10:52 26/11/2021

F0 gia tăng, doanh nghiệp TP.HCM cần sự trợ giúp của cơ quan y tế

Tuệ Mỹ

Đến nay, hơn 96% lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM được tiêm 2 mũi vaccine. Tuy nhiên, số ca mắc Covid-19 gần đây vẫn gia tăng, doanh nghiệp đang cần rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng để không ảnh hưởng đến sản xuất…

Hơn 230.000 lao động của TP.HCM đã quay lại làm việc, chiếm 80% tổng số lao động tại đây trước khi có dịch. Cho đến nay, đã có 1.440/1.497 nhà máy tại 18 Khu công nghiệp - Khu chế xuất và Khu công nghệ cao khôi phục hoạt động. Song song với đó, hiện có trên 2.800 công nhân F0 đang điều trị tại nhiều nơi với tỉ lệ chiếm khoảng 0,8%. Tuy nhiên, các nhà máy, doanh nghiệp đang lúng túng khi tiếp nhận công nhân là F0.

THẾ KHÓ CỦA DOANH NGHIỆP

Từ ngày 1/10 đến nay, tại các khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao của TP.HCM có hơn 3.700 ca F0. Hiện mỗi ngày ở đây có khoảng 100 ca bệnh. Để chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh, xử lý nhanh F0, Khu Công nghệ cao thành phố đã thành lập trung tâm cách ly, điều trị Covid-19 tại nội khu. Trung tâm này tiếp nhận cách ly và điều trị những F0 nhẹ, không có triệu chứng. Kinh phí hoạt động do doanh nghiệp đóng góp với sự tham gia của y tế tư nhân.

Tuy nhiên, sau khoảng 2 tuần hoạt động, trung tâm đã sử dụng gần hết công suất. Nếu số ca nhiễm bệnh tiếp tục gia tăng thì trung tâm này không thể đáp ứng đủ nhu cầu. “Quy mô của khu cách ly tập trung của khu công nghệ cao là khoảng 200 giường, nếu vượt số ca bệnh này thì chúng tôi không nhận thêm được nữa và phải  nhờ hệ thống y tế của TP. Thủ Đức hỗ trợ,” ông Đặng Văn Chung nói.

Sau hơn 2 tháng chuẩn bị, cơ sở cách ly tập trung ở Khu chế xuất Linh Trung II (TP Thủ Đức) với vốn đầu tư ban đầu 3,7 tỷ đồng, diện tích 1.500 m2, quy mô 250 giường được lắp đầy đủ thiết bị ngày 12/10. Công ty hạ tầng kỳ vọng đây là nơi thu dung tầng một, điều trị ca Covid-19 là lao động ở khu. Tuy nhiên, sau hơn một tháng nơi này chưa thể hoạt động, trong khi ca nhiễm ở khu công nghiệp liên tục tăng. Nhiều công nhân là F0 phản ảnh khó liên lạc với cơ quan y tế địa phương.

Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP HCM (HBA) cho biết: "Mọi thứ đã sẵn sàng, chỉ thiếu bác sĩ có chuyên môn điều hành và thuốc điều trị. Hai yếu tố này nằm ngoài khả năng của doanh nghiệp, cần nhà nước hỗ trợ”. HBA, Ban quản lý các khu chế xuất – công nghiệp TP.HCM (Hepza) nhiều lần kiến nghị, song tới nay thành phố chưa ban hành quy chế hoạt động cho các khu cách ly tập trung theo mô hình này khiến các nhà đầu tư e ngại về trách nhiệm khi vận hành.

Các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp FDI đều sẵn sàng đầu tư xây dựng cơ bản ban đầu để thành lập khu cách ly tập trung.
Các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp FDI đều sẵn sàng đầu tư xây dựng cơ bản ban đầu để thành lập khu cách ly tập trung.

Theo ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban quản lý Các khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM, cái khó hiện nay là vấn đề cơ sở vật chất. “Có nhiều khu công nghiệp không đủ điều kiện cơ sở vật chất thành lập khu cách ly tập trung, mặt bằng nhỏ hẹp, doanh nghiệp cho thuê không còn chỗ trống…” ông Hưng băn khoăn.

Điển hình như việc UBND quận Bình Tân yêu cầu Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam ở Khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân tổ chức một trung tâm thu dung, cách ly tại chỗ với quy mô khoảng 200 - 300 giường. Nhưng điều này khó thực hiện vì công ty không có nhân lực y tế, cơ sở vật chất và mặt bằng không đảm bảo cho việc tổ chức khu cách ly, thu dung tại chỗ.

 
Doanh nghiệp luôn sẵn sàng các phương án vừa phòng chống dịch bệnh, vừa duy trì sản xuất ngay khi có F0. Điều này không chỉ cần doanh nghiệp tuân thủ tốt quy trình phòng, chống dịch mà cần có sự hỗ trợ của cơ quan y tế và chính quyền địa phương.

