13:34 11/11/2017

Bộ trưởng Kinh tế Nhật lý giải “phiên bản mới” của TPP 11

Đặng Hương

"Chúng tôi đã thảo luận rất nhiều về tên gọi. Về mặt bản chất, đây vẫn là hiệp định có tiêu chuẩn cao"

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Tái thiết kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi tại buổi họp báo sáng 11/11 tại Đà Nẵng - Ảnh: Zing.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Tái thiết kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi tại buổi họp báo sáng 11/11 tại Đà Nẵng - Ảnh: Zing.

Với việc giữ những vấn đề cốt lõi của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và tạm hoãn một số nghĩa vụ của một số thành viên, bộ trưởng 11 nước thành viên đã thống nhất tên gọi mới của TPP là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

"CPTPP là hiệp định có tiêu chuẩn cao, có sự cân bằng tổng thể và bảo đảm tính toàn vẹn của TPP nhưng có tính tới trình độ phát triển của các nước thành viên", Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định tại buổi họp báo thông báo kết quả các cuộc họp cấp bộ trưởng các nước tham gia TPP ngày 11/11 tại Đà Nẵng. 

"Việc thống nhất về CPTPP đã cho thấy quyết tâm của các quốc gia thành viên trong việc nỗ lực quyết tâm theo đuổi một hiệp định có chất lượng cao, thúc đẩy kết nối thương mại, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của khu vực, tạo ra cơ hội mới cho người dân và doanh nghiệp", ông Trần Tuấn Anh nói.

Ông cũng cho biết, các bộ trưởng cũng nhất trí danh mục gồm 4 vấn đề cụ thể mà các nước đã đạt được tiến bộ quan trọng nhưng cần sự đồng thuận trước khi ký kết. 

Đó là các vấn đề liên quan tới doanh nghiệp nhà nước, các biện pháp không tương thích về dịch vụ, đầu tư; giải quyết tranh chấp; và ngoại lệ về văn hoá.

Trả lời câu hỏi tại buổi họp báo liên quan đến việc thay đổi tên gọi của hiệp định, đồng chủ trì buổi họp báo, Bộ trưởng Bộ Tái thiết kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho biết, lý do đưa ra tên gọi mới và lĩnh vực thay đổi vì TPP 12 đã chuyển thành TPP 11, do đó, tên cũng phải khác đi.

"Chúng tôi đã thảo luận rất nhiều về tên gọi. Về mặt bản chất, đây vẫn là hiệp định có tiêu chuẩn cao, tiến bộ hơn so với các hiệp định đã ký kết, nên nó là toàn diện", ông Motegi nói.

Trước những diễn biến mới của quá trình đàm phán TPP, một trong những nội dung quan trong thu hút được sự chú ý của dư luận trong suốt thời gian diễn ra Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Anh Dương, Phó ban Chính sách vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, việc CPTPP vẫn giữ được tinh thần của TPP so với nguyên bản, đã cho thấy những nhận thức và đồng thuận chung của các quốc gia thành viên.

Theo ông Dương, trong bối cảnh mới, quan điểm chính sách ở không ít quốc gia vẫn ủng hộ thúc đẩy thương mại và đầu tư, song trên cơ sở thoả thuận song phương, chứ không phải là các hiệp định đa phương.

Nên ở đây, việc hiện thực hoá CPTPP vẫn là một minh chứng cho giá trị dài hạn của khung khổ hội nhập kinh tế đa phương.

"Cùng với Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), CPTPP có thể được xem là bước đi trung gian để hướng tới một sân chơi rộng lớn hơn, cởi mở hơn cho khu vực. Đó là sự chuẩn bị cho sự ra đời của Khu vực Thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP)", ông Dương nhìn nhận.