07:13 04/04/2013

Biến động lớn trước thềm đấu thầu vàng miếng

Minh Đức

Không bất ngờ nếu ai đó trong cuộc vừa có một đêm khó ngủ trước phiên đấu thầu hôm nay

Giá vàng quốc tế sẽ là một trọng số trong việc xác định giá chào bán của Ngân hàng Nhà nước, nó đã cộng dồn “hai đêm” lao dốc.
Giá vàng quốc tế sẽ là một trọng số trong việc xác định giá chào bán của Ngân hàng Nhà nước, nó đã cộng dồn “hai đêm” lao dốc.
Sáng nay (4/4), Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tổ chức phiên đấu thầu vàng miếng lần thứ hai. Một biến số quan trọng cấu thành giá chào bán, dùng để soi chiếu cho kết quả kế hoạch bình ổn vừa có những chuyển động chóng mặt.

Giá vàng quốc tế tiếp tục có thêm một đêm (theo giờ Việt Nam) đổ dốc. Nếu so với giá trong nước đóng cửa hôm qua (3/4), chênh lệch tiếp tục được nới rộng lên khoảng 4,3 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế và các chi phí khác).

Chênh lệch giá trong nước với thế giới nhanh chóng bị doãng rộng chỉ qua hai ngày đang đặt nhiều áp lực đối với kế hoạch bình ổn của Ngân hàng Nhà nước; yêu cầu thu hẹp lại thêm khó khăn.

Ngân hàng Nhà nước sẽ ứng xử như thế nào trước biến động này, khi mở phiên đấu thầu sáng nay? Đây có lẽ cũng là câu hỏi mà các thành viên tham gia quan tâm nhất. Hay giá chào bán càng trở nên khó đoán.

Ở phiên đầu tiên (28/3), Ngân hàng Nhà nước đưa ra câu trả lời bất ngờ đối với các thành viên dự thầu, khi chào cao hơn giá trong nước đang giao dịch tại cùng thời điểm. Câu trả lời đó có thể khiến họ thận trọng hơn khi bước vào phiên hôm nay. Thực tế, chiều qua (3/4), khi có thông báo tổ chức đấu thầu, giá giao dịch vẫn không mấy thay đổi.

Mức giá chào bán ở phiên trước đã loại trừ biến động bất thường trong chiều 27/3. Vậy phiên này sẽ như thế nào?

Từ thực tế ở phiên đầu tiên, một giả thiết đặt ra: Ngân hàng Nhà nước sẽ vẫn giữ quan điểm giá chào bán phản ánh cung - cầu thực trên thị trường, căn theo giá thế giới cùng với chênh lệch bình quân của giá trong nước những phiên gần đây, chứ không áp thật thấp để thu hẹp ngay chênh lệch mà qua đó có thể làm thất thoát tài sản Nhà nước và bù lỗ cho đối tượng nào đó.

Nếu vậy, có thể dự tính một khả năng là mức giá chào bán ở phiên thứ hai này sẽ phản ánh rõ nét tác động lớn từ giá thế giới, sẽ thấp hơn nhiều so với giá giao dịch ở thị trường trong nước chốt ngày hôm qua. Một điểm được chú ý là, mức giá trong nước ngày hôm qua có độ “trơ” rất lớn trước đà giảm mạnh của giá quốc tế.

Hay nói cách khác, giá quốc tế sẽ là một trọng số trong việc xác định giá chào bán của Ngân hàng Nhà nước, nó cộng dồn “hai đêm” lao dốc, trong khi độ “trơ” giá trong nước nói trên sẽ không có vị trí danh dự trong tính toán của họ.

Lúc này giả thiết vẫn chỉ là giả thiết. Nhưng nếu như vậy, giá chào bán ngày mai sẽ thấp hơn hẳn so với mức 43,66 - 43,67 triệu đồng/lượng chốt ngày 3/4. Và nếu vậy, có thất thoát tài sản Nhà nước hay không, có bù lỗ cho đối tượng nào đó hay không?

Tối muộn 3/4, vừa xuống sân bay sau chuyến công tác ở nước ngoài, hay tin tiếp tục tổ chức đấu thầu, lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh vàng đã có cuộc trao đổi với VnEconomy. Ông cho rằng, nếu giá chào bán phiên này phản ánh diễn biến giá quốc tế thì Ngân hàng Nhà nước cũng không lỗ, không thất thoát, cũng không có chuyện bù lỗ cho ai cả.

Giá thế giới biến động là yếu tố khách quan, trong khi Ngân hàng Nhà nước bán ra lại có được mức chênh lệch lớn của giá trong nước. Họ nhập vàng về và bán lại vẫn thu lãi lớn.

“Vấn đề ở đây không phải là chi ngoại tệ mà người dân chắt chiu để nhập vàng. Vàng ở đây cũng là ngoại tệ. Khi cần ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước mua lại vàng của dân và xuất đi. Hoạt động này không gây xáo trộn cung cầu ngoại tệ trên thị trường để có thể tác động đến tỷ giá, nên không lo ngại”, người trong cuộc này nhìn nhận.

Ông cũng lưu ý, mức giá chào bán ngày 4/4 sẽ là một tham chiếu quan trọng cho giá trong nước sau những biến động mạnh của giá quốc tế.

“Nếu mà tiếp tục không thu hẹp được chênh lệch theo mục tiêu như phiên trước thì không ổn. Điều đáng quan tâm hơn là Ngân hàng Nhà nước có theo đuổi mục tiêu đặt ra hay không? Về nguyên tắc, đã là bình ổn thị trường thì phải tác động vào giá, nhất là khi giá hiện nay nó bất cập”.

“Thị trường cần thông điệp từ Ngân hàng Nhà nước, rằng tôi có chủ trương thu hẹp và sẽ tiếp tục thu hẹp, nên các ông đừng có đầu cơ với tôi. Chúng tôi sẽ kéo giá xuống đến khi có một chênh lệch hợp lý thì thôi. Đấy là nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước. Như thế thì không ai dám chơi với Ngân hàng Nhà nước, vì ông quá to. Và như thế sẽ không có đầu cơ”, lãnh đạo doanh nghiệp trên nhấn mạnh.

Ở một điểm kỹ thuật, có ý kiến lưu ý về thay đổi trong phiên đầu thầu này: giới hạn một đơn vị được mua phiên trước là 2.000 lượng, nay đã được nới lên 5.000 lượng. Tình huống đặt ra, chỉ cần 5 tổ chức quyết mua tối đa thì đã nắm gần hết lượng chào bán (26.000 lượng), những nhu cầu còn lại thì sao? Hơn nữa, nếu 5 tổ chức đó ôm hết hàng, sau đó giữ giá và thậm chí đẩy giá, hoặc không chịu hạ giá trong tình huống giá thế giới tiếp tục giảm mạnh vì họ không chịu bán lỗ, thì sao?

“Đó là một điểm không ổn”, ý kiến trên nhìn nhận, cũng như xem đây là một tình huống có thể xẩy ra, tác động đến giá hình thành sau đấu thầu.

Tuy nhiên, trao đổi với VnEconomy, một người trong cuộc khác lại cho rằng, ở đây là đấu thầu theo giá chứ không đấu thầu theo khối lượng. Có các bước giá khác nhau để cạnh tranh, mỗi bước là 10.000 đồng, hội đồng xét thầu sẽ khớp kết quả theo từng bước giá trúng thầu.