Bộ Giao thông vận tải ủng hộ tỉnh Bình Định đầu tư nâng cấp sân bay Phù Cát theo phương thức PPP
Bộ Giao thông vận tải ủng hộ kiến nghị của UBND tỉnh Bình Định về đề xuất nghiên cứu đầu tư, khai thác Cảng hàng không Phù Cát theo hình thức xã hội hóa; đồng thời, yêu cầu các đươn vị khẩn trương hoàn thiện báo cáo cuối kỳ để xin ý kiến các cơ quan liên quan...
Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Định về việc lập quy hoạch Cảng hàng không Phù Cát thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và phản hồi đề xuất lập đề án huy động nguồn vốn đầu tư, khai thác.
Theo Bộ Giao thông vận tải, trên cơ sở nhu cầu vận tải và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Giao thông vận tải giao Cục Hàng không Việt Nam tổ chức lập quy hoạch Cảng hàng không Phù Cát thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đến nay, hồ sơ quy hoạch đã hoàn thiện báo cáo giữa kỳ. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Cục Hàng không, tư vấn lập quy hoạch khẩn trương hoàn thiện báo cáo cuối kỳ quy hoạch Cảng hàng không Phù Cát để gửi hồ sơ xin ý kiến các cơ quan liên quan, làm cơ sở thẩm định, phê duyệt theo quy định.
Trong quá trình hoàn thiện hồ sơ quy hoạch Cảng hàng không Phù Cát, Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo các cơ quan liên quan tích cực phối hợp, hỗ trợ Cục Hàng không Việt Nam, tư vấn; đồng thời cung cấp thêm thông tin về định hướng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và các quy hoạch có liên quan để bảo đảm chất lượng hồ sơ quy hoạch.
Liên quan đến đề án huy động nguồn vốn xã hội đầu tư, khai thác các cảng hàng không, cuối tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1121/QĐ-TTg ngày 22/9/2022 thành lập tổ công tác nghiên cứu, đánh giá tổng thể khả năng khai thác hàng không dân dụng tại sân bay quân sự Thành Sơn (tỉnh Ninh Thuận) và sân bay quân sự Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) (Tổ công tác 1121). Đồng thời, tổ công tác cũng nghiên cứu đề án xã hội hóa đầu tư theo phương thức đối tác công tư khai thác các cảng hàng không Nà Sản (tỉnh Sơn La), Vinh (tỉnh Nghệ An), Chu Lai (tỉnh Quảng Nam), Cần Thơ (thành phố Cần Thơ) và một số cảng hàng không khác khi có nhu cầu.
Theo đó, UBND các tỉnh, thành phố được giao nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng đề án xã hội hóa, đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP) khai thác các cảng hàng không thuộc địa phận của địa phương, báo cáo tổ công tác.
Để hỗ trợ các địa phương, Bộ Giao thông vận tải giao các đơn vị chủ động xây dựng đề cương các nội dung chính, làm cơ sở triển khai lập đề án và gửi tới UBND các tỉnh, thành phố để chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu, xây dựng đề án.
Đối với nội dung đề xuất nghiên cứu đầu tư, khai thác Cảng hàng không Phù Cát theo hình thức xã hội hóa, phục vụ nhu cầu vận tải và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương là hoàn toàn chính đáng, Bộ Giao thông vận tải ủng hộ kiến nghị của UBND tỉnh Bình Định.
Theo đó, để có cơ sở báo cáo cấp có thẩm quyền, đồng thời phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ của Tổ công tác 1121, Bộ Giao thông vận tải gửi tới UBND tỉnh Bình Định đề cương đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác cảng hàng không.
Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu, xây dựng đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác đối với toàn bộ Cảng hàng không Phù Cát theo định hướng quy hoạch.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, UBND tỉnh Bình Định báo cáo tổ công tác tổng hợp, làm cơ sở báo cáo Thủ tướng xem xét, giao UBND tỉnh Bình Định là cơ quan có thẩm quyền tổ chức kêu gọi đầu tư theo quy định.
Trước đó, UBND tỉnh Bình Định có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương khảo sát, lập quy hoạch thiết kế mở rộng cảng hàng không Phù Cát đạt cấp 4E hướng đến mục tiêu phát triển thành cảng hàng không quốc tế.
Giai đoạn trước mắt, UBND tỉnh Bình Định đề nghị đầu tư xây dựng mở rộng sân đỗ, từ 7 chỗ đậu hiện nay lên 14 chỗ đậu; với 11 chỗ đậu máy bay Code C và 3 chỗ đậu máy bay Code E.
UBND tỉnh Bình Định cũng kiến nghị xây dựng mới nhà ga theo phương thức PPP và đầu tư xây dựng thêm 1 đường băng mới (đường băng thứ 2) đạt cấp 4E từ nguồn ngân sách nhà nước nhằm phục vụ nhu cầu cho dân sự và quân sự.
Với quy mô hiện tại, Cảng hàng không Phù Cát bị quá tải, nhất là vào mùa cao điểm du lịch hè kéo dài và các dịp hội nghị, sự kiện, lễ, tết. Theo kết quả dự báo về tốc độ tăng trưởng các ngành công nghiệp, dịch vụ, thương mại du lịch của tỉnh Bình Định, đến năm 2025 sẽ đón khoảng 7,5 triệu hành khách và đến năm 2030 là 12 triệu hành khách.
Do đó, việc đầu tư nâng cấp hạ tầng Cảng hàng không Phù Cát để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân là rất cần thiết.