10:03 05/11/2022

Cảng hàng không quốc tế góp công "thổi" ngân sách huyện Vân Đồn tăng gấp 12 lần

Ánh Tuyết

Như "thỏi nam châm" hút nguồn lực đầu tư và kích hoạt tiềm lực kinh tế - xã hội, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là một trong những nhân tố đưa ngân sách huyện Vân Đồn tăng gấp 12 lần sau 8 năm. Tuy nhiên, còn hàng loạt vướng mắc khi nhà đầu tư ngỏ ý quan tâm cũng như gặp khó khi triển khai, vận hành các cảng...

Hiện nguồn vốn đầu tư từ ACV và ngân sách nhà nước trung ương chỉ đáp ứng khoảng 70% nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không đến năm 2030, như vậy, cần huy động thêm gần 130.000 tỷ đồng vốn tư nhân.
Hiện nguồn vốn đầu tư từ ACV và ngân sách nhà nước trung ương chỉ đáp ứng khoảng 70% nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không đến năm 2030, như vậy, cần huy động thêm gần 130.000 tỷ đồng vốn tư nhân.

Ngày 4/11, tại Hạ Long, Quảng Ninh, Bộ Giao thông vận tải tổ chức toạ đàm “Huy động nguồn vốn xã hội đầu tư cảng hàng không, những bài học kinh nghiệm”, để các địa phương chia sẻ kinh nghiệm đầu tư, khai thác cảng hàng không theo phương thức PPP; đồng thời, trao đổi về những khó khăn, vướng mắc và định hướng giải pháp thu hút nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không trong thời gian tới.

CẦN HUY ĐỘNG 130.000 TỶ ĐỒNG VỐN TƯ NHÂN

Thông tin từ Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế (IATA), cho thấy thị trường hàng không Việt Nam được đánh giá phát triển nhanh thứ 5 thế giới và nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Hồi sinh sau dịch, IATA cũng đánh giá thị trường hàng không nội địa có tốc độ phục hồi nhanh nhất thế giới, đứng đầu trong danh sách 25 quốc gia khảo sát như Mexico, Brazil, Nga, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Australia…

Tuy nhiên, việc tăng trưởng vận tải hàng không với tốc độ cao và đang tạo áp lực lớn lên kết cấu hạ tầng hàng không. Thời gian vừa qua, rất nhiều địa phương mong muốn và đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) ưu tiên dành nguồn vốn đầu tư phát triển các cảng hàng không tại các địa phương để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương.

Cũng theo báo cáo của ACV và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nguồn thu và lợi nhuận dự kiến giai đoạn 2020-2025 của ACV giảm sút nghiêm trọng. Do đó, ACV không cân đối đủ nguồn lực đầu tư phát triển toàn bộ 21 cảng hàng không do ACV đang quản lý, khai thác.

Trong giai đoạn tới đây, đến năm 2025, ACV sẽ tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 và các cảng hàng không như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Phú Bài, Điện Biên, Cát Bi, Côn Đảo...

Như vậy, trong bối cảnh nguồn lực ACV, ngân sách nhà nước còn hạn chế, việc huy động nguồn vốn xã hội để đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không là rất cần thiết.

Chia sẻ cụ thể hơn về những khó khăn huy động nguồn vốn đầu tư, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ Giao thông vận tải), nhìn nhận: "Hiện nay ACV quản lý phần lớn cảng hàng không, như vậy, về lâu dài sẽ dẫn tới áp lực lên nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, hạn chế khả năng huy động nguồn vốn xã hội, chưa phát huy được tính chủ động, nguồn lực của các địa phương và khả năng quản trị của nhà đầu tư".

Đối với các cảng hàng không mới, phương án tài chính khi đầu tư theo phương thức PPP thường khó hấp dẫn nhà đầu tư do thời gian hoàn vốn kéo dài, trung bình từ 40-50 năm, cần sự hỗ trợ rất lớn của Nhà nước.

Đối với các cảng hàng không do ACV đang khai thác, có một số khó khăn vướng mắc khi thực hiện huy động vốn đầu tư như: đầu tư công trình trên đất và tài sản do quốc phòng quản lý; xử lý tài sản của ACV, tài sản do quân sự quản lý.

 
Cảng hàng không quốc tế góp công "thổi" ngân sách huyện Vân Đồn tăng gấp 12 lần - Ảnh 1

"Về nhu cầu vốn đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không giai đoạn 2021-2030, theo dự thảo quy hoạch cần tới 403.106 tỷ đồng (trừ các công trình do Tổng công ty quản lý bay Việt Nam - VATM đầu tư). Theo kế hoạch, ACV cân đối được khoảng 265.150 tỷ đồng; Bộ Giao thông vận tải cân đối được 9.841 tỷ đồng.

Do đó, cần huy động thêm khoảng 128.115 tỷ đồng", ông Dũng khẳng định.

Hay khó khăn trong lựa chọn hình thức đầu tư: (i) hình thức chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác kết cấu hạ tầng gắn với đầu tư, phát triển hay (ii) hình thức sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng tham gia dự án PPP.

Để nghiên cứu đề án xã hội hoá hạ tầng cảng hàng không và thu hút nguồn vốn tư nhân tham gia, ngày 22/9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ban hành Quyết định số 1121/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác nghiên cứu, đánh giá tổng thể khả năng khai thác hàng không dân dụng tại sân bay quân sự Thành Sơn (tỉnh Ninh Thuận) và sân bay quân sự Biên Hoà (Đồng Nai); đồng thời, nghiên cứu Đề án xã hội hoá đầu tư theo phương thức đối tác công tư với các cảng hàng không Nà Sản (Sơn La), Vinh (Nghệ An), Chu Lai (Quảng Nam), Cần Thơ (TP. Cần Thơ) và một số cảng hàng không khác khi có nhu cầu.

