Bất bình đẳng thu nhập khiến Hollywood vào thế khó
Sau đại dịch, nền điện ảnh thế giới hứng chịu cuộc “khủng hoảng” nghiêm trọng. Chẳng những số lượng, ngay cả chất lượng các dự án phim cũng giảm sút đáng kể. Trong danh sách phim ăn khách nhất năm 2022 trên phòng vé toàn cầu, chỉ 2 tác phẩm có doanh thu vượt mức 1 tỷ USD...
Ngày 20/2 vừa qua, nguồn tin của Unilad cho biết nữ diễn viên Jennifer Lawrence không hài lòng khi phát hiện đồng nghiệp nam Leonardo DiCaprio nhận khoản cát-xê 30 triệu USD - nhiều hơn cô 5 triệu USD khi cùng đóng chính phim hài Don't Look Up của đạo diễn Adam McKay. Hai người vào vai hai nhà khoa học phát hiện một thiên thạch sắp đâm vào Trái Đất, có thể dẫn đến tận thế.
Lawrence cũng từng đề cập đến việc nhận mức lương thấp hơn Leo trong bài phỏng vấn trên tạp chí Vogue số tháng 10/2022: "Vấn đề là cố gắng bao nhiêu, tôi cũng không thể được trả lương nhiều như anh ấy. Vì tôi là phụ nữ hay sao?" Năm 2014, diễn viên cũng phàn nàn việc cô và minh tinh Amy Adams có cát-xê thấp hơn các nam chính Christian Bale và Bradley Cooper trong American Hustle. "Khi dữ liệu mạng của Sony bị hack và lộ ra việc tôi bị trả thấp hơn những đồng nghiệp là đàn ông, tôi không tức giận hãng phim. Tôi tức giận với chính mình", diễn viên viết trên trang cá nhân.
Theo Insider, nữ diễn viên Bryce Dallas Howard, ngôi sao của loạt phim Jurassic World mới đây cũng cho biết, số tiền cô được trả để tham gia bộ phim "thấp hơn rất nhiều" so với bạn diễn nam là Chris Pratt. Chris Pratt và Dallas Howard là đồng diễn viên chính trong cả ba bộ phim trong loạt phim Jurassic World. Vào năm 2018, Variety đưa tin rằng, Howard được trả ít hơn Pratt 2 triệu USD cho bộ phim thứ hai, cô chỉ kiếm được 8 triệu USD trong khi Pratt bỏ túi 10 triệu USD.
Dallas Howard cho biết, khoảng chênh lệch về thù lao giữa cô và Chris Pratt trên thực tế là lớn hơn. "Các thông tin đó khá nực cười, thực tế tôi được trả ít hơn nhiều so với những gì họ nói. Khi tôi bắt đầu đàm phán hợp đồng cho Jurrasic vào năm 2014, tôi gặp nhiều bất lợi về thù lao”. Dallas Howard nói thêm rằng, cô đã thảo luận về sự chênh lệch thù lao với Chris Pratt. Nam diễn viên sau đó đã thúc đẩy các nhà sản xuất để cô nhận được mức thu nhập ngang nhau, trong các sản phẩm liên quan tới loạt phim khác chưa có ràng buộc về mặt hợp đồng, chẳng hạn như các trò chơi điện tử hoặc công viên giải trí.
Trong những năm gần đây, vấn đề chênh lệch tiền cát-xê giữa nam và nữ ở Hollywood đã trở thành một vấn đề công khai. Vào năm 2019, ngôi sao của bộ phim Grey's Anatomy, Ellen Pompeo cho biết, cô đã "đứng hình trong cảm giác vô dụng" sau khi được tiết lộ rằng, diễn viên phim All the Money in the World Mark Wahlberg đã kiếm được 1,5 triệu USD cho các lần xuất hiện trong bộ phim, trong khi cô chỉ kiếm được 1.000 USD.
Tình trạng thu nhập không tương xứng không chỉ xảy ra với các diễn viên, mà còn khá bất công với đội ngũ biên kịch. Những năm qua, việc phát hành phim trên các nền tảng có trả phí vô cùng thịnh, đặc biệt trong thời điểm dịch Covid-19 bùng nổ toàn cầu. Có nhiều bộ phim tạo nên hiện tượng, thu hút hàng chục triệu lượt xem trong thời gian ngắn. “Nhưng số tiền thù lao chúng tôi được trả khi từng tập phim ra mắt chẳng có gì thay đổi suốt bao nhiêu năm qua,” Timothy Dowling - đồng biên kịch của Don’t look up và Just go with it - nói. Mặc dù Netflix thông tin rằng họ sẽ trả thêm tiền cho phim có số lượt xem cao, số tiền đó không hề đến tay biên kịch.
