21:49 19/02/2019

"Bố già" làng mốt Karl Lagerfeld: câu chuyện về một huyền thoại

Minh Nguyệt

Theo tạp chí uy tín Mirror, NTK Karl Lagerfeld – Giám đốc sáng tạo của Chanel vừa qua đời tại Paris, thọ 85 tuổi.


Nhiều nguồn tin cho biết, huyền thoại của làng thời trang, người đàn ông quyền lực từng gắn bó với các thương hiệu đình đám như Fendi và Chanel… đã ra đi sau một tuần ốm nặng. Trước đó, ông vắng mặt trong cả hai show diễn Haute Couture của Chanel tại Paris ngày 22/1. Tạp chí Closer của Pháp cũng công bố chính xác ngày mất của Karl Lagerfeld là 19/2 - tức hôm nay.Karl Lagerfeld được cho là đã làm việc liên tục trước khi mất. Ông trực tiếp chỉ đạo êkíp sản xuất bộ sưu tập ứng dụng Thu 2019 của Fendi. Điều này đúng với tiêu chí ông từng chia sẻ với truyền thông trước đây: "Tôi ghét sự rảnh rỗi, ngoại trừ khi cần đọc sách. Tôi là người sinh ra để làm việc". Lần gần nhất ông xuất hiện trước công chúng là vào tháng 11 năm ngoái ở đại lộ Champs-Elysées để thực hiện nghi thức bật các ngọn đèn Giáng sinh.Karl Lagerfeld được thừa nhận là một trong những nhà thiết kế thời trang có sức ảnh hưởng lớn nhất của thế kỉ 20. Ông gắn bó lâu dài với ba thương hiệu thời trang lớn: Chloe, Fendi và Chanel. Trong ngành thời trang, Karl Lagerfeld đóng một vai trò quan trọng trong việc đào tạo và dẫn dắt những nhà thiết kế hàng đầu thế giới. Ông luôn xuất hiện ở cuối các chương trình thời trang với vẻ lạnh lùng, trên người chỉ có hai màu đen và trắng: mái tóc trắng dài cột gọn - kính mát đen, áo sơ mi trắng - comple đen…
Bố già làng mốt Karl Lagerfeld: câu chuyện về một huyền thoại - Ảnh 1.
Trước sự ra đi của "bố già" làng mốt, chúng ta cùng điểm lại câu chuyện cuộc đời cũng như việc Karl đã làm gì để cứu sống nhãn hàng Chanel trước bờ vực phá sản và giúp nó trở thành đối thủ đáng gờm của Louis Vuitton và đế chế Versace.Xuất thân từ một gia đình giàu có, Karl Lagerfeld từ nhỏ đã thích thời trang và mê đọc các sách về lịch sử. Những lúc rảnh rỗi, ông thường vẽ các mẫu quần áo theo trí tưởng tượng của mình. Lagerfeld có thể nói lưu loát được nhiều ngôn ngữ: Anh, Pháp, Ý và bản ngữ - tiếng Đức. Chính nhờ ưu điểm này mà ông hợp tác được với rất nhiều công ty thời trang ở nhiều quốc gia khác nhau.Năm 1953, ông cùng mẹ đến định cư ở Paris để theo học ngành thiết kế thời trang. Khởi đầu sự nghiệp của mình, Lagerfeld làm việc cho Pierre Balmain - một nhãn hiệu thời trang cao cấp ở Pháp (từ 1954 đến 1957) sau khi giành chiến thắng trong cuộc thi thiết kế áo choàng len được tài trợ bởi Hiệp hội len quốc tế. Trước khi trở thành Giám đốc sáng tạo của thương hiệu Chanel, Karl đã làm việc ở nhiều nhãn hàng khác nhau. Trong khoảng thời gian từ năm 1954 - 1973, ông làm việc cho Jean Patou (1958 - 1963), Chloe (1963-1978), Fendi (bắt đầu từ 1965)...Năm 1971, làng thời trang nói chung và thương hiệu Chanel nói riêng chịu mất mát lớn, huyền thoại Coco Chanel qua đời. Sự ra đi của biểu tượng thời trang nước Pháp khiến thương hiệu Chanel đứng trước bờ vực phá sản. Lần đầu tiên, thương hiệu này đối mặt vô vàn khó khăn trước sự vươn dậy mạnh mẽ của các đối thủ như Louis Vuitton, Burberry, Versace... Đến nỗi, báo chí phương Tây giai đoạn này cho rằng dấu chấm hết của đế chế Chanel đang đến gần.
Bố già làng mốt Karl Lagerfeld: câu chuyện về một huyền thoại - Ảnh 2.
Nhưng, Karl đã đồng ý nhận lời trở thành giám đốc sáng tạo và thiết kế chính cho các thiết kế Haute Couture của Chanel vào năm 1983. Là một người thẳng thắn và có phần lập dị, ông đã mạnh tay đánh bay nét mộng mơ, lãng mạn của Coco Chanel, thay vào đó là những thiết kế mang hơi thở đương đại phù hợp với xu thế, đặc biệt là rất nhiều sáng tạo chỉ từ hai gam màu trắng - đen. Từ một thương hiệu đứng trước bờ vực phá sản, Chanel vươn lên trở thành đối thủ đáng gờm của LV, Versace và tất cả các thương hiệu thời trang xa xỉ khác.Không chỉ lôi kéo khách hàng đến với Chanel bằng các thiết kế, Karl còn tỏ ra mình là bậc thầy của nghệ thuật trình diễn catwalk. Mỗi một sân khấu cho show diễn của ông là một thông điệp và đem đến sự kinh ngạc về ý tưởng. Chẳng hạn, trong show diễn Xuân Hè 2013, Karl mang thông điệp về nguồn năng lượng tái sinh lên sân khấu bằng cách đặt hàng chục chiếc điện gió. Mùa mốt Thu Đông 2014, ông biến sân khấu Chanel thành một siêu thị thu nhỏ, các người mẫu vừa catwalk, vừa... shopping. Gần đây, khi trình diễn BST Xuân Hè 2018, Karl đã tái dựng thác nước hùng vĩ trong bảo tàng Grand Palais để nói về tầm quan trọng của thiên nhiên…
Bố già làng mốt Karl Lagerfeld: câu chuyện về một huyền thoại - Ảnh 3.

