Cả chứng khoán và bất động sản đều tụt dốc, gửi tiết kiệm “lên ngôi” ở Trung Quốc
Trong mấy thập kỷ qua, cách chắc chắn nhất để các gia đình bình thường ở Trung Quốc phát triển gia sản và đảm bảo tương lai tài chính ổn định là rót phần lớn số tiền mà họ có vào bất động sản và đầu tư phần còn lại vào chứng khoán...
Nhưng giờ đây, theo hãng tin Bloomberg, ngay cả những gia đình Trung Quốc dư giả cũng muốn nắm giữ tiền mặt, thay vì sẵn sàng đặt cược vào nền kinh tế đang hứng chịu những tổn thất nặng nề do chính sách chống dịch hà khắc mang tên zero Covid gây ra.
"CHẲNG CÓ LỰA CHỌN ĐẦU TƯ NÀO KHÁC"
Xu hướng nắm giữ tiền mặt ở Trung Quốc nổi lên trong bối cảnh giá nhà ở nước này đã giảm liên tục từ tháng 9 năm ngoái, thị trường chứng khoán và các quỹ tương hỗ (mutual fund) cũng không mấy hấp dẫn vào thời điểm hiện tại. Cùng với đó, các nhà đầu tư ở Trung Quốc ít có cơ hội tiếp cận với thị trường tài chính quốc tế do các biện pháp kiểm soát vốn của Bắc Kinh, và tiền ảo đã chính thức bị coi là một kênh đầu tư bất hợp pháp ở nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới. Không có nhiều lựa chọn, người Trung Quốc đang gửi tiền tiết kiệm ngày càng nhiều, mặc cho lãi suất tiền gửi đang ở mức thấp kỷ lục.
Trao đổi với Bloomberg, một sếp ngân hàng ở Thượng Hải có tên Harry Kong tiết lộ rằng toàn bộ số lãi mà anh có được nhờ đầu tư chứng khoán trong năm ngoái đã bị xoá sạch trong đợt sụt giảm của thị trường năm nay. Anh cũng cho biết đã chơi chứng khoán 20 năm nhưng chưa khi nào cảm thấy bi quan như bây giờ.
“Việc mà tôi có thể làm năm nay là nằm dài, và gửi toàn bộ tiền tiết kiệm vào ngân hàng”, Kong nói. “Cho dù lãi suất có như thế nào đi chăng nữa, cách này chí ít cũng an toàn”.
Kong và nhiều nhà đầu tư khác ở Trung Quốc đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất và bấp bênh nhất để lên kế hoạch cho tương lai, vì các biện pháp chống Covid đang làm tê liệt hoạt động kinh tế tại nhiều thành phố lớn nhất nước này và không rõ đến khi nào tình trạng này có thể kết thúc.
Một số nhà phân tích dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng hơn 4% trong năm nay, nhưng các chuyên gia của Bloomberg hiện đưa ra mức dự báo tăng trưởng chỉ 2% - thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng 5,5% mà Chính phủ nước này đề ra cho cả năm.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc hiện đang ở trong trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market - được định nghĩa bằng mức giảm giá từ 20% trở lên so với đỉnh của một tài sản). Từ đầu năm đến nay, CSI 300 Index - thước đo tham chiếu của chứng khoán Trung Quốc – đã giảm 18% khi chính sách chống Covid nghiêm ngặt và việc thắt chặt kiểm soát đối với các doanh nghiệp trong khu vực kinh tế tư nhân khiến nhà đầu tư suy giảm niềm tin.
“Cho dù bạn là một người có tài sản lớn hay là một người không giàu lắm, thời hoàng kim để đầu tư vào những tài sản được cho là an toàn và đợi tài sản phát triển đã qua rồi”, chuyên gia kinh tế Wei He thuộc Gavekal Research ở bắc Kinh nhận định.
“Chẳng có lựa chọn đầu tư nào khác”, Clawde Yin, một cư dân 45 tuổi của Thượng Hải, phàn nàn. “Tôi chẳng còn cách nào khác chờ xem tình hình sắp tới thế nào”.
Gần 90% tiền tiết kiệm của ông Yin đã rót vào bất động sản, số còn lại vào cổ phiếu. Mặc sự bấp bênh hiện nay trên thị trường địa ốc Trung Quốc, Yin nói ông sẽ không tìm cách chuyển tiền sang chứng khoán vào lúc này. Đối với ông, lựa chọn nào cũng có nguy cơ dẫn tới những tổn thất từ sự thay đổi chính sách của Bắc Kinh.
Tâm lý tương tự được xem là một nguyên nhân khiến lượng tiền gửi tiết kiệm trong các ngân hàng Trung Quốc tăng lên mức 109,2 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương đương 16,3 nghìn tỷ USD, vào thời điểm cuối tháng 4 vừa qua. Lượng tiền gửi ở Trung Quốc, nước vốn dĩ đã là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiết kiệm cao nhất thế giới, tăng 7% trong 4 tháng đầu năm nay, so với mức tăng 5,5% cùng kỳ năm ngoái.
