14:15 22/11/2010

Bộ Công Thương đưa ra thời gian thu hồi vốn của dự án alumina Nhân Cơ

Thảo Nguyên

Thời gian thu hồi vốn của dự án alumina Nhân Cơ là 12,4 năm/30 năm tồn tại, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhận định

Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì thành lập hội đồng kiểm tra, đánh giá lại hiệu quả kinh tế của dự án Nhân Cơ.
Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì thành lập hội đồng kiểm tra, đánh giá lại hiệu quả kinh tế của dự án Nhân Cơ.
Thời gian thu hồi vốn của dự án alumina Nhân Cơ là 12,4 năm/30 năm tồn tại, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhận định tại văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Các giải pháp đảm bảo an toàn và hiệu quả kinh tế của các dự án khai thác, chế biến bauxite ở Tây Nguyên là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn tại kỳ họp này.

Theo Bộ Công Thương, do giá thành alumina của dự án Tân Rai thấp hơn dự án Nhân Cơ, dẫn đến hiệu quả kinh tế của dự án Tân Rai cao hơn dự án Nhân Cơ (tính cùng giá bán alumina).

Bộ này cũng cho biết, theo khuyến nghị của các nhà khoa học, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì thành lập hội đồng kiểm tra, đánh giá lại hiệu quả kinh tế của dự án Nhân Cơ. Bộ Công Thương đã thực hiện đầy đủ yêu cầu của Chính phủ.

Theo đó, hiệu quả kinh tế của dự án Nhân Cơ với công suất 650.000 tấn alumina/năm đã được hội đồng kiểm tra, đánh giá của Bộ Công Thương thẩm định, trên cơ sở thẩm tra chi tiết của Viện Kinh tế (Bộ Xây dựng). Kết quả cho thấy, với cơ chế chính sách hiện hành (cơ cấu vốn chủ sở hữu/vốn vay 70/30, phí môi trường 30.000 đồng/ tấn quặng nguyên khai, thuế suất thuế xuất khẩu alumina 20%...), phương thức vận chuyển đường bộ, giá thành sản xuất toàn bộ trung bình là 287,6 tấn alumina, giá bán (spot) trung bình là 335 tấn/alumina, thì dự án vẫn đảm bảo tính khả thi (NPV > 0; IRR: 8,24%), với thời gian thu hồi vốn của dự án là 12,4 năm/30 năm tồn tại của dự án (thực tế của dự án sẽ tồn tại trên 50 năm).

Phần đánh giá mức độ rủi ro của dự án, Bộ trưởng Hoàng cho rằng giá bán sản phẩm là yếu tố ảnh hưởng rất nhạy cảm, khó kiểm soát. Đồng thời dẫn kết quả dự báo thị trường của Metal Bulletin Research vào tháng 6/2010 cho thấy giá alumina dự kiến tăng từ 310 USD/tấn năm 2010 đến 440 USD/tấn vào năm 2015 và 650 USD/tấn vào năm 2020.

Bộ Công Thương tính toán. với giá tăng lên 30% vào năm 2015 và 95% vào năm 2020 so với giá thẩm định (335USD/tấn) cho thấy khả năng dự án có hiệu quả đến năm 2020 là “có cơ sở tin cậy”. Việc tăng vốn đầu tư ảnh hưởng không nhiều đến hiệu quả kinh tế (tăng 25% vốn đầu tư thì IRR vẫn đạt 7,12%).

Về các yếu tố khác, theo phân tích tại văn bản, nếu tăng 1% chi phí sản xuất thì IRR còn 8%; nếu thuế suất thuế xuất khẩu giảm xuống ở mức 10% thì IRR = 12,3%.

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện dự án, giải pháp quản trị chi phí với mục tiêu tiết kiệm chi phí hàng năm khoảng 5 - 10%, đồng thời kết hợp phát triển các dịch vụ tạo ra giá trị gia tăng như trồng rừng, cây công nghiệp, du lịch sinh thái, văn hóa… để tăng nguồn thu cũng sẽ giúp cho dự án có hiệu quả.

“Tóm lại, kết quả tính toán và thẩm định hiệu quả kinh tế dư án nhà máy alumina Nhân Cơ cho thấy dự án có hiệu quả kinh tế, mức độ rủi ro thấp”, Bộ trưởng kết thúc phần trả lời.

Sáng nay, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã trả lời chất vấn trực tiếp trước Quốc hội và cho rằng, các dự án khai thác bauxite phải được xem xét hiệu quả tổng hợp chứ không đơn thuần là hiệu quả kinh tế. Phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng sẽ kéo dài thêm một giờ tại phiên họp buổi chiều.