Khi sàn runway trở thành siêu thị...

Bố già làng mốt Karl Lagerfeld: câu chuyện về một huyền thoại - Ảnh 4.

... và gần nhất, Karl đã biến sân khấu trình diễn BST Xuân - Hè 2019 của Chanel thành một bãi biển thực thụ với những con sóng nhân tạo ngay trong nhà, với các cô người mẫu chân trần...

Mặc dù tiếp tục thiết kế cho Chanel, nhưng Lagerfeld cũng thiết lập công ty kinh doanh riêng của mình vào năm 1984. Ông làm việc cho Chloe năm 1992 và kết thúc năm 1997 khi con gái của cựu thành viên ban nhạc The Beatles, Stella Mc Cartney tiếp quản công việc kinh doanh của Chloe. Thời gian sau đó, Karl Lagerfeld làm việc cho 3 công ty: công ty thời trang riêng Karl Lagerfeld, Chanel và thiết kế đồ lông cho Fendi.Ngoài việc thiết kế, Lagerfeld còn là một nhiếp ảnh gia. Ông tự chụp tất cả các hình quảng cáo thời trang cho Chanel và Lagerfeld, cũng như thường xuyên tổ chức các buổi trưng bày ảnh nghệ thuật theo yêu cầu của người hâm mộ.Karl Lagerfeld có hai căn nhà gần nhau. Một căn nhà được ông sử dụng để ngủ và vẽ trong khi ngôi nhà còn lại thì để gặp gỡ và dùng bữa với bạn bè. Studio và văn phòng của Karl Lagerfeld cũng nằm ngay cạnh nơi ông sinh sống. "Vì tôi thường xuất hiện trong hai gam màu cơ bản là đen và trắng, nên người ta nghĩ hình như lúc nào tôi cũng chỉ mặc một bộ nhưng thực chất không phải vậy. Tủ quần áo của tôi nhiều đồ tới nỗi tôi chỉ chọn được những thứ nằm trên cùng mà mình nhìn thấy được. Và chúng đều nằm trong những bộ sưu tập mới nhất," Karl nói.
Bố già làng mốt Karl Lagerfeld: câu chuyện về một huyền thoại - Ảnh 5.
Điều làm cho thế giới kinh ngạc chính là: điều gì đã giúp Karl gắn bó với ba thương hiệu với 3 phong cách khác nhau một thời gian dài như vậy và thương hiệu nào cũng thành công? Một Chanel sang trọng, thanh lịch nhưng ẩn sau đó là nét nổi loạn, một Fendi biểu tượng thời trang xa hoa của Italy và thương hiệu cá nhân Karl Lagerfeld, nơi giúp ông thể hiện rõ nhất cá tính thời trang trẻ trung, phá cách nhưng không quá cầu kỳ."Khi thiết kế cho Fendi, tôi là một người hoàn toàn khác với con người khi làm cho Chanel hay Karl Lagerfeld. Dường như có 3 con người cùng tồn tại trong tôi, có thể tôi không có một tính cách riêng nào cả, cũng có thể tôi có nhiều hơn một", ông trùm thời trang chia sẻ.