Gần 50.000 lao động của doanh nghiệp này đã được tiêm 2 mũi vaccine ngừa Covid-19. Bên cạnh thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K về phòng chống dịch bệnh của Bộ Y tế, doanh nghiệp luôn xét nghiệm định kỳ cho công nhân. Các phân xưởng sản xuất đều giãn cách, chia ca, tránh thời gian tiếp xúc nhiều... Tuy nhiên, số ca nhiễm bệnh tại công ty vẫn gia tăng, có ngày đến 25 ca F0, khiến doanh nghiệp gặp lúng túng khi xử lý.

Tương tự, tại công ty may M.P ở TP Thủ Đức, dù các phân xưởng đã được giãn cách, công nhân chia theo nhóm, làm việc theo ca và tuân thủ 5K nhưng F0 vẫn xuất hiện. Có những ngày hàng chục F0 trong công ty được phát hiện sau khi test nhanh dẫn đến dây chuyền sản xuất phải tạm ngưng để khử khuẩn. "Phải chấp nhận thay đổi chuỗi sản xuất để thích ứng nhưng tình hình phức tạp hơn chúng tôi nghĩ. Nếu không có biện pháp khắc phục, doanh nghiệp, người lao động có khả năng mất Tết," ông Đào Duy Huy, Giám đốc nhân sự công ty M.P cho hay.

CẦN SỰ PHỐI HỢP CỦA CƠ QUAN Y TẾ

Tại họp báo về tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM chiều 25/11, trả lời câu hỏi về việc các cơ sở cách ly tại các Khu công nghiệp, Khu chế xuất và Khu công nghệ cao vẫn chưa thể vận hành vì thiếu quy chế vận hành và phối hợp cơ quan y tế trong bối cảnh F0 tăng nhanh trở lại ở khu công nghiệp, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết liên quan đến doanh nghiệp phát hiện F0 trong cơ sở sản xuất, Sở đã có văn bản hướng dẫn xử lý F0 tại khu vực sản xuất, kinh doanh.

Theo đó, khu vực cách ly này mở ra để hỗ trợ F0 là công nhân đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, không đủ điều kiện cách ly tại nhà. Việc mở khu cách ly sẽ tùy thuộc nhu cầu của doanh nghiệp và liên quan đến quỹ đất. Nếu đảm bảo an toàn, đủ điều kiện thì sẽ hình thành.

Kế hoạch này tùy thuộc vào nhu cầu của cơ sở, do đó cần thiết họ sẽ báo với ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất sẽ dành ra quỹ đất hoặc nhà xưởng để làm khu cách ly. Trên cơ sở đó, UBND các địa phương cũng như ngành y tế sẽ thẩm định.

Về quy chế phối hợp giữa khu cách ly này với y tế địa phương, bà Mai cho biết đã được đưa vào hướng dẫn của Sở Y tế vào ngày 11/11. "Đây là khu cách ly y tế không phải bệnh viện thu dung điều trị. Do vậy về cơ sở điều trị phải có sự phối hợp giữa bệnh viện quận, huyện, trung tâm y tế, trạm y tế với các khu cách ly này," bà Mai nói.

HBA cũng kiến nghị TP.HCM sớm tiêm vaccine mũi 3 cho 320.000 công nhân nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất.
HBA cũng kiến nghị TP.HCM sớm tiêm vaccine mũi 3 cho 320.000 công nhân nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất.

Trước đó, Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM (HBA) và Ban quản lý các khu chế xuất – công nghiệp TP.HCM (Hepza) đã nhiều lần kiến nghị, song tới nay thành phố chưa ban hành quy chế hoạt động cho các khu cách ly tập trung theo mô hình này. HBA cho rằng, hiện các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp FDI đều sẵn sàng đầu tư xây dựng cơ bản ban đầu để thành lập khu cách ly tập trung, thậm chí còn có thể đầu tư trang thiết bị y tế ban đầu. Thế nhưng, Nhà nước cần phải đầu tư đội ngũ y bác sĩ điều hành và thuốc điều trị.

Mặt khác, Hiệp hội cho rằng không thể coi các Khu là nguyên nhân chính gây lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng. "Người công nhân chỉ là làm việc 8 giờ trong nhà máy, doanh nghiệp. Còn lại 16 giờ mỗi ngày họ sống trong cộng đồng nên cần được địa phương hỗ trợ giúp đỡ, quan tâm như mọi cư dân bình thường khác," lãnh đạo HBA kiến nghị.

Bên cạnh đó, HBA cũng kiến nghị TP.HCM sớm tiêm vaccine mũi 3 cho 320.000 công nhân nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao.