Blog chứng khoán: Tiền tăng vọt, tốt hay không?
Thị trường luôn có thanh khoản. Điều quan trọng hơn là tiềm lực của người mua và người bán, phe nào mạnh hơn
Trong bất kỳ điều kiện thị trường nào, vẫn luôn có thanh khoản. Điều quan trọng hơn là tiềm lực của người mua và người bán, phe nào mạnh hơn.
Thị trường ngày 26/11/2014:
Biến động chiều nay có thể là một bất ngờ với ai đó, nhưng nếu nhìn phiên tăng hôm qua như là một sự đảo chiều với cung cầu ngắn hạn thì việc giảm trở lại là hoàn toàn bình thường.
Điều bất thường nếu có, chỉ là sự quyết liệt của người bán. Tại sao người bán từ chỗ bình tĩnh canh giá thoát ra buổi sáng chuyển thành bán tống bán tháo buổi chiều? Có thể đổ lỗi cho GAS khiến VNI bay gần 1,7%, thế còn gần 300 cổ khác giảm thì sao? Khi số lớn cổ phiếu giảm giá tức là phản ứng giá đồng nhất theo một hướng bán ra. Thị trường phản ứng không phải chỉ vì một vài mã lớn giảm.
Giá tăng hôm qua trên cơ sở giảm bán không có nghĩa là hết cung. Áp lực bán có thể giảm đi trong một thời điểm nào đó để lôi kéo cầu vào tốt hơn. Điều quan trọng hơn là nhu cầu bán vẫn còn, chỉ là thay đổi chiến thuật giao dịch. Đó là lý do tại sao cần phải có nhiều phiên mới kiểm chứng được nhu cầu bán đã thực sự cạn hay chưa. Một phiên giảm bán như hôm qua chẳng có ý nghĩa gì cả.
Cả ngàn tỷ đồng ham hố đã mua vào sớm nay khi được kích động từ các biến động ngắn hạn hôm qua. Sáng nay khoảng 1.500 tỷ giao dịch hai sàn. Chiều nay thêm gần 2.300 tỷ nữa. Vốn nội thuần tăng 71% lên 3.480 tỷ.
Lượng vốn tăng vọt này là một vấn đề. Nếu nhìn tích cực thì rõ là phải có người mua mới đẩy được thanh khoản lên như vậy. Tuy nhiên thanh khoản không thể chỉ nhìn ở con số cuối ngày mà phải nhìn ở nguồn gốc tạo nên thanh khoản đó.
Làm thể nào để thị trường có thanh khoản? Nếu người mua lẫn người bán không chấp nhận giá của nhau thì không thể có giao dịch, không có thanh khoản. Hoặc người mua chấp nhận giá người bán, nâng giá mua vào để khớp được, làm giá tăng. Ngược lại, hoặc người bán chấp nhận giá của người mua, hạ giá để khớp được, làm giá giảm. Vì thế, tính chủ động của người mua hay người bán và tiềm lực của mỗi bên sẽ quyết định hướng của giá và cường độ của giá.
Hôm nay buổi sáng thị trường đi ngang, giao dịch cân bằng về cơ bản, tâm lý ổn định. Buổi chiều giá sụt giảm sâu đồng loạt. Rõ ràng đã có sự thay đổi gì đó trong đánh giá của người bán. Họ phải chấp nhận hành động hạ giá xuống để thoát ra. Nếu họ vẫn đánh giá tích cực, tại sao không căng giá chờ người mua nâng giá mua lên? Như vậy có phải họ bán được giá tốt hơn không?
Việc người bán hạ giá là một dấu hiệu xấu về tâm lý. Đừng nói người bán đè giá. Chẳng có ai tốn từng đó tiền để đè thị trường cả. Giá vận động bình thường như vậy khi người bán có tiềm lực lớn hơn người mua, họ muốn thoát ra quy mô lớn hơn khả năng mua hiện tại nên phải hạ giá nhiều hơn mới đạt khối lượng cần thiết. Chưa kể tốc độ giao dịch chiều nay nhanh nên rất nhiều lệnh mua căng giá thấp bị khớp ngoài ý muốn.
Khi thanh khoản tăng vọt, câu hỏi thường thấy là “ai đang mua”. Thực ra chính xác hơn phải hỏi là “ai đang mua và tiềm lực người mua đến đâu”, hoặc “ai đang bán, tiềm lực người bán đến đâu”. Mua ào được một phiên đã hết tiền thì tất yếu thị trường kiệt cầu. Bán dốc ra một phiên mà hết hàng thì thị trường sẽ lên.
Trong xu hướng giảm thì câu hỏi “ai đang bán” quan trọng hơn. Việc phân tích đúng sai các yếu tố bên ngoài – chẳng hạn thông tin mới - không quan trọng bằng tiềm lực của người mua hay người bán. Xu hướng thị trường là do các dòng tiền lớn quyết định. Nếu họ vẫn có quan điểm tiêu cực thì chắc chắn thị trường sẽ không tăng được.
Nếu nhìn dài hơn, xu hướng giảm của thị trường vẫn đã định hình 3 tháng nay thì một phiên đảo chiều như hôm qua không có ý nghĩa. Thị trường đã từng có cả tuần tăng mà rốt cục vẫn chỉ là tạo Lower High. Nếu thị trường đã trong xu thế giảm thì việc tạo Lower Low như hôm nay là rất “đúng sách giáo khoa”, chỉ có những người không chấp nhận chuyện đó mới thấy kỳ lạ.
Giao dịch:
Đứng ngoài.
Danh mục theo dõi:
SSI:
Giá đột biến hôm nay với những hi vọng hàng chục triệu cổ sẽ được ETF mua trong tháng 12. Vốn ngoại cũng hỗ trợ điều này với gần 17 tỷ dốc vào mua giá trên 30. SSI có một phiên retest vùng 30 mạnh mẽ hơn hẳn hôm qua.
Vol đột biến trong 2 tháng, giá cao nhất lên 30.5, tương đương MA20. Lượng giao dịch từ 30 trở lên là 6,3 triệu, chiếm 69% Vol. Rõ ràng SSI có lực đánh lên.
Nhìn vào dao động, nếu gần 273 tỷ hôm nay là đủ lớn thì tại sao SSI lại phải lùi giá và không giữ được mức 30? Rõ ràng là trong Vol đột biến hôm nay phải ẩn chứa lực bán lớn. Có cầu nên bán còn lựa giá nhưng một thực tế là SSI đang trong xu thế giảm ngắn hạn. Hoặc giá phải tìm được vùng cân bằng hồ trợ, hoặc phá vỡ kháng cự. Các biến động dập dình một vài phiên không có ý nghĩa.
* “Blog chứng khoán” mang tính chất cá nhân và không đại diện cho ý kiến của VnEconomy. Những quan điểm, đánh giá là của cá nhân nhà đầu tư và VnEconomy tôn trọng quan điểm cũng như văn phong của tác giả. VnEconomy và tác giả không chịu trách nhiệm về những vấn đề phát sinh liên quan đến các đánh giá và quan điểm đầu tư được đăng tải.