16:40 11/01/2010

Bình ổn thị trường dịp Tết: Doanh nghiệp đã sẵn sàng

Y Nhung

Theo dự báo, nhu cầu mua sắm vào dịp Tết Nguyên đán ở nhiều thành phố lớn sẽ tăng từ 20-40% so với bình thường

Tới thời điểm này, các doanh nghiệp đều đã sẵn sàng phục vụ nhu cầu của khách hàng vào dịp Tết.
Tới thời điểm này, các doanh nghiệp đều đã sẵn sàng phục vụ nhu cầu của khách hàng vào dịp Tết.
Tới thời điểm này, công tác chuẩn bị phục vụ trong dịp Tết Canh Dần của doanh nghiệp tại các địa phương đều đã sẵn sàng.

Tuy đánh giá vào dịp Tết thị trường sẽ diễn ra sôi động trên cả nước với nhu cầu mua sắm dự kiến tăng từ 20-40% so với bình thường, nhưng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cũng cho biết, các doanh nghiệp tại các địa phương đều đã sẵn sàng “đón” Tết.

Tại thủ đô Hà Nội, theo thông tin từ Sở Công Thương, 12 doanh nghiệp được vay vốn hỗ trợ lãi suất 0% để tham gia bình ổn giá trên thị trường vào dịp Tết đã dự trữ 4.510 tấn gạo các loại, thịt gia súc gia cầm 2.420 tấn, trứng gia cầm 6.500 quả, thủy hải sảng đông lạnh 940 tấn, thực phẩm chế biến 2.174 tấn, rau củ quả các loại 2.183 tấn, dầu ăn 3.200 lít, đường 118 tấn, bánh mứt kẹo 80 tấn.

Các siêu thị như: BigC, Metro, Intimex… cũng có kế hoạch dự trữ hàng hóa trong dịp Tết với tổng giá trị trên 1.000 tỷ đồng. Phương án huy động thêm nhân viên, máy tính tiền để giúp khách hàng thuận tiện trong thanh toán cũng đã được tính tới. Ngoài ra, các chợ, cửa hàng trong thành phố cũng dự kiến đưa ra tiêu thụ trên thị trường trong dịp Tết khoảng 5.000 tấn gạo; 2.000 tấn thịt trâu bò; 10.000 tấn thịt lợn; hơn 3.000 tấn thịt gia cầm…

Đặc biệt, để đảm bảo hàng hóa trong dịp Tết được cung ứng kịp thời, thành phố Hà Nội còn chỉ đạo cho các ban, ngành liên quan tạo điều kiện cho phương tiện vận tải của 8 doanh nghiệp chở hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ Tết được hoạt động 24/24h.

Sở Công Thương Tp.HCM cũng nhận định thị trường hàng hóa Tết năm nay sẽ sôi động hơn năm trước. Dự kiến nhu cầu mua sắm sẽ tăng khoảng 30-40% so với ngày thường và tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hoa cây cảnh và đồ uống… Tuy nhiên cũng sẽ không xảy ra thiếu hàng cục bộ hay tăng giá đột biến tại những điểm bán hàng của các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá.

Cụ thể, để giúp bình ổn giá vào dịp Tết, Tp.HCM đã ứng 422 tỷ đồng từ ngân sách thành phố giao cho 13 doanh nghiệp trên địa bàn, ưu đãi trong vòng 6 tháng với lãi suất 0% để mua hàng hóa dự trữ Tết, với yêu cầu các doanh nghiệp này sẽ phải bán với giá thấp hơn sản phẩm cùng loại trên thị trường 10%, tại thời điểm giáp Tết.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương Tp.HCM cũng giao cho các doanh nghiệp được hỗ trợ vốn dự trữ hàng Tết đẩy mạnh việc mở rộng hệ thống cửa hàng bán lẻ trên địa bàn thành phố và tổ chức bán hàng lưu động phục vụ vùng sâu, xa và công nhân tại các khu công nghiệp… lập kế hoạch, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường trước, trong và sau Tết, chống gian lận thương mại.

Còn tại thành phố biển miền Trung, Đà Nẵng, dự kiến sức mua trên thị trường trong dịp Tết tăng khoảng 20% so với năm 2009. Tới thời điểm này, theo báo cáo của Sở Công Thương, các doanh nghiệp trên địa bàn đã có kế họach dự trữ 18 mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng thiết yếu với tổng giá trị khoảng 108.617 tỷ đồng.

Sở Công Thương Đà Nẵng cũng đang đề nghị UBND thành phố hỗ trợ cho các doanh nghiệp vay khoảng 3,4 tỷ đồng với lãi suất 0% trong vòng 1,5 tháng để phục vụ Tết. Đồng thời, đề nghị hỗ trợ kinh phí phục vụ bán hàng Tết là 100 triệu đồng tại 11 điểm bán và 2 xe lưu động.

Báo cáo của Sở Công Thương Cần Thơ cũng cho biết, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã có kế hoạch dự trữ hàng tết với tổng giá trị hàng hóa khoảng trên 933 tỷ đồng. Trong đó, lương thực, thực phẩm là 265,9 tỷ đồng; vải sợi may mặc 59,97 tỷ đồng; đồ dùng gia đình 30,82 tỷ đồng; hóa mỹ phẩm 26,22 tỷ đồng; xăng dầu 501,92 tỷ đồng; các hàng hóa khác 48,46 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Vụ Thị trường trong nước: mặc dù kinh tế phát triển, đời sống người dân được nâng cao, nhu cầu ăn uống trong ngày Tết không còn chiếm tỷ trọng lớn trong chi tiêu, nhưng theo tập quán tiêu dùng của người Việt Nam vào dịp này vẫn không thể thiếu các loại thực phẩm như: bánh chưng, giò, bánh mứt kẹo, thực phẩm tươi sống và chế biến sẵn…
 
Do đó, nhu cầu đối với các loại hàng hóa nêu trên sẽ vẫn tăng cao trong những ngày giáp Tết. Ngoài ra, do tác động của một số yếu tố như nguồn cung hạn chế, giá nguyên liệu đầu vào của một số thực phẩm bị tăng lên… nên giá một số mặt hàng sẽ có xu hướng tăng.

Tuy nhiên, do các địa phương đều đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng và chương trình, chính sách hỗ trợ bình ổn thị trường Tết nên giá cả dù có xu hướng tăng, nhưng sẽ không có sự tăng đột biến, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân.