Bộ trưởng Trần Hồng Minh yêu cầu Cục Đường bộ tăng cường kiểm tra, giám sát khi phân cấp quản lý quốc lộ
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam phải tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm chất lượng bảo trì đường bộ sau khi phân cấp quản lý quốc lộ từ ngày 1/1/2025...
Ngày 27/12, Cục Đường bộ Việt Nam tổ chức hội nghị tổng kết nhiệm vụ năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, cho biết trong xây dựng Chính phủ điện tử, đã hoàn thành kết nối, đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đối với 96,4% giấy phép lái xe. Đồng thời thực hiện tiếp nhận, xử lý hồ sơ trực tuyến toàn trình đổi giấy phép lái xe do ngành Giao thông vận tải cấp trên hệ thống Dịch vụ công quốc gia.
Đối với bảo trì đường bộ, năm 2024, Cục Đường bộ được giao 12.100 tỷ đồng. Ngay từ đầu năm, Cục đã tập trung đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đảm bảo giải ngân cả năm đạt trên 95% kế hoạch vốn được giao.
Sự đổi mới quan trọng trong năm 2024 là Cục Đường bộ Việt Nam không làm chủ đầu tư dự án bảo trì mà nhiệm vụ này được giao cho các Khu Quản lý đường bộ; Gần 50% số danh mục công trình, từ 678 danh mục ghép thành 389 danh mục.
Năm 2024, Cục cũng đổi mới mạnh mẽ, triệt để công tác quản lý các dự án sửa chữa định kỳ đường bộ, không làm chủ đầu tư các dự án đường bộ để tập trung công tác quản lý Nhà nước và thực hiện quyền hạn, trách nhiệm của người quyết định đầu tư.
Đến nay, các dự án sửa chữa đã cơ bản hoàn thành phê duyệt và tổng hợp trình Bộ Giao thông vận tải xem xét kế hoạch bảo trì năm 2025 với kinh phí là 12.872 tỷ đồng.
Quán triệt thực hiện chủ trương phân cấp triệt để cho địa phương với tinh thần "Địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", Cục Đường bộ Việt Nam đã triển khai công tác chuẩn bị để đảm bảo việc thực hiện phân cấp quản lý quốc lộ ngay sau khi Nghị định thi hành Luật Đường bộ có hiệu lực.
Dự kiến, sau khi phân cấp, Bộ Giao thông vận tải sẽ chỉ trực tiếp quản lý khoảng 3.650km quốc lộ và đường cao tốc, chiếm khoảng 16% tổng số chiều dài quốc lộ. Song song đó, phân cấp cho UBND cấp tỉnh quản lý khoảng 19.000km, chiếm khoảng 84% tổng số chiều dài quốc lộ.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh nhấn mạnh vai trò “xương sống” của lĩnh vực đường bộ đối với ngành Giao thông vận tải. Mặc dù trong năm qua còn nhiều khó khăn nhưng ngành giao thông vận tải đã nỗ lực phấn đấu, hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao, trong đó nổi bật là hoàn thiện thể chế chính sách.
Tư lệnh ngành Giao thông vận tải yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục rà soát cập nhật hệ thống các tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm về đường cao tốc, sửa chữa, nâng cấp hệ thống cầu, đảm bảo vận hành an toàn công trình. Đặc biệt phải quyết liệt triển khai phân cấp quản lý quốc lộ từ ngày 1/1/2025 và triển khai, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các đơn vị tiếp nhận, đảm bảo thống nhất với các quy định hiện hành.
Trong phân bổ ngân sách quản lý, bảo trì đường bộ, người đứng đầu ngành giao thông vận tải yêu cầu Cục Đường bộ phải tập trung cho các địa phương khó khăn, nhất là các địa phương vùng miền núi. Các dự án bảo trì cần đảm bảo có quy mô lớn, không sửa chữa manh mún, nhỏ lẻ. Sau khi phân cấp phải tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo chất lượng bảo trì đường bộ
Bên cạnh đó, Cục Đường bộ cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ để nâng cao chất lượng công tác bảo trì hệ thống quốc lộ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính, xây dựng chính phủ điện tử, chuyển đổi số để nâng cao năng lực thực thi công vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Chú trọng đổi mới hoạt động vận tải, bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Về tổ chức bộ máy, Bộ trưởng Trần Hồng Minh yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.