11:01 12/07/2024

Boeing giao hàng kỷ lục nhưng khủng hoảng vẫn tiếp tục

Tường Bách

Boeing đã bước vào năm 2024 với sự lạc quan cao độ vì đạt doanh số kỷ lục trong tháng 12/2023. Thế nhưng tất cả đã nổ tung theo cánh cửa của chiếc máy bay 737 Max của hãng hàng không Alaska Air ngày 5/1…

Ảnh: CNBC
Ảnh: CNBC

Chưa bao giờ thế giới lại nhắc nhiều đến Boeing như năm nay nhưng lại toàn là thông tin liên quan đến sự cố và khủng hoảng. Kể từ tháng 1 năm nay, hãng này đã trượt dài sau khi liên tục bị phanh phui các sai phạm trong khâu kiểm tra an toàn các máy bay. Tất cả những điều này đã khiến cổ phiếu của Boeing mất 29% giá trị trong năm nay.

Trong tháng 6, Boeing giao thành công 44 máy bay thương mại. Đây là con số cao nhất trong năm 2024, kể từ khi họ gặp phải khủng hoảng hồi tháng 1 năm nay. Trong số 44 máy bay này, có 35 chiếc thuộc dòng 737, tất cả đều là mẫu Max, ngoại trừ một chiếc P-8 quân sự; 5 chiếc máy bay chở hàng 777; 3 chiếc 737 Dreamliner và 1 chiếc 767 cho bộ phận quốc phòng để chuyển thành máy bay chở dầu trên không.

Số lượng giao hàng đạt mức kỷ lục là một tin tốt hiếm hoi đối với Boeing giữa hàng tá rắc rối hiện tại, thế nhưng họ vẫn còn một khoảng cách khá xa để đuổi kịp đối thủ Airbus. Trong tháng 6, nhà sản xuất máy bay đến từ châu Âu đã giao thành công 67 máy bay, gồm 53 chiếc mẫu A320neo thân hẹp (sản phẩm cạnh tranh trực tiếp với Max). Tính đến thời điểm hiện tại, Boeing đã giao 175 máy bay, ít hơn 323 chiếc của Airbus trong nửa đầu năm, theo Reuters.

Boeing ang phải đối mặt với nhiều cuộc điều tra và sự giám sát chặt chẽ của chính quyền sau sự cố máy bay của hãng hàng không Alaska Air hồi tháng 1.
Boeing ang phải đối mặt với nhiều cuộc điều tra và sự giám sát chặt chẽ của chính quyền sau sự cố máy bay của hãng hàng không Alaska Air hồi tháng 1.

Tính trên quy mô quý, trong quý 2 năm nay, Boeing giao được 92 máy bay thương mại, nhiều hơn so với 82 trong quý đầu. Boeing mong đợi lượng giao hàng trong nửa cuối năm sẽ khởi sắc hơn để xoa dịu vấn đề tài chính trong bối cảnh tình hình sản xuất bị chậm lại vì phải đào tạo lại nhân công và tăng cường kiểm tra các nhà cung cấp. Bên cạnh đó, họ đang phải đối mặt với nhiều cuộc điều tra và sự giám sát chặt chẽ của chính quyền sau sự cố máy bay của hãng hàng không Alaska Air hồi tháng 1, với lỗi đến từ phần linh kiện do nhà máy Boeing lắp ráp.

Những nhà lãnh đạo Boeing tin rằng số lượng các máy bay dòng 737 được giao sẽ tăng gần với mức trần 38 chiếc/tháng mà chính phủ Mỹ đang áp đặt cho Boeing sau sự cố của Alaska Air. Cục Hàng không Liên bang (FAA) hiện không cho phép Boeing sản xuất hơn 38 chiếc mỗi tháng, cho đến khi họ tin rằng Boeing đã áp dụng đầy đủ những biện pháp kiểm soát chất lượng và chuỗi cung ứng có thể theo kịp tốc độ này.

Mảng giao hàng đã ảm đạm, mảng doanh số bán máy bay mới cũng không khá hơn bao nhiêu. Trong tháng 6 vừa qua, Boeing chỉ bán được 3 chiếc máy bay phản lực 737 Max, trong đó có hai chiếc bán cho một khách hàng không rõ danh tính và một chiếc cho hãng hàng không Alaska Airlines để thay thế chiếc máy bay bị bung cửa trong chuyến bay ngày 5/1. 11 máy bay phản lực còn lại là mẫu 777 chuyên chở hàng.

Đây là một trong những tháng có doanh số bán hàng tốt nhất trong năm của Boeing, nhưng công ty vẫn kết thúc nửa đầu năm 2024 với tổng doanh thu giảm 70% so với cùng kỳ một năm trước. Doanh số đạt 14 máy bay của tháng 6 tuy tăng so với 4 máy bay hồi tháng 5 và 7 máy bay trong tháng 4, con số này đã giảm 95% so với tổng số 304 máy bay được bán ra vào tháng 6/2023.

