17:27 03/03/2022

Blog chứng khoán: Thị trường hồi mạnh, cổ phiếu thép hút dòng tiền

iTrader

Hầu hết cổ phiếu đã quay đầu tăng trở lại hôm nay trong một buổi chiều hưng phấn bất ngờ. Dĩ nhiên dòng thép, phân, than, dầu càng có động lực tăng tốt hơn, nhưng sự đảo chiều này khiến Short phái sinh gặp bất lợi...

Vn30-Index.
Vn30-Index.

Hầu hết cổ phiếu đã quay đầu tăng trở lại hôm nay trong một buổi chiều hưng phấn bất ngờ. Dĩ nhiên dòng thép, phân, than, dầu càng có động lực tăng tốt hơn, nhưng sự đảo chiều này khiến Short phái sinh gặp bất lợi.

Trong hai mã cần chú ý là HPG và VIC thì HPG đi đúng dự kiến, cực mạnh. VIC cũng có một nhịp tăng khá tốt 1,9% giữa phiên sáng trước khi tụt trở lại. Điểm nổ ở VN30 và cả thị trường là khoảng 1h40 trở đi, khi cổ phiếu ngân hàng cũng phục hồi.

Nổi bật ở nhóm ngân hàng và tác động tới VN30 – từ đó ảnh hưởng tới phái sinh – là VPB. Nhìn chung nhiều cổ phiếu ngân hàng hồi giá chỉ ở mức bình thường, riêng VPB có vốn hóa rất lớn trong VN30. Mã này tăng càng về cuối càng mạnh, hợp sức với HPG tăng sốc kéo VN30 tăng vượt cả VNI.

Với độ rộng rất tích cực, số tăng gấp 3 lần số giảm, xác nhận thị trường có phiên phục hồi toàn diện. Nhóm cổ phiếu nhỏ cũng tăng chóng mặt với hàng chục mã kịch trần. Tiền vào Smallcap tăng 30% so với hôm qua, khoảng 5,6k tỷ, cao nhất 5 phiên. Trong khi đó Midcap chỉ tăng gần 4% còn VN30 lại giảm 11%.

Dù blue-chips VN30 hồi giá tốt với HPG, VPB cầm trịch, nhưng động lực lại không mạnh đều. Thanh khoản tập trung quá nhiều vào HPG – chiếm 34,7% rổ - tức là số còn lại giảm giao dịch khá sốc. Vì vậy mức phục hồi ở nhóm này không chắc đã bền. Cổ phiếu ngân hàng blue-chips thậm chí chỉ giao dịch bằng một nửa hôm qua, chưa kể mức tăng giá còn xa mới san bằng được mức giảm.

Một phiên tăng giá trên diện rộng, nhiều mã rất mạnh, nhưng vẫn chỉ có những cổ phiếu hàng hóa cơ bản là có lợi thế hơn cả. Vấn đề không chỉ là xu hướng kỹ thuật, mà còn là yếu tố hỗ trợ vẫn đang rất tốt. Thị trường trồi sụt hàng ngày và dòng tiền chung thì không mạnh lên, nên chỉ những cổ phiếu thu hút được chú ý mới có thể duy trì thanh khoản. Một vài phiên tới khi HPG giảm cường độ giao dịch thì thanh khoản chung sẽ tụt xuống. Cổ phiếu ngân hàng đã kết thúc điều chỉnh hay chưa cũng cần thời gian để xác nhận, còn 1 phiên hồi lại không có nhiều ý nghĩa.

VNI hôm nay vượt trở lại lên trên 1.500 không có ý nghĩa nhiều. Thị trường lúc này là chọn danh mục, còn xu hướng chung qua chỉ số khả năng cao vẫn sẽ chỉ lình xình như cả tháng qua. VN30 càng thể hiện tín hiệu yếu hơn khi dư địa điều chỉnh ở nhóm ngân hàng vẫn còn.

Vẫn giữ quan điểm nên duy trì danh mục cân bằng, chỉ nắm giữ các cổ phiếu hàng hóa cơ bản có lợi thế tăng giá. Thị trường đi ngang hoặc giảm thì nhóm này vẫn có cơ hội tăng tốt hơn phần còn lại. Khi thị trường giảm nhóm này thậm chí vẫn có thể đi ngược dòng.

Thị trường phái sinh hôm nay có phiên sáng rất khó giao dịch khi HPG và VIC đan xen nhau giúp VN30 đi ngang. Buổi sáng cổ phiếu ngân hàng cũng không có động tĩnh gì sẽ tăng tốt, chỉ là co giật hồi giá bình thường sau một ngày rơi thảm. Do đó chiến lược canh Short không hiệu quả. Đến chiều HPG và VPB đồng loạt mạnh lên và cổ phiếu ngân hàng hồi nhiều hơn thì chuyển chiến lược Long. Đà tâm lý từ giao dịch của HPG lan tỏa rất mạnh vì mã này để tăng cao thì cần dòng tiền khổng lồ. Hôm nay là một ngày như vậy, tới 3,7k tỷ đổ vào HPG thì chắc chắn phải có hoạt động của dòng tiền lớn.

Khả năng cao đà quán tính tăng sẽ kéo dài thêm chút nữa ngày mai, trước khi dòng tiền giảm ở HPG và cổ phiếu ngân hàng suy yếu trở lại. Chiến lược tiếp tục là nắm giữ danh mục và Long trước, Short sau ở phái sinh.

VN30 dừng hôm nay tại 1522.49, ngay tại một mốc. Cản gần nhất ngày mai là 1530; 1535; 1541; 1543; 1548; 1552. Hỗ trợ 1518; 1513; 1506; 1502; 1498; 1491; 1488; 1481.

HPG và VPB thúc đẩy xu hướng VN30 rất mạnh chiều nay.
HPG và VPB thúc đẩy xu hướng VN30 rất mạnh chiều nay.

“Blog chứng khoán” mang tính chất cá nhân và không đại diện cho ý kiến của VnEconomy. Những quan điểm, đánh giá là của cá nhân nhà đầu tư và VnEconomy tôn trọng quan điểm cũng như văn phong của tác giả. VnEconomy và tác giả không chịu trách nhiệm về những vấn đề phát sinh liên quan đến các đánh giá và quan điểm đầu tư được đăng tải.