09:06 06/07/2009

Các chuyên gia hàng không nói gì về "đường bay vàng"?

Xuân Thái

Các hãng hàng không Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines đều rất sẵn sàng với đường bay mới

"Đường bay vàng" không chỉ có lợi cho Việt Nam.
"Đường bay vàng" không chỉ có lợi cho Việt Nam.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 3/7, Cục Hàng không Việt Nam đã có Văn bản số 2251/CHK-QLHĐB, do Phó cục trưởng Lại Xuân Thanh ký, gửi ông Mai Trọng Tuấn, tác giả đề án “đường bay vàng” 106° đông, về việc tổ chức cuộc gặp trực tiếp giữa hai bên.

Theo đó, cuộc gặp đã được sắp xếp và sẽ diễn ra trong một ngày gần đây.

Nhiều chuyên gia hàng không đã tiếp tục có ý kiến, quan điểm chia sẻ về việc mở đường bay 106° đông. Mặc dù còn có khác biệt, song hầu hết các ý kiến đều thống nhất là cần tìm ra một giải pháp tối ưu để sớm mở đường bay này.

Theo ông Mai Trọng Tuấn, phi công sợ nhất là yếu tố khí tượng, trong đó có “khắc tinh” là mây CB (còn gọi là mây tằng tích). Mây này thường xuất hiện trên biển và vùng núi cao và đặc biệt thường xuất hiện vào chiều mùa hè và mùa mưa phùn. Đường bay thẳng 106° đông sẽ bay hoàn toàn trên đất liền và có đoạn bay qua lãnh thổ Lào tránh được dải Trường Sơn, vì thế ít nguy hiểm hơn.

Hiện tại các hãng hàng không khai thác các tuyến bay từ Bắc vào Nam, chủ yếu bay trên đường bay W1 và W2. Đường bay W1 có hành trình như sau: Tp.HCM - An Lộc - Buôn Ma Thuột - Pleiku - Đà Nẵng - Nam Hà - Hà Nội. Đường bay W2: Tp.HCM - Phan Thiết - Nha Trang - Phù Cát - Quảng Ngãi - Đà Nẵng - Phú Bài - Đồng Hới - Vinh - Hà Nội.

Là các đường bay nội địa, nhưng đường bay W1 dành cho các máy bay lớn, có sức chứa nhiều (từ trên 200 hành khách), nên được khai thác nhiều nhất. Cả 2 đường bay nói trên đều có một đoạn bay trên kinh tuyến 106° đông, đó là đoạn Đà Nẵng - Pleiku (W1) và đoạn Đồng Hới - Nội Bài (W2).

Anh hùng, đại tá phi công Nguyễn Thành Trung cho biết: “Hầu hết tâm lý phi công đều muốn bay ngắn. Tâm lý người lái máy bay lại cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe và tính mệnh của hành khách”. Theo ông Trung, đường bay W1 có tổng chiều dài gần 700 dặm (tương đương 1.250 km). Nếu bay theo kinh tuyến 106° đông trên toàn tuyến, hành trình bay sẽ dài khoảng 660 dặm (xấp xỉ 1.000 km). Bên cạnh số dặm được rút ngắn, thì tiết giảm nhiên liệu là vấn đề cực kỳ quan trọng. Ông Trung lấy ví dụ Boeing 777 hiện nay, một giờ bay ngốn hết 6 tấn nhiên liệu, thì việc rút ngắn hơn 100 km không phải là chuyện nhỏ.

Cùng quan điểm với tác giả Mai Trọng Tuấn, ông Nguyễn Thành Trung cho rằng, đường bay 106° đông hoàn toàn không bay qua các vùng cấm bay VVP1, sân bay quân sự Thọ Xuân. Tuy nhiên, ông Trung cho rằng, có thể sẽ bay ngang qua vùng hạn chế bay Bắc Sài Gòn (vùng ngang qua sân bay quân sự Biên Hòa), nằm ngay phía Bắc sân bay Tân Sơn Nhất, song vấn đề này có thể giải quyết được.

Chuyên gia hàng không Lê Thành Chơn cũng khẳng định: “Thời đại ngày nay, không có gì là bí mật dưới ống kính trên vệ tinh. Tôi đồng ý mỗi quốc gia tùy theo vấn đề an ninh của mình mà quyết định khu vực hạn chế bay hoặc cấm bay, những khu vực đó ở Việt Nam rất nhỏ. Vì vậy đường bay 106° đông qua những khu hạn chế, cấm bay gần như không đáng kể”.

Nguyên Trưởng phòng Quản lý bay Sân bay Tây Sơn Nhất, ông Nguyễn Trọng Sành, cho rằng: “Đường bay mới sẽ phục vụ các chuyến bay Cần Thơ - Nội Bài. Các máy bay quốc tế bay qua bầu trời Campuchia, Lào đều phải trả lệ phí, đây là nguồn thu nhập không nhỏ, do vậy Cục hàng không Việt Nam cần chủ động bàn bạc, hợp đồng với bạn. Bên cạnh đó cũng cần tranh thủ ý kiến nhiều cá nhân, nhiều ngành hữu quan, nhất là các cán bộ công tác lâu năm trong ngành”.

Về đoạn bay qua lãnh thổ Campuchia và Lào, ông Nguyễn Thành Trung khẳng định, không hề có bất cứ vùng cấm bay nào. Riêng về vấn đề khai thác thương quyền bay, trả chi phí cho các nước bạn, theo kinh nghiệm của mình, ông Trung cho rằng sẽ dễ dàng đàm phán với bạn, vì “cái lợi không phải chỉ dành cho chúng ta mà cả họ”.

Ông Trung đề nghị: nếu bay theo kinh tuyến 106° đông thì nên bay theo lộ trình: An Lộc - Hạ Lan (Hà Nội) đối với tuyến Sài Gòn - Hà Nội và Nam Hà - Sài Gòn đối với chiều ngược lại. Như vậy sẽ tránh được cả vùng hạn chế bay Bắc Sài Gòn - Sân bay quân sự Biên Hòa.

Các hãng hàng không Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines đang rất sẵn sàng với đường bay mới này và cho biết sẽ là những người đi tiên phong trong việc khai thác đường bay “vàng”. Bà Nguyễn Thị Thúy Bình, Phó tổng giám đốc phụ trách thương mại Jetstar Pacific Airlines, chia sẻ: “Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc mở đường bay thẳng Hà Nội - Tp.HCM này”.

Nhiều nhà phân tích dự đoán, nếu đường bay “vàng” 106° đông thành hiện thực, sẽ có một cuộc chạy đua khuyến mãi, giảm giá vé, giành khách. Vì vậy, thị trường hàng không sắp tới có thể sẽ có những cạnh tranh khốc liệt và ngành hàng không trong nước sẽ bước vào một giai đoạn chuyển tiếp mới.