Bình Phước kiến nghị hỗ trợ 5.800 tỷ đồng làm cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành
Trong số 9.800 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước trong dự án cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành nối hai tỉnh Đắk Nông và Bình Phước, khả năng vốn ngân sách địa phương chỉ có thể tham gia khoảng 4.000 tỷ đồng...
Tỉnh Bình Phước mới đây đã đề nghị trung ương hỗ trợ 5.800 tỷ đồng để có thể triển khai dự án.
Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Tây tuyến Gia Nghĩa – Chơn Thành, được Chính phủ giao Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước là cơ quan nhà nước thẩm quyền chịu trách nhiệm triển khai thực hiện dự án.
Dự án cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành thuộc dự án cao tốc Bắc Nam phía tây, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Toàn tuyến có chiều dài gần 140 km; trong đó đoạn đi qua tỉnh Đắk Nông dài 38 km, còn lại thuộc địa bàn tỉnh Bình Phước.
Theo quyết định phê duyệt, dự án có điểm đầu giao với đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14 cũ) tại Km1796+800 và điểm cuối giao với cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, quy mô 6 làn xe, thời gian đầu tư trước năm 2030. Hướng tuyến dược duyệt về cơ bản song song về bên phải quốc lộ 14 hiện hữu, hướng từ Đắk Nông đi Bình Phước.
Tại báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải mới đây về phương án đầu tư xây dựng dự án, tỉnh Bình Phước cho biết: Tuyến cao tốc sẽ được đầu tư với tổng chiều dài gần 130 km.
Bao gồm: đoạn qua tỉnh Đắk Nông khoảng 27,8 km; đoạn qua tỉnh Bình Phước khoảng 101 km, gồm 2 km đường dẫn từ nút giao cuối tuyến với cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa. Điểm đầu Dự án giao với Quốc lộ 14 tại Km1915+900, tỉnh Đắk Nông. Điểm cuối tại khu vực thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.
Ngoài ra, theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước, dự án cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành sẽ được đầu tư theo hai giai đoạn. Giai đoạn phân kỳ, dự án được đầu tư với quy mô 4 làn xe cao tốc hạn chế, chiều rộng nền đường 19 m, cách khoảng 2 đến 2,5 km sẽ bố trí một điểm dừng xe khẩn cấp theo quy định. Riêng đoạn qua thành phố Đồng Xoài (tuyến Vành đai 2) có chiều rộng 20 m do có bố trí hệ thống điện chiếu sáng ở giữa.
Giai đoạn 2, dự án sẽ được đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch với 6 làn xe cao tốc, 2 làn dừng xe khẩn cấp, bề rộng nền đường là 32,25 m. Đoạn qua thành phố Đồng Xoài rộng 33 m.
Về giải phóng mặt bằng, tỉnh Bình Phước cho hay sẽ thực hiện một lần theo quy mô mặt cắt ngang đường cao tốc giai đoạn hoàn chỉnh. Diện tích đất dự kiến thu hồi khoảng hơn 1.120 ha; trong đó, tỉnh Đắk Nông khoảng hơn 257 ha, tỉnh Bình Phước trên 863 ha.
Với phương án trên, tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án ước khoảng 25.571 tỷ đồng. Cụ thể: Chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 4.640 tỷ đồng; chi phí xây dựng khoảng 15.063 tỷ đồng; chi phí thiết bị khoảng 547 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn, chi phí khác khoảng 937 tỷ đồng; chi phí dự phòng ước 3.373 tỷ đồng; và chi phí lãi vay trong thời gian thi công khoảng 1.011 tỷ đồng.
Về cơ cấu nguồn vốn, tỉnh Bình Phước cho biết như sau: Dự kiến ngân sách nhà nước tham gia thực hiện dự án khoảng 9.800 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ khoảng 38%. Vốn nhà đầu tư huy động khoảng 16.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ khoảng 62%. Thời gian thu phí hoàn vốn của dự án khoảng 17 năm 4 tháng.
Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Bình Phước cũng nêu rõ, là nguồn vốn nhà nước địa phương tham gia nguồn vốn ở hai tỉnh Đắk Nông và Bình Phước chỉ có thể đáp ứng 4.000 tỷ đồng (Đắk Nông khoảng 1.000 tỷ đồng, còn lại là Bình Phước). Để có thể triển khai dự án, Ủy ban nhân dân tỉnh này đã kiến nghị Chính phủ bố trí nguồn vốn từ ngân sách trung ương từ nguồn vượt thu ngân sách trung ương năm 2022 tham gia hỗ trợ dự án là khoảng 5.800 tỷ đồng.
Trước đó, vào giữa tháng 9/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước đã có tờ trình Bộ Giao thông vận tải đề xuất thay đổi, điều chỉnh hướng tuyến của cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành đoạn đi qua địa bàn tỉnh này, có chiều dài 102 km trong tổng chiều dài 138 km toàn tuyến.
Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước cho rằng, phía đông nam của quốc lộ 14 (tức bên trái quốc lộ 14 hướng Đắk Nông đi Bình Phước) là nơi tập trung phát triển về hạ tầng hơn so với phía ngược lại, do tiếp giáp với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, những địa phương đang có tốc độ phát triển nhanh. Vì vậy, tỉnh Bình Phước đề nghị điều chỉnh hướng tuyến cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành để phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cụ thể, hướng tuyến sẽ đi cặp song song với quốc lộ 14 và nằm bên trái quốc lộ 14 trùng với tuyến phía đông quốc lộ 14 nối Chơn Thành - Đắk Nông theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Bình Phước.
Cũng theo tỉnh Bình Phước, nếu dự án được triển khai theo hướng tuyến đề xuất của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước, chi phí đầu tư cho đoạn qua tỉnh này giảm từ 14.067 tỷ đồng xuống còn 11.750 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư toàn dự án giảm 1.917 tỷ đồng, từ 28.548 tỷ đồng xuống còn 26.631 tỷ đồng.