08:17 31/12/2024

Bộ Công Thương giải thích nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm

Như Quỳnh

Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 của Bộ Công Thương là 538,07 tỷ đồng. Tuy nhiên đến hết tháng 11/2024, Bộ mới chỉ phân bổ 381,115 tỷ đồng, đạt 70,8% tổng số vốn được giao…

Toàn cảnh Khu công nghệ cao TP.HCM - Ảnh minh họa.
Toàn cảnh Khu công nghệ cao TP.HCM - Ảnh minh họa.

Thông tin vừa được Bộ Công Thương đưa ra trong báo cáo kết quả công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025, trong đó nhấn mạnh về tình hình giải ngân vốn đầu tư công.

Bộ Công Thương lý giải nguyên nhân giải ngân chậm do việc chưa hoàn tất phân bổ kế hoạch đầu tư công năm 2024, đặc biệt là do vướng mắc thủ tục đầu tư đối với dự án tại Khu công nghệ cao TP.HCM.

Cụ thể, dự án tại Khu công nghệ cao TP.HCM chỉ được giao đất vào cuối năm 2023 và phải điều chỉnh quy hoạch cục bộ với tỷ lệ 1/500, khiến việc triển khai không kịp. Do đó, Bộ Công Thương phải đăng ký kéo dài thời gian thực hiện kế hoạch vốn từ năm 2023 sang năm 2024, dẫn đến việc không thể tiếp nhận thêm kế hoạch vốn cho năm nay.

Ngoài vấn đề về thủ tục giao đất, các dự án tại TP.HCM cũng đang gặp vướng mắc trong công tác quy hoạch, đặc biệt là liên quan đến xây dựng ngầm và điều chỉnh quy hoạch tỷ lệ 1/2000 trong các dự án thoát nước. Nếu như trước đây, chỉ các công trình có từ 2 tầng hầm trở lên mới yêu cầu điều chỉnh quy hoạch phân khu 1/2000, sau đó mới điều chỉnh 1/500, thì hiện nay các dự án chỉ có 1 tầng hầm cũng phải thực hiện thủ tục này.

Ví dụ, hai dự án tại Khu Công nghệ cao TP.HCM là Trung tâm nghiên cứu điều trị đột quỵ S.I.S TP.HCM và Blue Ocean Park đang gặp phải vấn đề vì quy hoạch hiện hành chưa quy định về không gian xây dựng ngầm. Do đó, Ban quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM đã kiến nghị Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM tham mưu Ủy ban nhân dân TP.HCM phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch, bổ sung các quy định về không gian ngầm vào đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000.

Để tháo gỡ vướng mắc này, Ban quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM cũng đề nghị các cơ quan chức năng xử lý các tồn tại liên quan đến quản lý đất đai. Việc này sẽ giúp các dự án có thể triển khai đúng tiến độ, đặc biệt là các dự án yêu cầu xây dựng tầng hầm để tăng hiệu quả sử dụng đất.

Đến nay, trong 9 tháng đầu năm 2024, Khu Công nghệ cao TP.HCM đã cấp 5 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trong đó có 4 dự án từ nhà đầu tư nước ngoài với tổng vốn gần 2 triệu USD và 1 dự án trong nước trị giá hơn 573 tỷ đồng. Các dự án này mặc dù có quy mô đầu tư nhỏ nhưng đều thuộc lĩnh vực ưu tiên thu hút, có hàm lượng công nghệ cao và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bà Trần Thị Ngọc Chung, Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư Ban quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM, cho biết trong năm 2024, dự kiến sẽ có 7 dự án khởi công, trong đó đa số các dự án đã hoàn tất thủ tục quy hoạch, báo cáo nghiên cứu khả thi, phòng cháy chữa cháy và bảo vệ môi trường. Còn đối với 12 dự án dự kiến khởi công vào năm 2025, hiện các thủ tục quy hoạch tổng mặt bằng đang được tiến hành, nhưng còn phải chờ điều chỉnh quy hoạch.

Báo cáo của Bộ Công Thương cũng đưa ra dự báo, đến hết tháng 12/2024 sẽ giải ngân khoảng 259,76 tỷ đồng, đạt 54,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao cho năm 2024.