13:55 10/04/2008

Cà phê với một trí thức Sài Gòn

Từ lâu, nhiều người ở Tp.HCM biết ông Lương Văn Lý là một nhà ngoại giao lịch lãm, một trí thức tài năng

"Khi còn làm trong Nhà nước, nghe doanh nghiệp kêu, tiếp nhận, dù có thông cảm cũng ở mức người ngoài cuộc. Lúc đó cứ nghĩ là mình làm hết sức rồi. Bây giờ chính bản thân kẹt vào những khó khăn, thủ tục hành chính ấy, mới biết đá biết vàng."
"Khi còn làm trong Nhà nước, nghe doanh nghiệp kêu, tiếp nhận, dù có thông cảm cũng ở mức người ngoài cuộc. Lúc đó cứ nghĩ là mình làm hết sức rồi. Bây giờ chính bản thân kẹt vào những khó khăn, thủ tục hành chính ấy, mới biết đá biết vàng."
Không phải vì “từ quan” ra làm dân ông mới nổi tiếng. Từ lâu, nhiều người ở Tp.HCM biết ông Lương Văn Lý là một nhà ngoại giao lịch lãm, một trí thức tài năng.

Ông có thể dịch cho hai cuộc trao đổi chuyên môn sâu bằng hai ngôn ngữ Anh - Pháp cùng một lúc.

Làm ông mai bà mối

Thưa ông Lý, Phó giám đốc Sở Ngoại vụ, Sở Kế hoạch Đầu tư, bây giờ sẽ gọi ông chức danh gì đây?

Là một doanh nhân bình thường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn Đại Nam Long.

Sao công ty lại có cái tên nghe như “thuốc bắc”?

Lấy chữ đầu tên 3 người cùng làm với nhau Đại Nam Long. Khi cô nhân viên đi đăng ký xin phép, lo lắng điện thoại về nói rằng luật yêu cầu tên công ty phải là tiếng Việt, có nghĩa. Một người nhanh trí bảo: Đại Nam Long thì cứ nói là Đại Nam Long. Tên hơi kêu quá! Công ty Tư vấn đầu tư. Tóm lại là ông mai bà mối của nhà đầu tư và dự án.

Báo có đăng tin là ông kết hợp với cựu Đại sứ Mỹ Peterson trong công việc. Cụ thể thế nào?

Ngoài việc ở công ty, tôi tham gia thành viên hội đồng quản trị của 2 quỹ đầu tư khác, trong đó có một quỹ có ông Peterson ở trong hội đồng quản trị. Chúng tôi là những thành viên độc lập, không góp vốn, không cổ phần. Chủ yếu là phản biện khoa học kinh doanh với cái nhìn hoàn toàn độc lập.

Ông đã đổi vai - trước là Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, nay lại ở vai doanh nghiệp ngày xưa ông quản lý. Ông cảm nhận thế nào?

Chúng tôi mới chỉ làm 2 dự án nhỏ thôi nhưng tư vấn đầu tư 5 lĩnh vực nóng: bất động sản, hạ tầng giáo dục, y tế, công nghệ cao… Ông mai cho hai bên từ khi gặp nhau cho đến khi “cưới” (ra giấy phép chứng nhận đầu tư) phải mất 2-3 năm. Do thủ tục, huy động vốn, giải phóng mặt bằng. Công việc đầu tư cần nhiều thời gian, công sức, bên bỉ.

Lúc đầu tôi không nghĩ gian nan như thế. Khi còn làm trong Nhà nước, nghe doanh nghiệp kêu, tiếp nhận, dù có thông cảm cũng ở mức người ngoài cuộc. Lúc đó cứ nghĩ là mình làm hết sức rồi. Bây giờ chính bản thân kẹt vào những khó khăn, thủ tục hành chính ấy, mới biết đá biết vàng.

Ông vốn là nhà ngoại giao được đào tạo tốt, sang làm Kế hoạch - Đầu tư, rồi thành doanh nhân. Ông thấy công việc hiện nay có hợp với mình, hay chỉ là do cuộc sống đẩy đưa?

