18:22 18/08/2024

Bến Tre phát triển ngành dừa bền vững

Anh Khuê

Hội thảo khoa học ngành dừa với chủ đề “Bến Tre phát triển xanh và bền vững hướng tới Net Zero” trong khuôn khổ hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bến Tre 2024, diễn ra ngày 16/8/2024 đã khẳng định tầm quan trọng của cây dừa và ngành dừa tại địa phương với doanh số thu về gần 500 triệu USD mỗi năm...

Tỉnh Bến Tre có tiềm năng lưu trữ từ 1,9 - 5,8 triệu tấn khí CO2 từ diện tích trồng dừa.
Tỉnh Bến Tre có tiềm năng lưu trữ từ 1,9 - 5,8 triệu tấn khí CO2 từ diện tích trồng dừa.

Thống kê mới nhất, tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Bến Tre có hơn 79.000 ha dừa, đã xuất khẩu sáng 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, thu về hằng năm gần 500 triệu USD.

DỪA, CÂY TRUYỀN THỐNG THÂN THIỆN MÔI TRƯỜNG

Nói đến địa danh Bến Tre là nói đến cây dừa và các sản phẩm dừa, mặc dù địa phương này còn nhiều đặc sản khác và cũng được mệnh danh là “vương quốc hoa kiểng”, “vương quốc cây giống”…

Nhưng đối với dừa, với diện tích dừa lớn như vậy (chiếm 47% tổng diện tích dừa cả nước và hơn 60% diện tích dừa ở vùng đồng bằng sông Cửu Long), thì theo một số nhà nghiên cứu về môi trường, Bến Tre có tiềm năng lưu trữ từ 1,9 – 5,8 triệu tấn khí carbonic (CO2).

Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre, cho biết ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre đã và đang tập trung tiếp tục phát triển nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, phát thải carbon thấp, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Bến Tre hiện có hơn 200 sản phẩm được sản xuất, chế biến từ dừa phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu như: Cơm dừa nạo sấy, sữa dừa, nước dừa đóng hộp, kẹo dừa, thạch dừa, than hoạt tính, chỉ xơ dừa, dầu dừa,… 

Người đứng đầu chính quyền tỉnh Bến Tre cũng nhấn mạnh rằng lãnh đạo tỉnh đã xác định cây dừa là cây công nghiệp chủ lực, luôn quan tâm và tạo mọi điều kiện về xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và tăng cường đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và chế biến dừa gắn với nhu cầu tiêu thụ trong nước và quốc tế. Theo ông Tam, nhờ tích cực đầu tư đổi mới công nghệ nên chất lượng các sản phẩm chế biến từ dừa của tỉnh không ngừng được nâng lên. Ngoài ra, “các doanh nghiệp cũng mạnh dạn đầu tư dây chuyền công nghệ tiên tiến sản xuất các dòng sản phẩm tinh dầu dừa phục vụ phân khúc thị trường cao cấp”, ông nói.

Khẳng định vai trò, vị trí trong nền kinh tế nông nghiệp và khả năng thích ứng với biến đổi khi hậu, tiềm năng lưu giữ carbon của cây dừa, PGS. Trần Trung Tính, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, dẫn nhận định của nhà khoa học thế giới, theo đó dừa là một trong mười loài cây thích ứng biến đổi khí hậu tốt nhất, và là một trong năm loài cây thích nghi được tình trạng sa mạc hóa, đã cho rằng cây dừa với sinh khối lớn và tuổi thọ lâu năm, có khả năng hấp thụ một lượng lớn CO2 từ khí quyển trong suốt vòng đời của nó.

Bến Tre cũng tập trung nghiên cứu xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao, mang nét độc đáo riêng của du lịch sinh thái sông nước xứ dừa.
Bến Tre cũng tập trung nghiên cứu xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao, mang nét độc đáo riêng của du lịch sinh thái sông nước xứ dừa.

Vẫn theo PGS. Trần Trung Tính, các sản phẩm từ dừa, đặc biệt là các sản phẩm có khả năng thay thế các vật liệu từ nhiên liệu hóa thạch như nhựa, cũng đóng góp vào việc giảm thiểu phát thải carbon. Chẳng hạn như các sản phẩm từ xơ dừa và gáo dừa có thế được sử dụng làm vật liệu xây dựng, sản phẩm cách nhiệt, thậm chí là các sản phẩm sinh học có thể phân hủy, thay thế các vật liệu không thân thiện môi trường…

TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN CHUỖI GIÁ TRỊ NGÀNH DỪA

Ngày 26/01/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 431/QĐ-BNN-BNNPTNT phê duyệt đề án “Phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030” Trong đó dừa là một trong sáu loại cây công nghiệp chủ lực quốc gia (gồm cà phê, cao su, chè, điều, hồ tiêu, dừa), được trồng phổ biến ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long vốn chiếm 88% tổng diện tích trồng dừa của cả nước, tập trung chủ yếu ở bốn tỉnh, gồm Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long (chiếm 80% tổng diện tích trồng dừa của vùng).

Từ 2018, lãnh đạo bốn tỉnh này đã thành lập ban điều hành liên kết bốn tỉnh thực hiện các hoạt động liên kết tiểu vùng giữa bốn tỉnh, lấy ngành hàng dừa làm không gian liên kết, vì dừa là sản phẩm nông nghiệp chủ lực và tiềm năng của cả bốn tỉnh.

Số liệu thống kê vào năm 2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết trong giai đoạn 2011 - 2021, tổng diện tích dừa của Việt Nam tăng trưởng bình quân 2,7%/năm, và tính đến 2022 thì tổng diện tích dừa đạt khoảng 194.000 ha, tập trung ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long mà chủ yếu ở đồng bằng sông Cửu Long.

