Bị phạt vì chưa nộp báo cáo kiểm toán 2022, AGM giải trình cổ phiếu tăng trần 5 phiên liên tiếp
Theo dữ liệu trên HOSE, từ ngày 20/7 đến ngày 4/8, cổ phiếu AGM tăng 98,5% từ 5.970 đồng lên 11.850 đồng/cổ phiếu và kết phiên ngày 7/8, giá cổ phiếu này tăng thêm 800 đồng lên 12.650 đồng/cổ phiếu.
Công ty Cổ phần Xuất Nhập Khẩu An Giang (mã AGM-HOSE) giải trình về việc cổ phiếu tăng trần liên tục từ ngày 24/7 đến ngày 28/7.
Theo đó, AGM cho biết hiện nay, thị trường Lúa Gạo Việt Nam đang biến động tăng giá do Elnino và lệnh cấm xuất khấu Gạo trắng của Ấn Độ đã làm gia tăng kỳ vọng của Nhà đầu tư.
Giá cổ phiếu AGM tăng trần 5 phiên liên tiếp là do cung cầu trên thị trường chứng khoán, các quyết định giao dịch của Nhà đầu tư đối với cổ phiếu AGM nằm ngoài tầm kiểm soát của Công ty, Angimex không có sự tác động nào đến giá giao dịch của cổ phiếu AGM trên thị trường chứng khoán.
Theo dữ liệu trên HOSE, từ ngày 20/7 đến ngày 4/8, cổ phiếu AGM tăng 98,5% từ 5.970 đồng lên 11.850 đồng/cổ phiếu và kết phiên ngày 7/8, giá cổ phiếu này tăng thêm 800 đồng lên 12.650 đồng/cổ phiếu.
Trước đó, đầu tháng 7, AGM đã nhận được quyết định xử phạt từ Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước với tổng số tiền là 267,5 triệu đồng. Nguyên nhân là do công ty không công bố thông tin trên hệ thông công bố ổ thông tin của UBCKNN và trang thông tin điện tử của HOSE các tài liệu: Báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán, Báo cáo thường niên năm 2022;
Ngoài ra, công ty không đưa nội dung thù lao của từng thành viên Hội đồng quản trị, tiền lương của Tổng Giám đốc và người quản lý khác thành mục riêng trong Báo cáo tài chính năm 2021;
Cuối cùng là báo cáo có nội dung sai lệch (Sai lệch số liệu lợi nhuận sau thuế giữa Báo cáo tài chính quý 2/2022 và Báo cáo tài chính bán niên năm 2022 đã được soát xét).
Liên quan đến vấn đề này, AGM cho biết công ty đang trong lộ trình khắc phục tình trạng cổ phiếu AGM bị đưa vào diện hạn chế giao dịch kể từ ngày 23/5/2023 do Công ty chậm nộp Báo cáo tài chính năm 2022 (riêng lẻ và hợp nhất) đã được kiểm toán quá 45 ngày so với thời hạn quy định.
AGM cho biết do việc chưa công bố thông tin được Báo cáo tài chính này, Angimex đã chịu sự xử phạt vi phạm hành chính theo Quyết định của UBCKNN.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện việc khắc phục phát hành Báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán để công bố thông tin, đến nay Angimex chưa hoàn tất thực hiện các công việc cụ thể như sau:
Một là, công ty vẫn đang khó khăn trong việc cân đối nguồn để chi trả gốc và lãi Trái phiếu, nên công ty đang chủ động đàm phán với nhà đầu tư để gia hạn thời gian trả gốc, lãi của từng gói trái phiếu, trong đó gói Trái phiếu mã AGHM2223001 (giá trị đang lưu hành là 210,010 tỷ) đã được sự đồng thuận của trái chủ cho gia hạn trả gốc đến tháng 9/2014.
Đối với gói Trái phiếu mã AGHM2123001 (giá trị đang lưu hành là 350 tỷ) vẫn đang trong quá trình đàm phán nên công ty chưa cung cấp đủ thông tin về Gói Trái phiếu mã AGHM2123001 này cho Công ty kiểm toán.
Hai là, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 thông qua việc thay đổi đơn vị kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2022 vào ngày 29/6/2023, nên trong thời gian này, Công ty kiểm toán đang thực hiện kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2022 của Công ty.
Về hoạt động kinh doanh, quý 2, công ty báo lỗ 33,6 tỷ, tăng gấp đôi so với cùng kỳ, luỹ kế 6 tháng là lỗ gần 57 tỷ và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ lỗ 53,72 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 6,22 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/6/2023, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lỗ 44,02 tỷ đồng - trong khi đầu năm báo lãi luỹ kế 22,9 tỷ đồng.
Cũng tính tới 30/6/2023, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của AGM lên tới 1.150,89 tỷ đồng - trong khi vốn chủ sở hữu là 315,78 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý tổng dư nợ trái phiếu dài hạn lên tới 559,45 tỷ đồng.