11:40 01/12/2011

Bước ngoặt quan trọng của chính sách tiền tệ Trung Quốc?

Kiều Oanh

Trung Quốc có thể đã đặt tăng trưởng kinh tế lên vị trí ưu tiên hàng đầu, thay cho mục tiêu chống lạm phát như trước

Nhiều chuyên gia nhận định, với việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, Trung Quốc đã đặt tăng trưởng kinh tế lên vị trí ưu tiên hàng đầu, thay cho mục tiêu chống lạm phát như trước.
Nhiều chuyên gia nhận định, với việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, Trung Quốc đã đặt tăng trưởng kinh tế lên vị trí ưu tiên hàng đầu, thay cho mục tiêu chống lạm phát như trước.
Trung Quốc vừa có một bước đi quyết đoán nhằm hỗ trợ tăng trưởng bằng cách cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong các ngân hàng thương mại, lần đầu tiên sau 3 năm.

Giới phân tích tin rằng, động thái này có thể mở màn cho một chiến dịch nới lỏng chính sách tiền tệ của Bắc Kinh.

Ngày 30/11, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã tuyên bố cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc 0,5 điểm phần trăm, xuống còn 21% cho các ngân hàng thương mại lớn, áp dụng từ ngày 5/12. Đây là lần cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đầu tiên của PBoC kể từ tháng 12/2008 và sẽ giúp “giải phóng” 390 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 61 tỷ USD, vốn tín dụng để các nhà băng được phép cho vay.

Nhiều chuyên gia nhận định, với bước đi này, Trung Quốc đã đặt tăng trưởng kinh tế lên vị trí ưu tiên hàng đầu, thay cho mục tiêu chống lạm phát như trước, bất chấp rủi ro bong bóng bất động sản có thể hình thành trở lại.

“Đây là một động thái quan trọng, cho thấy Trung Quốc đang chuyển hướng sang nới lỏng”, chuyên gia kinh tế Stephen Green thuộc ngân hàng Standard Chartered nói với báo Wall Street Journal. Ngân hàng này dự báo, PBoC sẽ tiếp tục giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong tháng 1/2012 để giải quyết tình trạng thắt chặt thanh khoản trước thềm năm mới âm lịch.

Động thái của PBoC còn phản ánh thái độ thận trọng gia tăng của Bắc Kinh về triển vọng của nền kinh tế toàn cầu. Cuối tháng 11 vừa qua, Phó thủ tướng Trung Quốc Vương Kỳ Sơn cho rằng “tình hình thế giới vẫn còn nhiều thách thức và việc đảm bảo phục hồi kinh tế là ưu tiên nổi trội”. Trước đó, vào đầu tháng 11, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cho rằng, cuộc khủng hoảng nợ châu Âu đặt ra “những thách thức lớn đối với sự tăng trưởng toàn cầu”.

Với kinh tế châu Âu tiến gần tới suy thoái, kinh tế Mỹ phục hồi mong mạnh, kinh tế Nhật còn chưa “hoàn hồn” sau vụ động đất lịch sử, tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc đang trên đà giảm tốc. Thống kê công bố sáng nay, 1/12, cho thấy, sản xuất công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 10 vừa qua đã lần đầu tiên suy giảm kể từ tháng 2/2009.

Ngoài ra, các nỗ lực lớn nhằm hạ nhiệt thị trường bất động sản của Chính phủ Trung Quốc thời gian qua cũng có ảnh hưởng bất lợi tới tăng trưởng kinh tế của nước này.

Với việc chuyển hướng chính sách tiền tệ từ thắt chặt sang nới lỏng, cuộc chiến hạ sốt giá nhà ở Trung Quốc sẽ trở nên khó khăn hơn trong thời gian tới. Thách thức của Bắc Kinh sẽ nằm ở chỗ, làm thế nào để tập trung nguồn vốn mới cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thay vì cho vay các dự án bất động sản cao cấp.

Trước khi PBoC hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc lần này, một số chuyên gia kinh tế đã dự báo giá căn hộ ở Trung Quốc có thể sẽ giảm 10-20% trong những tháng tới. Đầu tư bất động sản đóng góp khoảng 15% vào GDP của Trung Quốc.

Động thái này của PBoC khiến nhiều nhà phân tích ngạc nhiên, vì trước đó, họ dự báo PBoC sẽ chỉ bắt đầu giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc vào đầu năm sau. Cho tới thời điểm này, Trung Quốc vẫn chỉ thực hiện chính sách nới lỏng có mục tiêu để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ “đói” vốn, chẳng hạn hỗ trợ các doanh nghiệp ở một số khu vực như Ôn Châu, Triết Giang…

Chuyên gia Eswar Prasad thuộc viện nghiên cứu Brookings Institution của Mỹ cho rằng, mức độ nới lỏng chính sách tiền tệ của Trung Quốc trong thời gian tới sẽ phản ánh quan điểm các nhà lãnh đạo nước này lo ngại tới mức nào về sự giảm tốc của nền kinh tế trong nước và toàn cầu. “Động thái này cho thấy các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã sẵn sàng có những hành động quyết liệt để thúc đẩy nhu cầu nội địa nếu nhu cầu bên ngoài tiếp tục suy yếu”, ông Prasad nói.

Tuy vậy, hầu như không có nhà dự báo nào cho rằng Trung Quốc sẽ sớm tung ra một gói kích cầu lớn như hồi năm 2008. Nhiều khả năng, lần này Trung Quốc sẽ thận trọng hơn, vì sức khỏe kinh tế thế giới hiện nay chưa đến mức tệ như trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009. Mặt khác, “tác dụng phụ” gây bong bóng tài sản và nợ xấu lan tràn của gói kích cầu 2008 cũng là những lý do để Bắc Kinh phải cân nhắc kỹ về một gói kích cầu mới.

Tuy nhiên, “nếu xảy ra một cú sốc lớn như đồng Euro sụp đổ, Trung Quốc sẽ có những chính sách mạnh tay cả về tài khóa và tiền tệ”, ông Prasad nhận định.