Triển khai Quyết định số 1121/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Tổ công tác 1121, phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn, cho biết Bộ Giao thông vận tải đã gửi đề cương “Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác cảng hàng không” tới Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố để tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện Đề án theo nhiệm vụ được giao, làm cơ sở triển khai thu hút nguồn lực đầu tư các cảng hàng không.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn phát biểu tại tọa đàm.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn phát biểu tại tọa đàm.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, trong các lĩnh vực giao thông vận tải, hàng không là lĩnh vực kinh tế vận tải áp dụng kỹ thuật công nghệ cao, hiện đại, với hoạt động mang tính quốc tế cao, gắn liền với an toàn và an ninh, buộc phải hoạt động đồng bộ theo quy trình chặt chẽ.

Hơn nữa, "việc hình thành và phát triển hệ thống cảng hàng không của Việt Nam gắn liền với hoạt động quân sự, do đó, việc quản lý đất đai, quản lý tài sản và mô hình vận hành, khai thác tương đối phức tạp", Thứ trưởng chia sẻ khó khăn.

BA VƯỚNG MẮC CHÍNH GÂY KHÓ CHO NHÀ ĐẦU TƯ

Là địa phương đi đầu trong việc huy động xã hội hoá đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, Quảng Ninh được đánh giá là địa phương có sự chủ động, năng động, sáng tạo cùng tư duy đột phá từ BOT hạ tầng. Các dự án BOT giao thông tại Quảng Ninh không chỉ thay đổi bộ mặt kinh tế của tỉnh, thu hút mạnh các nhà đầu tư, khách du lịch mà còn mang lại lợi ích đa chiều cho chính người dân địa phương. 

Đặc biệt, việc triển khai thành công dự án Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn - sân bay tư nhân đầu tiên của Việt Nam, đã trở thành một trong những động lực thu hút nguồn vốn đầu tư vào huyện Vân Đồn, với các dự án lớn.

Đại diện nhà đầu tư & doanh nghiệp cảng hàng không, ông Phạm Ngọc Sáu, Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, hào hứng chia sẻ về sự thay đổi diện mạo của huyện Vân Đồn sau khi cảng đi vào khai thác cuối năm 2018.

 
Ngân sách huyện Vân Đồn ước đạt 1.624 tỷ cuối năm 2022, gấp 12,5 lần năm 2015.
Ngân sách huyện Vân Đồn ước đạt 1.624 tỷ cuối năm 2022, gấp 12,5 lần năm 2015.

Đáng kể, theo dẫn chứng của Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, ngân sách huyện Vân Đồn năm 2015 chỉ là 130 tỷ đồng. Từ năm 20220, ngân sách huyện vượt 1.000 tỷ mỗi năm. Từ năm 2022, huyện Vân Đồn là địa phương thứ 6/13 địa phương của tỉnh tự cân đối ngân sách.

"Việc triển khai thành công dự án Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn không chỉ đánh dấu sự góp mặt hiệu quả của kinh tế tư nhân trong hoạt động đầu tư hạ tầng giao thông mà còn là động lực mạnh mẽ, để huyện Vân Đồn thu hút, huy động nguồn lực đầu tư lớn khác, thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của Quảng Ninh", ông Sáu khẳng định.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, vẫn còn vô vàn khó khăn khi nhà đầu tư ngỏ ý quan tâm cũng như trong quá trình triển khai, vận hành cảng.

Thứ nhất, về quy định pháp luật.

Các quy định về pháp luật chưa thực sự quan tâm, đề cập đến đối tượng là tư nhân tham gia vào hoạt động hàng không. Vì vậy, khi triển khai, gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện pháp lý. Chẳng hạn như vướng mắc về cơ chế giao đất cho nhà đầu tư cảng hàng không, bàn giao tài sản, nhượng quyền khai thác…

Thực tế, rất khó để triển khai đầu tư, xây dựng bổ sung các dịch vụ tại sân bay như xây dựng hangar (khu bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay), nhà ga hàng hóa…

"Hay chưa có cơ chế, chính sách thu hút nhà đầu tư thực hiện xã hội hóa cảng hàng không, sân bay", ông Sáu nêu rõ.

Thứ hai, về công tác vận hành, sân bay tư nhân sẽ không có hệ thống hỗ trợ chung như của ACV nên sẽ gặp khó khăn khi có đột biến về sản lượng, chẳng hạn khi nhu cầu về phương tiện và con người khi sản lượng thay đổi đột ngột. Hay cảng bắt buộc phải thuê lực lượng an ninh của bên thứ 3.   

Thứ ba, tính chủ động của nhà đầu tư. Ông Sáu cho rằng hiện chưa có cơ chế chủ động trong việc triển khai các hoạt động tại cảng hàng không như tổ chức các sự kiện để thúc đẩy đường bay, quảng bá hàng không. 

"Thực tế, một số địa phương chưa có sân bay trong quy hoạch thì muốn có sân bay; có nhà đầu tư cam kết tham gia thì không được thực hiện và một số địa phương có trong quy hoạch nhưng không có nhà đầu tư tham gia xã hội hóa cảng hàng không, sân bay”, Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn nêu rõ vướng mắc.