Tôi thích công việc hiện nay. Trước hết tôi đã có một số kinh nghiệm ở Sở Kế hoạch Đầu tư, lĩnh vực quen thuộc. Thứ hai là công việc đem nhà đầu tư vào, khuyến khích quảng bá có cảm giác mình có ích, có đóng góp cho kinh tế đất nước. Thứ ba là công việc cho phép tiếp xúc với nhiều người nhiều quốc tịch, văn hóa, ứng xử khác nhau, đa dạng. Do giáo dục gia đình từ nhỏ và làm ngoại giao nên tiếp xúc đã trở thành nhu cầu không thể thiếu của tôi như ăn uống, hít thở.

Khả năng quản lý Nhà nước - câu hỏi lớn

Ông tiếp xúc nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Họ nhận xét gì về Việt Nam làm ông suy nghĩ (ngoài chuyện thông thường là tăng trưởng nhanh, sợ thủ tục hành chính…)?

Trước là tư cách nhà nước quản lý họ, ít có cuộc tiếp xúc thật sự bạn bè. Đội cái mũ ấy rồi, nghe lời phản biện thật sự thấy ít, chỉ thỉnh thoảng giống như đọc được cái gì đó giữa những dòng chữ. Nay thì rõ hơn, họ đều nghĩ đất nước này có tiềm năng, có tương lai, cái đó là chân thật.

Còn băn khoăn? Khả năng quản lý của nhà nước là một câu hỏi lớn. Nhất là những tuần lễ gần đây, bộc lộ quá nhiều yếu kém mà trước nay do tăng trưởng kinh tế khoả lấp. Cách xử lý lạm phát, bất động sản, chứng khoán… thuốc quá liều, bệnh nhân muốn chết luôn.

Tôi lo rằng những niềm tin mà người ta cảm nhận, sự hăm hở giảm mất. Cái quan trọng phải cho thấy là mình chắc tay, người ta khó tin nay thế này mai khác. Phải có tài trị quốc để họ yên tâm. Vấn đề thời điểm và liều lượng của chính sách.

Theo cách nhìn của ông thì có gì đáng nói trước tình hình nóng gần đây trong kinh tế?

Lý lẽ thì ai cũng biết. Thí dụ chống lạm phát thì bài bản cổ điển của thế giới là thắt tín dụng, giảm chi – đương nhiên. Nhưng có cái không ai nói ra là: vì còn có nhiều lợi ích cá nhân chen vào, biện pháp đưa ra bị sai lệch đi hoặc nửa vời. Nói giảm chi nhưng ngay lập tức có doanh nghiệp vay nước ngoài cả tỉ. Chi tiêu chính phủ chẳng thấm gì so với những dự án vĩ đại họ làm.

Một số doanh nghiệp hỏi tôi có tin giá đất xuống không. Tôi nói sẽ khựng một thời gian thôi. Vì cung cầu, còn vì nhiều vị cán bộ làm chính sách, vợ con họ kinh doanh nhà đất, sao xuống được. Lợi ích cá nhân chen vào là vậy.

Làm ngoại giao tôi có nhiều ông thầy

Nhiều người thấy tiếc khi ông rời ngành ngoại giao. Bản thân ông có tiếc không?

Tôi cũng lạ khi thấy mình không tiếc lắm. Ở Sở Kế hoạch và Đầu tư tuy thời gian ngắn tôi vẫn cảm thấy như làm được nhiều hơn cho cộng đồng, có ích cho đất nước.

Làm ngoại giao chả lẽ không?

Nói thế nào cho khỏi có bạn bè buồn. Lúc ở Sở ngoại vụ tôi có cảm tưởng như đầu không đụng trời chân không đụng đất. Cơ quan Bộ phục vụ thành phố, dù nhiệm vụ rõ mà vẫn thấy chơi vơi. Ở Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng là sở của thành phố nhưng thấy công việc cụ thể, làm xong thấy kết quả ngay.

Tôi nghĩ nếu làm ngoại giao thực sự, phải ở Bộ tham gia được vào những chính sách, động thái, chiến dịch, các kế hoạch ngoại giao của đất nước.

Nhưng chính ngoại giao đã đưa ông đi khắp thế giới và có nhiều kỷ niệm sâu sắc?

Tôi đã tới 25 quốc gia. Kể châu lục chỉ còn Mỹ la tinh là tôi chưa tới. Những năm tháng tuổi trẻ mới vào đời, tôi gặp được rất nhiều người thầy dìu dắt chỉ bảo trong ngành ngoại giao.

