09:02 14/03/2011

Bất động sản Hà Nội và những động thái trái chiều

Từ Nguyên

Những động thái trái chiều trên thị trường địa ốc Hà Nội hiện nay cho thấy giới đầu tư dường như vẫn đang bị tác động lớn bởi tin đồn

Xu hướng thị trường bất động sản trong năm nay vẫn là một ẩn số.
Xu hướng thị trường bất động sản trong năm nay vẫn là một ẩn số.
Những động thái trái chiều trên thị trường địa ốc Hà Nội hiện nay cho thấy giới đầu tư dường như vẫn đang bị tác động lớn bởi tin đồn.

Ngược chiều quan điểm

Theo thông lệ, sau mỗi dịp Tết Nguyên đán, thị trường bất động sản sẽ khá sôi động vì có sự cộng hưởng của nhiều yếu tố tích cực. Từ việc mở đầu một năm làm ăn mới, mang tiền tiết kiệm,  kiều hối... đi mua nhà cho đến việc điều chỉnh kế hoạch, chiến lược của nhiều nhà đầu tư sẽ khiến cho tính thanh khoản trên thị trường tăng đáng kể.

Thế nhưng, với năm 2011 này, đặc biệt sau khi Chính phủ có chủ trương thắt chặt tín dụng, cắt giảm đầu tư nhằm kiềm chế lạm phát, những phán đoán và động thái trên thị trường địa ốc dường như đang rối như tơ vò, ngay cả đối với những nhà đầu tư có kinh nghiệm.

Tại một số sàn giao dịch bất động sản cuối tuần qua, có khá nhiều người đến để tìm khách rao bán căn hộ của họ đã đăng ký mua trước đó. Tìm hiểu nguyên do, đa phần trong số này cho biết, họ đang gặp khó vì không đủ tiền để tiếp tục đóng theo tiến độ, hơn nữa một số chủ đầu tư đang có sự điều chỉnh tăng giá bán sau khi tỷ giá tăng hồi tháng 2 vừa qua đã khiến lợi nhuận dự kiến của họ bị co lại.

Theo một số người cần bán căn hộ, yếu tố quyết định khiến họ phải tìm cách “đẩy” căn hộ của mình đi vì những dự báo về viễn cảnh trầm lắng của thị trường trong năm nay liên tiếp được các chuyên gia, nhà quản lý đưa ra trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Điều đó cũng có nghĩa, nếu càng ra sức vay mượn để cố theo đuổi đầu tư vào một căn hộ hay một lô đất nào đó thì nhà đầu tư nhiều khả năng sẽ càng thua lỗ bởi giá có thể không tăng, thậm chí giảm nếu thị trường không may rơi vào cảnh tiếp tục đóng băng.

Thế nhưng, trong khi nhiều người tìm cách "đẩy" nhà đất vì lo sợ một kịch bản xấu có vẻ tăng lên, thì cũng không ít người lại xem bất động sản là một kênh đầu tư hấp dẫn, an toàn và cơ hội khá lớn nếu mạnh dạn rót vốn vào trong thời điểm hiện nay. Lý giải của số này cho rằng, khi mà lạm phát đang tiềm ẩn tăng cao, đồng tiền ngày một mất giá thì không lựa chọn nào hơn là “gửi tiền vào đất”.

Cũng chính nhờ những quan điểm và cách nhìn nhận trái chiều về triển vọng của thị trường như thế nên tỷ lệ giao dịch thành công từ cuối tháng 2 trở lại đây tăng đột biến.

Phó giám đốc Sàn Giao dịch bất động sản Gia Nam, ông Trần Quốc Tuấn cho biết, từ sau Tết đến nay, trung bình mỗi ngày có không dưới 20 khách hàng tìm mua căn hộ chung cư, nhà đất với mục đích để đầu tư. Trong đó có ngày cao điểm có tới 3 - 4 giao dịch thành công tại sàn.

Ai là người sáng suốt?

