06:00 02/11/2022

Blockchain: “Gạch nối” của tiến trình chuyển đổi số

Hồng Vinh

“Trong bối cảnh Internet với thông tin thật giả lẫn lộn thì Blockchain có thể là giá trị cộng thêm, giúp thông tin trở nên có gốc gác, truy xuất được và chuỗi thông tin chính xác, minh bạch sẽ trở thành tài sản có giá trị. Đó chính là sự đột phá mà công nghệ Blockchain có thể mang lại”...

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Bách Việt, Giám đốc Phát triển thị trường của Công ty Microtec Việt Nam. Dưới góc nhìn của doanh nghiệp đang tham gia chuyển đổi số, ông Việt cho rằng Blockchain đem lại hai điều rất có ích, đó là niềm tin cho người sử dụng giải pháp và tính minh bạch, tin cậy về thông tin.

ĐỘNG LỰC DỊCH CHUYỂN TỪ WEB 2.0 SANG WEB 3.0

Nhân loại đang ở kỷ nguyên phát triển thứ hai của Internet, đó là Web 2.0 (Internet of Information), cho phép người dùng đưa mọi loại thông tin lên Internet, cộng thêm sự bùng nổ của các mạng xã hội làm thay đổi cách con người tương tác trên không gian mạng. 

Tuy nhiên, hạn chế cũng chính là không thể xác minh được thông tin, những tệp dữ liệu, hình ảnh được trao đổi khắp Internet. Ông Việt ví Internet giống như “Chợ Trời” thông tin, bởi ai cũng có thể đưa thông tin lên mạng nên không thể đảm bảo đó là thông tin đúng sự thật. Do đó, Web 3.0 với sự trợ giúp của hàng loạt công nghệ như Blockchain, IoT, AI có thể đưa con người tiến tới kỷ nguyên “Internet of Value” khi thông tin được xác minh và hoàn toàn có thể trao đổi các giá trị thực (tài sản số, vé xem phim, cổ phiếu...) trên không gian mạng mà không cần lo ngại gian lận hay lừa đảo.

Nhờ cấu trúc phi tập trung kết hợp với các thuật toán, Blockchain giúp tăng tốc các quy trình kinh doanh, tạo ra mức độ bảo mật cao trong các giao dịch ngang hàng nên không cần đơn vị trung gian. Khi các doanh nghiệp B2B và B2C chuyển sang thị trường kỹ thuật số, Blockchain tạo ra sự tin tưởng và bảo mật cho người tiêu dùng, khách hàng, đối tác thương mại và kinh doanh.

Trong chuyển đổi số, tốc độ là một trong những yếu tố quan trọng giúp bạn khác biệt với các đối thủ cạnh tranh. Trên cơ sở này, ứng dụng Blockchain vào quy trình vận hành doanh nghiệp góp phần thực hiện giao dịch hoàn toàn tự động, đáng tin cậy và nhanh chóng.

Thực tế, Blockchain tạo ra sự minh bạch tối đa trong chuỗi cung ứng - từ việc thu mua nguyên liệu và sản xuất đến phân phối và bán sản phẩm cuối cùng. Bằng cách này, sẽ có ít rủi ro hơn và khách hàng cuối cùng có thể truy xuất nguồn gốc của sản phẩm trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 43 phát hành ngày 24-10-2022. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây: 

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/27

Blockchain: “Gạch nối” của tiến trình chuyển đổi số - Ảnh 1