Như vậy, trong 6 tháng đầu năm 2024, tháng 3 ghi nhận doanh số cao nhất cho Boeing, khi họ bán được 113 máy bay mới, phần lớn đến từ một đơn đặt hàng 85 máy bay của American Airlines. Tuy nhiên đơn đặt hàng này lại hướng đến một phiên bản dài hơn của 737 Max, loại mà FAA thậm chí chưa cấp phép chở khách. Đáng lẽ giấy phép được cấp vào đầu năm nay, thế nhưng một lần nữa vì sự cố Alaska Air, quy trình dự kiến kéo dài đến ít nhất là năm 2025.

Boeing chỉ bán được 03 chiếc máy bay chở khách trong tháng 6, còn lại là 11 máy bay phản lực mẫu 777 chuyên chở hàng.
Boeing chỉ bán được 03 chiếc máy bay chở khách trong tháng 6, còn lại là 11 máy bay phản lực mẫu 777 chuyên chở hàng.

Thực tế, ngay cả những hãng hàng không đang khát máy bay nhất giờ cũng chưa dám mua lại máy bay chở khách của Boeing. Đầu tuần này, Cục Hàng không Liên bang Mỹ đã phát đi cảnh báo rằng khoảng 2.600 chiếc máy bay Boeing 737 cần được kiểm tra do phát hiện một số mặt nạ dưỡng khí có thể không hoạt động do lỗi ở dây đai giữ. Các báo cáo chủ yếu liên quan các dòng máy bay 737 MAX và 737 NG, trong đó bộ phận cung cấp oxy của các mặt nạ bị phát hiện di chuyển khỏi vị trí ban đầu, có thể dẫn đến việc không có khả năng cung cấp bổ sung oxy cho hành khách trong trường hợp giảm áp suất.

Ngày 7/7 vừa qua, Boeing đã đạt thỏa thuận nhận tội với Bộ Tư pháp Mỹ để nộp phạt hình sự 243,6 triệu USD. Thỏa thuận trên đạt được sau khi Bộ Tư pháp Mỹ phát hiện công ty này đã vi phạm một thỏa thuận dàn xếp vào năm 2021 liên quan đến hai vụ tai nạn máy bay 737 MAX ở Indonesia và Ethiopia trong khoảng thời gian năm tháng vào năm 2018 và 2019, khiến ít nhất 346 người thiệt mạng. Lời nhận tội trên giúp Boeing tránh khỏi một phiên tòa có thể khiến các gian lận bị phơi bày trước công chúng nhiều hơn.

Thỏa thuận nói trên chỉ liên quan đến các hành vi của Boeing trước khi xảy ra các vụ tai nạn chết người nói trên, mà không bảo vệ nhà sản xuất máy bay này khỏi bất kỳ cuộc điều tra hoặc cáo buộc nào khác liên quan đến các sự cố từ tháng 1/2024 đến nay hay các hành vi khác. Tiếp theo, họ có thể sẽ phải đối mặt với nhiều cáo buộc hình sự nữa liên quan đến sự cố Alaska Air.

Theo hồ sơ, Boeing đã đồng ý đầu tư ít nhất 455 triệu USD trong ba năm tới để tăng cường các chương trình an toàn và tuân thủ quy định của mình. Boeing cũng sẽ chấp hành thời gian thử thách. Công ty này cam kết không vi phạm bất kỳ luật nào, cho đến khi thời gian giám sát ba năm của bên giám sát kết thúc.

Boeing cho đến nay là khách hàng lớn nhất của Spirit Aero, khoảng 70% doanh thu của nhà thầu này đến từ nhà sản xuất máy bay Mỹ vào năm 2023.
Boeing cho đến nay là khách hàng lớn nhất của Spirit Aero, khoảng 70% doanh thu của nhà thầu này đến từ nhà sản xuất máy bay Mỹ vào năm 2023.

Trong nỗ lực giải quyết khủng hoảng ngày càng lớn, trong thông báo ngày 1/7, hãng sản xuất máy bay của Mỹ xác nhận đã đạt thỏa thuận mua lại nhà thầu phụ là công ty sản xuất thân máy bay Spirit Aero. "Việc sáp nhập là giao dịch hoàn toàn bằng cổ phiếu với giá trị vốn sở hữu khoảng 4,7 tỉ USD, tương đương 37,25 USD mỗi cổ phiếu", hãng tin AFP dẫn thông báo của Boeing cho biết.

Chủ tịch kiêm tổng giám đốc điều hành (CEO) của Boeing Dave Calhoun khẳng định thỏa thuận này mang lại lợi ích tốt nhất cho hành khách đi máy bay của hãng, các nhân viên của Spirit và Boeing, cũng như các cổ đông. Theo ông Calhoun, việc mua lại Spirit Aero giúp Boeing điều chỉnh hoàn toàn các hệ thống sản xuất thương mại, bao gồm hệ thống quản lý chất lượng và an toàn. Spirit Aero sản xuất thân máy bay và các bộ phận quan trọng khác cho cả Boeing và hãng chế tạo máy bay Airbus của châu Âu.