Hiện nay toàn tỉnh Bến Tre hiện có hơn 79.000 ngàn ha trồng dừa; trong đó, dừa công nghiệp chiếm khoảng 75%, còn lại là dừa uống nước.
Hiện nay toàn tỉnh Bến Tre hiện có hơn 79.000 ngàn ha trồng dừa; trong đó, dừa công nghiệp chiếm khoảng 75%, còn lại là dừa uống nước.

Vị thế cây dừa của Việt Nam, mặc dù diện tích chỉ chiếm 1,67% diện tích trồng dừa trên thế giới, 2,07% diện tích dừa ở Châu Á, và chỉ chiếm 0,43% và 0,71% về giá trị sản xuất (đạt gần 7.300 tỷ đồng) so với ngành nông nghiệp và ngành trồng trọt, nhưng so với thị trường thế giới, tính đến thời điểm đầu năm 2022, ngành dừa Việt Nam đứng hàng thứ 5 về diện tích, năng suất đứng hàng thứ 3, sản lượng đứng hàng thứ 5 và kim ngạch xuất khẩu đứng hàng thứ 4. Ngoài ra, trong số 6 cây công nghiệp lâu năm chủ lực của Việt Nam, theo tính toán của Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp năm 2023, lợi nhuận đạt được/ha trồng dừa cao nhất so với 5 loại cây công nghiệp lâu năm còn lại (210 triệu đồng/ha/năm đối với dừa tươi và 36 triệu đồng đối với dừa chế biến). Những con số này cho thấy, cây dừa ở đồng bằng sông Cửu Long có được những lợi thế về mặt quy mô và hiệu quả tài chính so với những loại cây công nghiệp chủ lực khác trong nước.

Một số liệu khác của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bến Tre cũng cho biết hiện nay toàn tỉnh hiện có hơn 79.000 ngàn ha trồng dừa; trong đó, dừa công nghiệp chiếm khoảng 75%, còn lại là dừa uống nước. Giá trị sản xuất ngành chế biến dừa năm 2023 ước đạt 3.750 tỷ đồng, tăng 2,74% so cùng kỳ và chiếm 9,57% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 420 triệu USD, tăng 1,63% và chiếm 27,45% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.

Vẫn theo hiệp hội này, mặc dù có nhiều đóng góp lớn đối với kinh tế của tỉnh, ngành dừa vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định. Đó là sự liên kết lỏng lẻo trong quan hệ thương mại giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị, công nghệ chế biến chưa cao, năng lực chế biến chưa được phát huy tối đa, các sản phẩm chế biến còn thiên về sản phẩm thô, thiếu cân đối nguồn nguyên liệu cho chế biến nội tỉnh và năng lực vốn để nâng cấp công nghệ còn kém là những hạn chế quan trọng nhất.

Bến Tre đặt mục tiêu xây dựng vùng sản xuất tập trung dừa gắn với phát triển chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất tuần hoàn và chế biến sâu các sản phẩm dừa.
Bến Tre đặt mục tiêu xây dựng vùng sản xuất tập trung dừa gắn với phát triển chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất tuần hoàn và chế biến sâu các sản phẩm dừa.

Tỉnh Bến Tre đặt mục tiêu trong giai đoạn 2024 - 2025 sẽ phát triển ổn định 79.000 ha dừa. Xây dựng vùng sản xuất tập trung dừa, gắn với phát triển chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất tuần hoàn và chế biến sâu các sản phẩm dừa.

Cụ thể, phát triển 1.500 ha dừa hữu cơ nâng tổng diện tích dừa hữu cơ toàn tỉnh lên 20.000 ha; diện tích dừa được cấp mã số vùng trồng khoảng 2.000 ha; cải tạo 1% vườn dừa kém hiệu quả, vườn dừa lão để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm dừa.

Kế hoạch cũng nâng giá trị ngành sản xuất chế biến dừa tăng bình quân từ 17,2%/năm; kim ngạch xuất khẩu dừa tăng bình quân 23,58%/năm, hướng đạt khoảng 1 tỷ USD; đồng thời nghiên cứu xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao, mang nét độc đáo riêng của du lịch sinh thái sông nước xứ dừa.

Giai đoạn 2026 - 2030, tỉnh sẽ duy trì và phát triển ổn định 80.000 ha dừa. Gồm phát triển 5.000 ha dừa hữu cơ nâng tổng diện tích dừa hữu cơ lên 25.000 ha; diện tích dừa được cấp mã số vùng trồng khoảng 6.000 ha; cải tạo 5% vườn dừa kém hiệu quả, vườn dừa lão. Mục tiêu giá trị sản xuất ngành sản xuất chế biến dừa tăng bình quân từ 15,74%/năm; kim ngạch xuất khẩu dừa tăng bình quân 14,87%/năm, đạt khoảng 2 tỷ USD.

Rất nhiều nội dung khác cũng đã được các nhà khoa học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước đề cập đến tại hội thảo. Cụ thể như: Xác định khả năng hấp thụ CO2 từ dừa; ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn tạo và nhân giống dừa hướng đến sự phát triển bền vững cây dừa cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; tiềm năng và giải pháp phát triển bền vững chuỗi giá trị ngành hàng dừa ở đồng bằng sông Cửu Long; thị trường tín chỉ carbon: kinh nghiệm quốc tế và khung chính sách của Việt Nam; phát triển liên kết vùng nguyên liệu, mở rộng diện tích trồng dừa chuyên canh, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu; định hướng ngành dừa tham gia chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia hướng tới mục tiêu Net Zero…