09:27 18/03/2022

Bộ Ngoại giao gửi công hàm sang Italia đề nghị điều tra vụ lừa đảo 100 container điều

Vũ Phong

Bộ Ngoại giao đã gửi công hàm tới các cơ quan chức năng của Italia đề nghị nhanh chóng điều tra, làm rõ vụ việc, triển khai các biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ quyền và lợi ích cho các doanh nghiệp Việt Nam...

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng vừa thông tin về vụ việc 100 container hạt điều Việt Nam xuất khẩu sang Italia có nguy cơ bị lừa, cũng như các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam.

Cụ thể, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, ngày 14/ 3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương phối hợp với Hiệp hội Điều Việt Nam và các cơ quan đơn vị liên quan kiểm tra, làm rõ nguyên nhân để có các biện pháp xử lý, hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Về phía Bộ Ngoại giao, ngay sau khi nhận được thông tin từ Hiệp hội Điều Việt Nam, Bộ đã chỉ đạo Đại sứ quan Việt Nam tại Italia liên hệ với các chủ tàu, cử cán bộ trực tiếp đến các thành phố Genova, Napoli để xác minh thông tin, gửi công hàm đến Bộ Ngoại giao, Bộ Phát triển kinh tế, Cảnh sát Tài chính và các cơ quan chức năng của Italia, đề nghị nhanh chóng điều tra làm rõ vụ việc, triển khai các biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Đại sứ quán Việt Nam và Thương vụ Việt Nam tại Italia đã trao đổi với các doanh nghiệp Việt Nam và Hiệp hội Điều Việt Nam, hướng dẫn cách giải quyết cụ thể; đề nghị các đơn vị  liên quan liên hệ với Tòa án Kinh tế quốc tế, Trung tâm Trọng tài thương mại quốc tế tại Việt Nam, yêu cầu can thiệp, có ý kiến với các hãng tàu dừng giao hàng cho người mua trong nhóm nghi vấn lừa đảo, nhằm giảm tối đa tổn thất cho doanh nghiệp Việt Nam.

Đồng thời, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan kiểm tra, làm rõ nguyên nhân, tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước trong việc giải quyết vụ việc này, cũng như đảm bảo an toàn tối đa cho các thương vụ giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Italia trong thời gian tới.

Trước đó, như VnEconomy đã đưa tin, một số doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nhân điều Việt Nam ký hợp đồng với một số khách hàng nhập khẩu điều Italia thông qua Công ty môi giới Kim Hạnh Việt. Toàn bộ lô hàng trên được đóng vào 100 container, điểm đến là Cảng Genoa, Cảng LA Spezia do các hãng tàu quốc tế là Cosco, YANGMING, HMM, ONE vận chuyển.

Thương vụ được giao dịch theo phương tức D/P, tức người bán và người mua sử dụng ngân hàng như một đơn vị trung gian, đảm bảo. Sau khi giao hàng, người bán gửi bộ chứng từ đến ngân hàng người mua. Ngân hàng chỉ giao chứng từ cho người mua sau khi người mua đã thanh toán tiền hàng.

Tuy nhiên, khi hàng đã đến Italia nhưng đến thời điểm này các doanh nghiệp đều gặp tình trạng chung về việc liên tục bị thay đổi số SWIFT - mã số định danh nhận diện ngân hàng.

Cụ thể, các ngân hàng Việt Nam đã liên lạc với ngân hàng A bên Italia (đầu mối ngân hàng bên phía mua hàng) trả lời là đã ủy quyền cho ngân hàng B ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Tại ngân hàng của Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi ngân hàng nhận được bộ chứng từ thì thông báo người mua không phải khách hàng của họ và phía ngân hàng đã trả lại những bộ chứng từ nhưng không ghi rõ trả theo hình thức nào, không cung cấp số vận đơn cho ngân hàng Việt Nam.

Hồ sơ gửi đến ngân hàng tại Italia, phía ngân hàng sở tại thông báo là các bản copy, không phải bản gốc. Doanh nghiệp Việt Nam cũng không biết bộ chứng từ gốc đang ở đâu. Trong khi đó, bất cứ ai có bộ chứng từ gốc đều có thể đến gặp hãng vận chuyển để nhận hàng.

Theo cập nhật của Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), do phát hiện sớm nên các doanh nghiệp và ngân hàng Việt Nam chỉ mất kiểm soát đối với 36 container, trị giá 7,02 triệu USD, tương đương 163 tỷ đồng.