Cách đây 15 năm, giai đoạn 2007 - 2008, đội ngũ biên kịch tại Hollywood cũng đã từng ngừng làm việc để phản ứng về tiền thù lao quá ít ỏi. Năm đó, Damon Lindelof - biên kịch của Lost - cho biết khi kịch bản phim do anh viết phủ sóng trên Apple Store, anh hy vọng sẽ nhận được số tiền tương ứng với những sáng tạo của mình. Tuy nhiên, mức thù lao anh nhận về không có gì đột biến dù phim thu hút rất nhiều quảng cáo. Từ chuyện cá nhân, Damon Lindelof nhận thấy nhiều biên kịch khác cũng gặp thiệt thòi tương tự. 12.000 biên kịch, trong đó có Damon Lindelof, quyết định đình công gần 100 ngày, gây ra thiệt hại hàng triệu USD cho ngành phim ảnh tại Hollywood.
Một cuộc đình công của các biên kịch vào lúc này, nếu có, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường phim ảnh vốn chỉ đang trên đà phục hồi sau đại dịch. Tom Nunan, cựu Giám đốc điều hành của NBC và United Paramount Network (nay là The CW) cho biết nếu cuộc đình công “nổ ra”, hậu quả sẽ rất lớn. Theo ông, thị trường điện ảnh chưa phục hồi hoàn toàn, nhiều công ty đang lâm vào cảnh khốn cùng dẫn đến nguy cơ sa thải hàng loạt.
Điều các đơn vị sản xuất cần bây giờ là sở hữu những kịch bản phim có thể tạo ra cơn sốt doanh thu. Nếu các biên kịch đồng loạt nghỉ, tình hình sẽ rất khó khăn.
Hiện tại, nhiều chương trình truyền hình, phim ảnh đang thực hiện theo hình thức “gối đầu”. Tập sau chỉ được viết kịch bản khi tập trước vừa kết thúc để đảm bảo ê kíp có thể lắng nghe thị trường, khán giả và tiến hành chỉnh sửa. Do đó, hàng loạt chương trình sẽ không thể tiếp tục khi biên kịch đình công. Trang Variety cho rằng những cuộc thỏa thuận quyền lợi cho hàng chục ngàn biên kịch đã được lên kế hoạch, phần còn lại là chờ các đơn vị đang sử dụng lao động tham gia, trước khi đội ngũ biên kịch tiến hành những bước quyết liệt tiếp theo.
Trên thực tế, ngành công nghiệp điện ảnh từng thống trị toàn cầu của Mỹ đang đối mặt với thời kỳ khó khăn. Financial Times đưa tin, hồi cuối năm ngoái (12/2022), chỉ số chuyên theo dõi hoạt động của 30 công ty truyền thông hàng đầu thế giới Dow Jones Media Titans đã cho thấy mức lỗ 40% vào năm 2022, với tổng giá trị thị trường của các công ty này giảm từ 1.35 ngàn tỷ USD xuống còn 808 tỷ USD. Khoản lỗ năm ngoái trong ngành giải trí đã vượt qua các khoản lỗ trong các lĩnh vực khác, chẳng hạn như ngân hàng, vốn đã giảm 14.5% và viễn thông, vốn đã chứng kiến sự sụt giảm 11.2% trong doanh thu.
Các hãng phim lớn, các dịch vụ phát trực tuyến, nhà cung cấp truyền hình cáp, đài truyền hình, và các tập đoàn truyền thông khác đã mất tổng cộng 542 tỷ USD giá trị thị trường vào năm ngoái. Các công ty giải trí lâu năm cũng đã phải đối mặt với những tổn thất nặng nề nhất vào năm 2022. Thời kỳ này, Paramount Global chứng kiến giá trị cổ phiếu của mình giảm 42%, trong khi Warner Brothers Discovery chứng kiến cổ phiếu của mình giảm 62%.
Trong khi đó, bộ phim Top Gun: Maverick lại thành công khi thu về 718 triệu USD chỉ riêng tại phòng vé ở Hoa Kỳ, và thu 1,48 tỷ USD trên toàn cầu, trở thành bộ phim phát hành thành công nhất trong năm ngoái. Đến nỗi, tại bữa tiệc gặp mặt các ứng viên nhận đề cử Oscar năm nay, do Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ tổ chức hôm 15/2, đạo diễn Spielberg đã nói với Tom Cruise: "Nghiêm túc mà nói, Top Gun: Maverick gần như đã vực dậy toàn bộ ngành chiếu bóng".
Có vẻ như Hollywood đang trong thời kỳ loay hoay để tìm lối ra cho ngành công nghiệp điện ảnh. Trong tình cảnh đó, những bộ phim đã trở thành sự đánh cược an toàn cho các hãng phim và rạp chiếu phim đang tìm cách kiếm càng nhiều tiền càng tốt để phục hồi sau mối đe dọa hiện hữu mà đại dịch Covid-19 gây ra cho thế giới. Và nếu các hãng phim không giải quyết được các vấn đề bất bình đẳng đang tồn tại, rất có thể thiệt hại cho ngành phim ảnh sẽ khó mà cứu vãn.