08:11 29/10/2024

Bến Tre đấu giá thành công mỏ cát sông phục vụ dự án đường Vành đai 3 TP.HCM

Thiên Ân

Ba mỏ cát trên sông Tiền và sông Hàm Luông thuộc địa bàn tỉnh Bến Tre vừa được địa phương này tổ chức đấu thầu khai thác thành công nhằm phục vụ dự án đường Vành đai 3 TP.HCM với mức giá “chốt” đạt 487 tỷ đồng so với mức khởi điểm 24,3 tỷ đồng...

Khai thác cát trên sông Hàm Luông (Bến Tre). Ảnh: Đông Hòa.
Khai thác cát trên sông Hàm Luông (Bến Tre). Ảnh: Đông Hòa.

Ông Bùi Minh Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bến Tre đã thông báo kết quả phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản 3 mỏ cát trên địa bàn tỉnh Bến Tre vào ngày 24/10 vừa qua.

Ba mỏ cát được đưa ra đấu giá gồm: mỏ Quới Sơn trên sông Tiền (xã Quới Sơn, huyện Châu Thành) có trữ lượng phê duyệt hơn 1 triệu m3, giá khởi điểm là hơn 6,4 tỷ đồng; mỏ An Hiệp - An Ngãi Tây trên sông Hàm Luông (2 xã An Hiệp và An Ngãi Tây, huyện Ba Tri) có trữ lượng phê duyệt hơn 1,4 triệu m3, giá khởi điểm hơn 8,3 tỷ đồng; và mỏ An Đức - An Hòa Tây trên sông Hàm Luông (2 xã An Đức và An Hòa Tây, huyện Ba Tri) có trữ lượng được phê duyệt hơn 1,6 triệu m3, giá khởi điểm hơn 9,6 tỷ đồng.

Mỏ Quới Sơn có 3 tổ chức tham gia đấu giá. Sau 55 vòng trả giá, người trả giá cao nhất là ông Nguyễn Phi Long thuộc đại diện cho Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Huy (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) với số tiền hơn 163 tỷ đồng.

Mỏ An Đức – An Hòa Tây có 3 tổ chức tham gia đấu giá. Sau 17 vòng trả giá, người trả giá cao nhất là ông Đỗ Đức Bình đại diện cho Công ty cổ phần Hải Đăng (Thủ Đức, TP.HCM) với số tiền hơn 169 tỷ đồng.

Mỏ An Hiệp – An Ngãi Tây có 2 tổ chức tham gia đấu giá. Sau 17 vòng trả giá, người trả giá cao nhất là ông Đỗ Đức Bình, Công ty cổ phần Hải Đăng (Thủ Đức, TP.HCM) với số tiền hơn 155 tỷ đồng.

Như vậy, cả 3 mỏ cát này đều đạt mức giá “chốt” cao rất nhiều lần so với mức giá khởi điểm với tổng giá “chốt” của cả 3 mỏ đạt 487 tỷ đồng, so với mức giá khởi điểm 24,3 tỷ đồng; trong đó, mỏ Quới Sơn đạt mức giá “chốt” gấp 25 lần với 163 tỷ đồng so với giá khởi điểm 6,4 tỷ đồng.

Sở Tài nguyên và Môi trường Bến Tre cũng cho biết tổng trữ lượng cát tại các mỏ nói trên là khoảng 4 triệu m3; trong đó 2 triệu m3 phục vụ cho dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, còn lại dành cho các công trình trọng điểm của tỉnh Bến Tre. Sau khi có thông báo tổ chức đấu giá việc khai thác cát, tỉnh đã nhận được 30 đơn vị, tổ chức và cá nhân nộp hồ sơ tham gia buổi đấu giá vừa qua.

Trước đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, sau khi hoàn tất các hồ sơ thủ tục, ngày 24/10/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường Bến Tre đã phối hợp với đơn vị tổ chức đấu giá là Công ty đấu giá Hợp danh Miền Tây (đơn vị được lựa chọn tổ chức đấu giá) đã tổ chức đấu giá đối với 3 mỏ cát Quới Sơm, An Đức – An Hòa Tây và An Hiệp – An Ngãi Tây. Theo cam kết với Chính phủ, tỉnh Bến Tre sẽ cung ứng 7,37 triệu m3 cát cho các dự án giao thông trọng điểm tại các tỉnh phía Nam, gồm: Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau 2 triệu m3; dự án thành phần 3 thuộc dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng 3,37 triệu m3; và dự án đường Vành đai 3 TP.HCM 2 triệu m3.

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài 76,34 km, đi qua 4 địa phương gồm: TP.HCM dài 47,51 km; Đồng Nai dài 11,26 km; Bình Dương dài 10,76 km và Long An 6,81 km. Theo tính toán của Bộ Giao thông vận tải, dự án đường Vành đai 3 TP.HCM cần khoảng 1,9 triệu m3 đất đắp; hơn 9 triệu m3 cát đắp nền đường; khoảng 0,9 triệu m3 cát xây dựng cần; khoảng 4,3 triệu m3 đá xây dựng các loại. Dự án đã được khởi công vào ngày 18/6/2023 và dự kiến sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác vào năm 2026.