Những năm làm việc ở Bộ ngoài Hà Nội, được chuẩn bị các vấn đề cải tổ Hiến chương Liên hiệp quốc cho đoàn Việt Nam lần đầu đi họp Liên hiệp quốc, được sự giúp đỡ chỉ bảo ân cần của Vụ trưởng Nguyễn Thương.

Nói về những người thầy thì nhiều lắm. Tôi vẫn nhớ hết từng ông thầy, bà thầy từ lớp 1, lên các lớp sau này, kể cả những thầy mình còn nhỏ, “ghét” nhất vì hay cho điểm zero. Rồi khi làm ngoại giao có thầy Nguyễn Cơ Thạch, Võ Đông Giang, từ tiếp xúc, trả lời báo chí cho đến nhiều vấn đề chiến lược ngoại giao. Tôi cũng được đi dịch, gần gũi học được nhiều từ những người lãnh đạo xưa kể cả đạo đức lẫn nghề nghiệp.

Vừa rồi, khi quyết định không làm việc ở cơ quan Nhà nước, tôi cũng xin ý kiến những người thầy đặc biệt.

Họ khuyên ông thế nào?

Chú Năm Xuân (Đại tướng Mai Chí Thọ) khi đó còn sống - chú bảo: Thôi mày đã quyết định thì tao không cản. Lẽ ra nên tiếp tục làm thì tốt, nhưng tao cũng thấy không yên lòng lắm cách người ta đối xử.

Còn chú Sáu Thảo (Dương Đình Thảo) thì bảo ông ủng hộ, nhưng giao nhiệm vụ: Ra tư nhân dưới góc độ doanh nghiệp nhìn Nhà nước, có gì thì đóng góp. “Tao đặt hàng mày vậy thôi”. Đó là hai ông thầy coi tôi như con cháu.

Trí thức Sài Gòn

Có phải vì sinh ra trong gia đình trí thức Sài Gòn xưa nên ông là người được hưởng một nền giáo dục khá hoàn hảo của gia đình và nhà trường?

Gia đình tôi chỉ là một gia đình trí thức trung bình của Sài Gòn xưa.

Trung bình thì như thế nào, thưa ông?

Vào thời ông cố tôi lẫy lừng hơn. Cố tôi từng là 1 trong 2 người giàu nhất Nam Bộ. Thời bà ngoại thì bà không nổi tiếng, mà là các em của bà, trong đó có người là ông Nguyễn Hữu Châu làm Bộ trưởng trong Chính phủ Sài Gòn.

Ông ngoại tôi là Lâm Văn Tết, một trong số kiến trúc sư hiếm hoi thời đó. Sau cụ vào chiến khu cùng luật sư Trịnh Đình Thảo. Cỡ đó thôi, không thể sánh với độ lớn của nhiều gia đình trí thức Sài Gòn.

Thuở bé, tôi học trường Tây cả cấp 1, 2, 3 sau đó đi học 7 năm ở Thụy Sĩ, trường Quan hệ Quốc tế.

Vậy thì ông là một ông Tây con còn gì…?

Chú Năm Xuân cũng gọi tôi thế. Ban đầu nghe “sốc” lắm sau quen dần. Khi tôi về Bộ ngoại giao có lần phải báo cáo một vấn đề quan trọng cho ông Lưu Văn Lợi lúc đó trộ lý bộ trưởng. Ông Lợi phủ đầu: Tôi chỉ có 10 phút. Làm thế nào báo cáo đầy đủ điều quan trọng nhất tôi cần biết.

Lúc đó chú Thương Vụ trưởng gỡ bí cho: Cháu báo cáo thẳng bằng tiếng Pháp dễ cho cháu. Cũng sốc nữa. Mình người Việt Nam về Việt Nam phải dùng tiếng Pháp. Sau này ông Lợi gặp tôi bất cứ đâu cũng toàn dùng tiếng Pháp nói với tôi.