Những thập niên qua, khi nền kinh tế Trung Quốc phát triển bùng nổ, mua một căn nhà để đợi giá trị của căn nhà đó tăng lên chính là cách chắc chắn nhất để người Trung Quốc thuộc hầu khắp các giai tầng trong xã hội đầu tư vào tương lai, vì hệ thống lương hưu của nước này còn kém phát triển. Hơn 70% tài sản của người Trung Quốc nằm ở bất động sản.
Nhưng quan điểm này đã buộc phải thay đổi trong vòng 1 năm trở lại đây, khi Chính phủ Trung Quốc triển khai các biện pháp kiềm chế tình trạng vay nợ quá đà và đầu cơ trên thị trường địa ốc. Lĩnh vực này cũng chao đảo bởi một loạt vụ vỡ nợ của các công ty đầu tư bất động sản lớn, điển hình là China Evergrande Group. Những vụ vỡ nợ này khiến niềm tin của nhà đầu tư lung lay, dẫn tới giá bán nhà mới trên thị trường liên tiếp sụt giảm. Bên cạnh đó, tăng trưởng các khoản vay bất động sản ở Trung Quốc trong tháng 3 giảm xuống mức thấp nhất từng được ghi nhận.
KHI NHÀ ĐẦU TƯ KHÔNG MUỐN LIỀU LĨNH
Đẩy mạnh phát triển thị trường vốn là một phần trong chiến lược của chính phủ Trung Quốc, và việc ngăn chặn đầu cơ nhà đất có thể dẫn tới việc dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán và các sản phẩm tài chính khác gia tăng trong dài hạn. Tuy nhiên, nỗ lực này có khó thể phát huy tức thời trong việc tạo ra của cải trong môi trường hiện nay – theo chuyên gia He của Gavekal. Tình trạng trượt dốc đang diễn ra trên thị trường chứng khoán càng khiến nhà đầu tư dè chừng hơn.
Cần phải nói thêm rằng sự sụt giảm hiện nay của chứng khoán Trung Quốc còn bắt nguồn từ việc nước này thúc đẩy sáng kiến “thịnh vượng chung” mà Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra. Đây là một chiến dịch quy mô lớn bao gồm siết chặt kiểm soát đối với một số ngành kinh tế và giới giàu nhất ở nước này, với mục tiêu thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Các động thái của Bắc Kinh khi triển khai chiến dịch này đã làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư, khiến tổng giá trị vốn hoá của các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc niêm yết trên thị trường chứng khoán có thời điểm sụt giảm khoảng 1 nghìn tỷ USD.
Ông Li Ming, chủ một nhà máy sản xuất giày quy mô nhỏ ở thành phố Đài Châu cách Thượng Hải khoảng 250 dặm về phía Nam, nói rằng gửi ngân hàng đang là cách an toàn nhất cho tiền của ông. Gửi tiết kiệm không phải là cách đầu tư tinh vi, nhưng ông tin đây là lựa chọn an toàn nhất. Li cũng nói ông muốn rút tiền khỏi các sản phẩm quản lý gia sản sớm nhất có thể và gửi tiền đó vào ngân hàng. 60% tiền tiết kiệm của ông Li hiện đang nằm ở những sản phẩm này. Đó là những sản phẩm mà các ngân hàng chào bán như một cách thức dễ dàng để đầu tư đối với những gia đình không có kinh nghiệm thị trường.
“Danh mục đầu tư chứng khoán của tôi từ đầu năm đến nay đã giảm 50% giá trị”, ông Li cho biết. “Tôi không muốn liều lĩnh có thêm những khoản đầu tư khác”.
Grace Liu, 36 tuổi, làm việc trong một công ty đầu tư ở tỉnh Hồ Bắc, là một trong những người chứng kiến sự đảo ngược vận may trong những tháng gần đây. Biến động thị trường chứng khoán đã khiến công ty của Liu rơi vào cảnh khó khăn và không thể trả lương cho nhân viên. Liu đang phải rút tiết kiệm để trả tiền thuê nhà, nuôi chồng và hai con nhỏ. Cô không muốn bán chứng khoán trong lúc danh mục đang lỗ. Chồng cô vốn làm nhà hàng, lĩnh vực hiện đang bị ảnh hưởng nặng nề vì các biện pháp chống Covid.
“Tìm đâu được một kênh đầu tư đáng tin cậy bây giờ?” Liu nói. “Tôi đã đặt hết tiền vào chứng khoán và đang lỗ nặng”.
Các biện pháp kiểm soát vốn nghiêm ngặt cũng khiến người Trung Quốc bình thường khó có thể chuyển một số tiền lớn ra nước ngoài để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Chưa kể, sự thiếu hiểu biết cặn kẽ về thị trường nước ngoài cũng khiến họ ngần ngại. Người dân nước này có thể đầu tư vào cổ phiếu ở nước ngoài thông qua các quỹ được Chính phủ phê chuẩn, nhưng trong nhiều trường hợp, nhà đầu tư cá nhân không biết làm thế nào để bắt đầu – theo ông He.
“Tôi không dám chắc lại hiện tại đang có hay không” nhu cầu của nhà đầu tư Trung Quốc muốn tìm kiếm lợi cao hơn ở nước ngoài – ông He nói. “Hiểu biết về thị trường nước ngoài của họ vẫn còn hạn chế”.