06:00 15/03/2024

Các đề án du lịch, giải trí trong rừng đặc dụng tại Bà Rịa Vũng Tàu đang được thực hiện thế nào?

Khởi Anh

Có 57 tổ chức, doanh nghiệp lập hồ sơ đầu tư dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, trong đó tại Vườn quốc gia Côn Đảo có 06 dự án; tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu 20 dự án; tại rừng phòng hộ có 31 dự án...

Côn Đảo, Bà Rịa Vũng Tàu
Côn Đảo, Bà Rịa Vũng Tàu

Lãnh đạo UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu vừa tổ chức cuộc họp với các sở, ban, ngành liên quan để nghe Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo tình hình triển khai thực hiện các Đề án du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh này.

Theo báo cáo, hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà rịa Vũng Tàu đang được UBND tỉnh giao thực hiện 3 Đề án du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn quốc gia Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn đến năm 2030; Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng trong rừng phòng hộ tỉnh Bà Rịa - Vũng tàu giai đoạn đến năm 2030; Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu đến năm 2030.

Các Đề án được phê duyệt có tổng diện tích quy hoạch cho thuê môi trường rừng khoảng 11.215,7ha thuộc phân khu dịch vụ hành chính, trong đó Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu 3.795,28 ha; Ban quản lý Rừng phòng hộ 6.512,19ha; Ban quản lý Vườn Quốc gia Côn đảo 908,23ha.

Tính đến nay, đã có 57 tổ chức, doanh nghiệp lập hồ sơ đầu tư dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, trong đó tại Vườn quốc gia Côn Đảo có 06 dự án; tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu 20 dự án; tại Rừng phòng hộ có 31 dự án.

Sau khi các Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí được duyệt, các chủ rừng đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức công bố, phổ biến, thông báo rộng rãi bằng nhiều hình thức trên các phương tiện truyền thông về quan điểm định hướng và mục tiêu; quy hoạch, hiện trạng, phương án phát triển du lịch; tài nguyên thiên nhiên và các sản phẩm du lịch; các điểm, tuyến, sản phẩm, loại hình, tổ chức quản lý, khai thác du lịch sinh thái, khu vực, địa điểm, vị trí, diện tích cho thuê môi trường rừng; giải pháp về quản lý bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh nhằm thu hút, kêu gọi, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh.

Hiện, việc thực hiện các Đề án bước đầu đạt một số kết quả trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Tuy nhiên đến nay, kết quả thực hiện các đề án chưa hoàn toàn đạt được mục tiêu đề ra do còn vướng mắc trong cơ chế, chính sách, thủ tục pháp lý…