩy nhanh tiến độ phủ vaccine ở các tỉnh, thành. Chính phủ cũng có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp, Bộ Tài chính xem xét miễn, giảm hoặc có giải pháp kéo giãn thời gian đóng phí bảo trì đường bộ; ngân hàng bơm vốn vay cho doanh nghiệp phục hồi lại hoạt động vận tải; giảm thuế và phí trong xăng dầu đồng thời sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu để hạ nhiệt đà tăng.

Trao đổi về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh vận tải sớm thoát khỏi tình cảnh khó khăn hiện nay, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, ngay sau khi Bộ Giao thông vận tải ban hành Quyết định 1812 ngày 16/10/2021 hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải của 5 lĩnh vực, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có nhiều văn bản yêu cầu các sở Giao thông vận tải triển khai thực hiện và báo cáo rõ những khó khăn, vướng mắc để kịp thời khắc phục.

Quang cảnh vắng vẻ tại các bến xe những ngày này.
Quang cảnh vắng vẻ tại các bến xe những ngày này.

Tuy nhiên, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cũng cho rằng nhiều địa phương chưa đánh giá cấp độ dịch đến cấp xã/phường/thôn để đăng lên trang web của Sở Y tế. Việc cấp độ dịch tại các địa phương thay đổi thường xuyên cũng gây khó khăn trong việc kết nối lại các loại hình vận tải. Cùng đó, hiện nhiều bến xe có tuyến liên tỉnh liên quan thuộc xã/phường đang ở cấp độ dịch thay đổi khó chủ động cho triển khai hoạt động lại tuyến vận tải.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã báo cáo Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Bộ Y tế chỉ đạo Sở Y tế địa phương đánh giá kịp thời cấp độ dịch đến cấp xã/phường/thôn tại các địa phương và đăng trên trang thông tin điện tử của Sở Y tế để Sở Giao thông vận tải, các đơn vị kinh doanh vận tải, các bến xe tại địa phương tra cứu và thống nhất tổ chức hoạt động vận tải phù hợp theo quy định.

“Chúng tôi cũng đề nghị các địa phương có kế hoạch tiếp tục tập trung phân bổ vaccine và khẩn trương tiêm cho lái xe, nhân viên phục vụ và cán bộ công nhân viên tại bến xe, trạm dừng nghỉ để đảm bảo nguồn lực tham gia hoạt động vận tải, gắn với công tác phòng, chống dịch Covid-19. Chúng tôi cũng kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho các đơn vị vận tải bị ảnh hưởng của dịch; đồng thời cho vay mới để ổn định sản xuất kinh doanh, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị kinh doanh vận tải bị ảnh hưởng của dịch Covid-19”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay.