Bốn giải pháp thu ngân sách năm 2007
Ông Trần Văn Tá, Thứ trưởng thường trực Bộ Tài chính phác họa những nét lớn trong công tác thu ngân sách Nhà nước năm 2007
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ ngân sách Nhà nước năm 2007, Bộ Tài chính đã đề ra những giải pháp gì, thưa Thứ trưởng?
Trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2007, Bộ Tài chính đã phối hợp cùng các bộ, ngành tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 03/2007/NQ-CP ngày 19/01/2007 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2007, trong đó tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau.
Một là, trong năm 2007, Bộ Tài chính sẽ tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách tài chính nhằm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư và kinh doanh; thực hiện quyết liệt cải cách hành chính, nhất là đơn giản và công khai thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc để tạo bước đột phá trong khuyến khích hoạt động sản xuất - kinh doanh của các thành phần kinh tế ở trong nước, tập trung thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước.
Hai là, đẩy mạnh thu ngân sách Nhà nước, phấn đấu thu đạt và vượt dự toán Quốc hội quyết định. Để thực hiện mục tiêu này, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ ra nghị quyết yêu cầu các bộ, địa phương tập trung chỉ đạo công tác thu ngân sách Nhà nước, đặt mục tiêu phấn đấu tăng thu ngân sách Nhà nước năm 2007 trên 3% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao.
Trong năm 2007 Bộ Tài chính sẽ tổ chức triển khai có hiệu quả luật quản lý thuế; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thuế..., phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức thu dứt điểm các khoản nợ đọng thuế có khả năng thu hồi của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh.
Ba là, năm 2007 phải là năm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý sử dụng ngân sách Nhà nước, nâng cao chất lượng, hiệu quả, kỷ luật chi ngân sách Nhà nước.
Ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã phối hợp cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập trung hướng dẫn triển khai dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2007 đã được Quốc hội quyết định theo đúng quy định; tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ về việc phân bổ và điều hành và thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2007, qua đó nâng cao trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương đối với việc phân bổ, quản lý, sử dụng dự toán ngân sách Nhà nước của mình.
Trong năm 2007, Bộ Tài chính sẽ phối hợp cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý tài chính đối với các chương trình/dự án ODA; tập trung rà soát, sắp xếp lại các quỹ tài chính ngoài ngân sách hiện có, đảm bảo hoạt động có hiệu quả và đáp ứng các yêu cầu cam kết hội nhập.
Bốn là, đẩy mạnh cải cách hành chính nâng cao năng lực quản lý nhà nước; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực, tham nhũng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của cộng đồng. Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật, các định mức, tiêu chuẩn, chế độ chi tiêu ngân sách Nhà nước, thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng; thực hiện chế độ công khai tài chính đối với các cấp ngân sách Nhà nước, các đơn vị dự toán ngân sách.
Việc chúng ta thực hiện các cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) có tác động như thế nào tới lĩnh vực ngân sách Nhà nước và Bộ Tài chính có những giải pháp gì để ứng phó?
Đối với thu ngân sách Nhà nước, khi gia nhập WTO trước hết chúng ta sẽ phải cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu đối với hàng hoá, dịch vụ từ 149 nền kinh tế trên thế giới và điều này sẽ có ảnh hưởng trực tiếp làm giảm thu ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, quan trọng hơn nhưng cũng khó đánh giá hơn là những ảnh hưởng gián tiếp đối với thu ngân sách Nhà nước (cả chiều thuận và không thuận) từ việc thực hiện các cam kết mở cửa thị trường, đối xử bình đẳng giữa các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước.
Việc mở cửa thị trường trong nước, được đối xử bình đẳng trong quan hệ thương mại quốc tế sẽ giúp Việt Nam gia tăng thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước cho phát triển sản xuất, kinh doanh, qua đó làm tăng thu ngân sách Nhà nước - đó là mặt thuận.
Sự gia tăng cạnh tranh của các nhà đầu tư, kinh doanh nước ngoài sẽ tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp trong nước, mà nếu không có biện pháp cải cách kịp thời, hiệu quả thì sẽ dẫn đến thua lỗ, phá sản, và hệ quả là làm giảm thu ngân sách Nhà nước - đó là mặt không thuận.
Về chi ngân sách Nhà nước, việc gia nhập WTO đòi hỏi phải cắt các khoản chi mang tính bao cấp đối với hoạt động sản xuất - kinh doanh, tăng cường hiệu quả sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, tăng tính minh bạch, công khai ngân sách Nhà nước.
Không chỉ ảnh hưởng đến ngân sách Nhà nước, việc gia nhập WTO, mở cửa thị trường, đặc biệt là đối với thị trường tài chính và dịch vụ tài chính sẽ có tác động rất lớn đến sự phát triển của các thị trường này, đến việc huy động vốn cho đầu tư phát triển, và đặc biệt là đến an ninh tài chính quốc gia.
Để giảm thấp nhất những tác động không thuận tới thu ngân sách Nhà nước, thúc đẩy nền kinh tế tiếp tục phát triển nhanh và bền vững sau khi gia nhập WTO, Bộ Tài chính đã đề ra một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy mạnh cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước, kể cả các tổng công ty, công ty mẹ đã chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con.
Thứ hai, về thu ngân sách Nhà nước, rà soát, điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi các chính sách thuế hiện hành theo hướng mở rộng đối tượng nộp thuế và đối tượng chịu thuế, giảm mức huy động để khuyến khích phát triển sản xuất và dịch vụ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trước hết trong năm 2007 sẽ trình Quốc hội ban hành Luật Thuế thu nhập cá nhân. Hoàn thiện quy trình, thủ tục thuế, hải quan phù hợp với quy định của WTO và yêu cầu đơn giản, minh bạch nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Về chi ngân sách Nhà nước, tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách Nhà nước và tăng cường hiệu quả chi, tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống đường sá, cầu cống; bên cạnh nguồn ngân sách Nhà nước, thực thi các giải pháp tài chính hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển hệ thống điện, nước, xử lý môi trường...; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đào tạo phổ cập tiểu học và trung học, đào tạo nghề; đầu tư cho nghiên cứu khoa học – công nghệ; đầu tư phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Thứ ba, thúc đẩy phát triển đồng bộ các loại thị trường. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán; đồng thời tiếp tục hoàn thiện cơ chế giám sát, quản lý thị trường, đảm bảo sự phát triển lành mạnh.
Thứ tư, đổi mới cơ chế điều hành giá phù hợp với cơ chế thị trường; xây dựng lộ trình cụ thể chuyển dần việc quản lý giá các mặt hàng Nhà nước còn quản lý giá sang thực hiện theo cơ chế thị trường.
Từ năm nay, sẽ thực hiện cơ chế giá thị trường đối với các mặt hàng xi măng, sắt thép, phân bón, giấy; đồng thời, không bù lỗ giá xăng, giảm mạnh và tiến tới không bù lỗ giá dầu. Mở rộng cơ chế đấu thầu, đấu giá, thẩm định giá,... góp phần làm cho giá cả vận động khách quan, minh bạch.
Thứ năm, phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan xây dựng và thực hiện có hiệu quả kế hoạch phổ biến rộng rãi các cam kết của Việt Nam về việc mở cửa thị trường theo thỏa thuận WTO. Tiếp tục chủ động tham gia đàm phán trong khuôn khổ WTO và các khuôn khổ hợp tác hội nhập khác; dự kiến những tác động ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước trên phạm vi toàn quốc, cũng như trong từng lĩnh vực, từng địa phương, doanh nghiệp để đề xuất các giải pháp thích hợp.
Để thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế, mục tiêu bình ổn giá cả thị trường, kiểm soát lạm phát trong năm 2007 sẽ được thực hiện như thế nào và cụ thể hóa bằng chính sách điều hành giá ra sao, thưa Thứ trưởng?
Mục tiêu của công tác điều hành giá năm 2007 là phải phấn đấu để bình ổn giá thị trường, kiểm soát lạm phát đẩy nhanh tiến trình xóa cơ chế bù lỗ, bù giá đối với một số ít hàng mà Nhà nước còn định giá đang còn áp dụng cơ chế bù lỗ, bù giá. Bảo đảm chỉ số giá tiêu dùng năm 2007 tăng thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế, với mức tăng giá khoảng dưới 7,0%.
Để thực hiện mục tiêu đó, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau.
Thứ nhất, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu. Giữ vững các cân đối vĩ mô của nền kinh tế, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ, nhất là những hàng hóa dịch vụ quan trọng là đầu vào của nền kinh tế: điện, xăng dầu, sắt thép, xi măng, phân bón, những hàng hóa thiết yếu đối với đời sống nhân dân.
Thứ hai, tăng cường quản lý có hiệu quả thu chi ngân sách Nhà nước. Kiên quyết loại trừ các khoản chi tiêu không đúng mục đích, vượt tiêu chuẩn, chế độ, định mức đã quy định. Kiểm soát chặt chẽ việc chi tiêu thường xuyên trong những tháng cuối năm, nhất là chi tiêu cho hội nghị tổng kết, khen thưởng, chi tiền lương, tiền thưởng; chi đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị,... Thực hiện nhất quán lộ trình cắt giảm thuế quan theo cam kết quốc tế, giảm thiểu biện pháp bảo hộ qua hàng rào thuế quan và phi thuế quan theo quy định của WTO để tạo sức ép cạnh tranh. Phấn đấu bội chi ngân sách nhà nước ở mức dưới 5% GDP.
Thứ ba, điều hành, kiểm soát tốc độ gia tăng khối lượng tiền tệ trong nền kinh tế không vượt quá mục tiêu đã định và diễn biến lạm phát, tốc độ tăng trưởng kinh tế. Kiểm soát có hiệu quả hoạt động tín dụng. Ổn định tỷ giá và lãi suất trên cơ sở bám sát diễn biến cung cầu ngoại tệ và cung cầu vốn trên thị trường.
Thứ tư, thực hiện các biện pháp về giá để bảo đảm điều hành mặt bằng giá bình ổn, phù hợp với tín hiệu khách quan của thị trường, thông qua các biện pháp: Tiếp tục thực hiện tính đúng, tính đủ theo cơ chế giá thị trường đối với đất đai, tài nguyên và nguồn lực, đưa vào sử dụng để thực hiện việc xóa bao cấp cho một số ít hàng hóa, dịch vụ còn có giá bao cấp do Nhà nước định giá như các loại dầu, giá điện, giá than...; kiểm soát giá độc quyền, liên minh độc quyền về giá.
Thứ năm, các bộ, ngành quản lý sản xuất kinh doanh chỉ đạo các doanh nghiệp có trách nhiệm tìm mọi biện pháp nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí, hạ giá thành tạo ra cơ sở để có giá bán hàng hóa, dịch vụ hợp lý, nhất là các ngành sử dụng điện, than phục vụ sản xuất, kinh doanh. Về phía các bộ, ngành, cần tổ chức thực hiện nghiêm ngặt các giải pháp tiết kiệm, chống lãng phí mà Chính phủ đã đề ra nhất là chi thường xuyên, mua sắm tài sản và chi phí cho đầu tư xây dựng cơ bản.
Thứ sáu, tăng cường kiểm soát hoạt động của thị trường. Tiếp tục thực hiện chấn chỉnh, sắp xếp lại mạng lưới kinh doanh, khắc phục tình trạng mua bán vòng vèo, chồng chéo làm lũng đoạn thị trường.
Năm 2007, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và các địa phương nghiên cứu đổi mới các chính sách như:
- Miễn, giảm thuỷ lợi phí đối với sản xuất nông nghiệp;
- Ban hành các loại phí bảo vệ môi trường;
- Sửa đổi, bổ sung các quy định về phương pháp định giá và mức giá đất phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng, địa phương, trước hết là giá đất trong đền bù giải phóng mặt bằng, trong các dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng, giá đất tại vùng giáp ranh;
- Xây dựng đề án đổi mới cơ chế điều hành giá dịch vụ công cộng phù hợp với chủ trương xã hội hoá, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn để các cơ sở kinh doanh dịch vụ công cộng thực hiện hạch toán kinh tế, thực hiện cạnh tranh bình đẳng...
Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện mở rộng cơ chế đấu thầu, đấu giá, thẩm định giá... góp phần làm cho giá cả vận động khách quan, minh bạch và thực hiện nhất quán cơ chế quản lý nhà nước về giá theo cơ chế thị trường và các cam kết hội nhập.