Trong cuộc trao đổi với VnEconomy mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam có nói, với phần lớn những ai “dính” đến bất động sản thì đều là “đại gia” hết. Mà đã là “đại gia” thì họ sẽ rất nhiều tiền và thường nắm bắt trước xu thế của thị trường. Do đó, khi những đối tượng này đang tăng gom hay tăng bán thì dường như thị trường cũng sẽ đi theo chiều hướng đó và ngược lại.

Thế nhưng, cũng theo Thứ trưởng Nam, dù thị trường bất động sản năm nay có thể sẽ chịu ảnh hưởng của việc thắt chặt tín dụng, nhưng việc thắt chặt ở đây chỉ là ngắn hạn. Hơn nữa, thắt chặt cũng chỉ là giảm dòng tiền từ ngân hàng, còn dòng tiền trong dân có bằng luồng giảm đi của ngân hàng hay không thì cũng không ai nắm được. Điều đó lý giải vì sao, trong thời gian qua, số người tăng gom bất động sản cũng nhiều không kém số người muốn đẩy hàng đi.

Theo một số chuyên gia trong nghề, bất động sản lâu nay vẫn là kênh đầu tư luôn sinh lời nếu như nhà đầu tư có thế mạnh tài chính. Trong trường hợp, dòng tiền từ ngân hàng bị siết lại thì đồng vốn của giới đầu tư lại thực sự phát huy hiệu quả bằng việc họ sẽ mua được những dự án, những căn hộ bán chạy, bán tháo với giá khá mềm để rồi thu lãi khi thị trường ấm lên.

“Năm 2009 là năm khó khăn của nền kinh tế, nhưng sàn chúng tôi lại hoạt động tốt hơn năm 2010 vừa qua. Khi đó nhiều người mang cả hàng chục tỷ đồng đi mua nhà và cho rằng, họ cần phải tranh thủ trước khi ngân hàng ngừng hoặc tiếp tục bơm vốn cho địa ốc. Điều đó chứng tỏ tiền trong dân dùng để mua bất động sản là khá lớn”, ông Trần Mạnh Thắng, Trưởng phòng Môi giới bất động sản - Công ty Xây dựng Vạn Xuân cho biết.

Cũng theo ông Thắng, việc nhà đầu tư tăng gom hàng hay đẩy hàng đi vào lúc này cũng khó có thể đưa ra kết luận hay nhận định về xu hướng thị trường cho cả năm. Bởi đơn giản, cách nhìn nhận về thị trường của mỗi nhà đầu tư sẽ không thể giống nhau, hơn nữa nó còn phụ thuộc vào yếu tố quan trọng nhất là tiềm lực cũng như tình trạng tài chính hiện tại của mỗi nhà đầu tư trên thị trường.

Tuy nhiên, theo vị này, chỉ trừ trường hợp bất khả kháng, nghĩa là không còn đủ vốn để theo, còn nếu khả năng tài chính vẫn còn, nếu tháo chạy khỏi thị trường vì lo sợ thị trường sẽ đóng băng là suy nghĩ thiển cận.

“Thị trường trong 2 - 3 năm vừa qua đều có lúc đóng băng, có lúc trầm lắng, lúc sôi động... nhưng nhìn lại thì thấy giá vẫn cứ tăng đều đều, không có bất kỳ một dự án bất động sản nào thông báo hạ giá bán chỉ vì vì ế ẩm cả”, ông Thắng nói.

Đồng quan điểm trên, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cũng khẳng định, thị trường bất động sản về trung và dài hạn là rất tiềm năng, khả năng sinh lời rất cao. Việc sốt nóng hay trầm lắng của thị trường tại một thời điểm cụ thể nào đấy suy cho cùng vẫn chủ yếu là do... dư luận. Do vậy, theo ông Nam, một khi biến động trên thị trường được “đẻ” ra từ dư luận thì cũng sẽ được chữa bằng chính dư luận, còn tác động của chính sách hay cơ quan quản lý chỉ là hữu hạn.