Chú Năm Xuân gọi thế vì thời chú làm Chủ tịch thành phố, tôi thường đi cùng chú nhiều chuyến công tác nước ngoài. Một hôm trong bữa ăn sáng ở Ấn Độ, tôi cứ loay hoay tìm không thấy bơ đâu. Chú bảo: Mày quả thật là Tây con rồi. Không bơ không ăn được à? Chú coi tôi như con còn vì là bạn với ba tôi thời kháng chiến chống Pháp. Lúc đó ba tôi Trưởng ty ngân khố, còn chú Năm Trưởng ty Công an Cần Thơ.

Người ta bảo ông rất “Tây”. Bản thân ông có thấy thế không?

Tôi làm việc cho Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam có văn phòng liên lạc bên cạnh Liên hiệp quốc ở Geneve. Tuy học ở nước ngoài nhưng ai cũng biết tôi có ý định về nước ngay từ khi bước chân sang Thụy Sỹ. Chưa bao giờ tôi có ý định ở lại nước ngoài. Trong tâm tư tình cảm tôi không thể là một “thằng Tây” được.

Ông “Việt Nam” như thế nào?

Không có người Việt Nam xung quanh là tôi thấy mất mát lắm. Thứ hai là trong công việc, giao tiếp tôi học phương Tây nhưng cái gì riêng tư, tình cảm, bè bạn thì sâu sắc tế nhị phải là Việt Nam.

Trong giáo dục gia đình, mẹ tôi thương con vô bờ nhưng kỷ luật kinh khủng. Học hành phải có kết quả. Tháng nào không xếp thứ nhất, ít ra cũng bị một bài “lên lớp” khoanh tay như ngày nay gọi lạ bản tự kiểm. Nặng hơn nữa, Noel không có quà. Mọi người có, mình không, kinh khủng lắm. Không đi chơi hè. Thậm chí bị đòn roi. Bà ngoại cũng cực kỳ nghiêm khắc. Các cháu, các em sợ chết khiếp…

Nhờ kỷ luật sắt mà ông trở nên giỏi sao?

Đó là nề nếp. Nhưng phải nói điều này: Bản thân đứa trẻ là quan trọng lắm. Có đứa nghiêm túc siêng năng, có đứa ham chơi.

Sống ở Sài Gòn

Ông giữ được tác phong cổ, từ ngôi nhà cho đến tổ chức lễ tết. Bạn bè bảo nhà ông rất Tây mà lại rất cổ truỵền. Cuộc sống ở Sài Gòn nay xô bồ có làm ông khó chịu?

Sài Gòn là thành phố tuổi thơ tôi, đô thị lớn, đầy đủ tiện nghi. Xưa tôi đi học ở Sài Gòn, thường cùng đám nam sinh chạy xe ra sau trường Marie Curie ngồi đồng ở đó ngắm nữ sinh. Khu xung quanh trường tôi là những phố nhiều cây như Lê Quý Đôn, Võ Văn Tần, Tú Xương, Ngô Thời Nhiệm, Nguyễn Đình Chiểu…

Với Sài Gòn, gần như vấn đề yêu ghét kêu ca không đặt ra với tôi. Đó là môi trường sống tự nhiên của tôi từ trước tới nay.

Kể cả nạn kẹt xe, người tứ xứ đến đông đúc, ô nhiễm…?

Cũng giống như người Hà Nội than phiền là người Hà Nội xưa không còn, người tứ xứ đến. Điều đó không làm tôi khó chịu bằng việc ở đô thị lớn, lớp người sang giàu ăn trên ngồi tróc nhan nhản ở các nơi sang trọng nhất mà lại không văn hóa nhất. Cách cư xử nơi công cộng đã khác xưa. Còn việc giao thông đường xa, ra đường tất nhiên có bực một chút.

Lớp người sang giàu mới ấy làm ông khó chịu như thế nào?

Ngày xưa vào nơi sang trọng chút, không ai ồn ào, bây giờ họ nói cười hô hố, để con nít chạy la om sòm. Vì họ nói to, nên mình mới biết nội dung chuyện của họ là khoe giàu, khoe khôn.

Một hôm tôi đi ăn với người bạn Tây Ban Nha, vào hiệu món Huế, trang trí phong cách cổ, lịch sự ấm cúng. Thấy hay cô xinh đẹp, model, mang theo cả laptop. Mà chuyện của họ toàn chuyện triệu đô. Rồi một cô thản nhiên giơ chân móc giày, gãi, cứ như ở phòng riêng. Họ làm phiền ở chỗ: môi trường bị phá bĩnh. Tôi sẵn sàng nhậu quán bình dân với bạn. Ở đó thì không nói làm gì.

Xưa những người có tiền được giáo dục tốt. Nay thì tách rời hẳn hai khối người: một khối văn hoá có học, một khối có tiền. Do kinh tế phát triển tạo lớp giàu nhanh quá, phình ra thành giới riêng biệt. Một “xã hội mi ni” trong lòng xã hội, trong đó giá trị học vấn văn hoá không là giá trị cao nhất.

Ông có thể phác ra theo ý riêng về trí thức Sài Gòn không?

Có nhiều kiểu. Sống hơi thu mình, hơi kiêu một chút. Xem thường đám giàu mới và đương nhiên có một chút bất mãn, ức lòng. Lớp trí thức cũ nữa thì hẳn ra xem thường ngay cả khi họ đã đi cùng. Chắc có hẳn một xã hội trí thức mới Sài Gòn, làm giàu, trọng tri thức, nghiên cứu và thẳng thắn.

Dù tôi biết rõ xưa có những người có tiền được giáo dục tốt, có văn hoá và nay thì hai cái, một bên văn hoá tri thức, một bên tiền bạc-rất tách biệt nhau. Nhưng tôi không bi kịch hóa, không than vãn: Sài Gòn ơi, Sài Gòn hỡi.

Bởi vì trong sâu xa tôi hiểu lý do vì sao. Nhìn sang những nền kinh tế mới trỗi dậy có lớp người giàu nhanh chưa kịp giáo dục mình lại, chưa kịp nâng cấp văn hóa. Với thời gian, những người giàu ấy sẽ nhận ra, sẽ lại học và hoà nhập văn hóa.

Ra để làm giàu bản thân

Không thể không hỏi về chuyện ông “từ quan” ra làm dân, được dư luận cho là nằm trong vấn đề chảy máu chất xám của cơ quan nhà nước. Lý do ông trả lời báo chí là “về để lo kinh tế cho gia đình” không ai bắt bẻ được. Nhưng chắc không chỉ có thế?

Tôi cũng nói rõ với lãnh đạo thành phố: nghỉ vì cả hai bên không giúp được cho nhau gì hơn nữa. Tôi làm cho Nhà nước lâu rồi, ở lại cũng thế này thôi. 5 năm còn lại không lẽ ngồi cho qua đi. Tôi ra ngoài làm mới cho tôi kiến thức, kinh nghiệm mới, thử thách mới để học, làm giàu thêm cho bản thân mình. Cái đó thật quá còn gì nữa.

Không ai giữ ông lại sao?

Không giữ được, vì tôi quyết liệt đặt vấn đề, không phải để thăm dò phản ứng hoặc để đòi trả giá gì. Tôi nói rõ là tôi xin để cho đúng qui định, nếu không cho, tôi vẫn có quyền nghỉ theo đúng Luật Lao động. Không có qui định nào nói công chức không được nghỉ việc.

Ông có bị bệnh stress đô thị không? Làm việc, nghỉ ngơi….có khác trước không? Sống đô thị, ông sợ cái gì?

Nhìn lại thì thấy mình không nghỉ bao nhiêu. Sáng thứ bảy có khi vào công ty chỉ để ngồi nghĩ, lắng đọng cho công việc. Kinh hoàng nhất là theo phụ nữ đi siêu thị. Có hai cực hình: đi siêu thị và đi đâu phải mang vác. Quải lên vai, trời ơi là trời. Tôi đi đâu cùng lắm là một cái cặp. Tôi không thích chốn xô bồ. Nhưng đi với phụ nữ thì làm gì có diễm phúc mua độp cái ra ngay, còn phải lê dạo khắp như công viên.

Chiều thứ bảy tôi thích xem phim hành động, Ngủ trưa thứ bảy là niềm sung sướng. Chủ nhật ở nhà hoàn toàn, cùng vợ con đi chỗ này chỗ kia.

Tôi luôn tiếp khách, nhiều bạn bè. Thành thói quen, không tiếp khách đâm buồn. Nói đùa: hôm nào về nhà sớm, vợ có khi... đâm lo. Bất thường. Ăn ở sao bạn bè không chơi nữa…