17:28 16/01/2024

Các hãng đồ chơi trẻ em không dễ dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc

Bình Minh

Các hãng sản xuất đồ chơi trẻ em trầy trật vì chi phí leo thang ở Trung Quốc nhận thấy không có lựa chọn dễ dàng nào để dịch chuyển sản xuất sang các quốc gia có chi phí rẻ hơn...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Cách đây 6 năm, hãng đồ chơi độc quyền Hasbro tiếp cận Aequs - một công ty cung cấp hàng hoá lâu bền và thiết bị hàng không của Ấn Độ - với mục đích ký hợp đồng phụ.

“Họ nói nếu chúng tôi sản xuất được đồ chơi, họ sẽ dịch chuyển việc sản xuất nhiều triệu USD sản phẩm từ Trung Quốc sang Ấn Độ”, ông Rohit Hedge - trưởng bộ phận tiêu dùng dọc của Aequs - kể lại với hãng tin Reuters. “Chúng tôi nói miễn sao nhận được lượng đơn hàng trị giá khoảng 100 triệu USD trong mấy năm tới, chúng tôi chắc chắn sẽ đầu tư”.

Hiện nay, Aequs đang sản xuất hàng chục loại đồ chơi cho Hasbro và một số hãng khác bao gồm Spin Master tại một cơ sở rộng gần 33.000 mét vuông ở Belgaum, Ấn Độ. Tuy nhiên, ông Hedge và các nhà sản xuất khác thừa nhận rằng Ấn Độ và các quốc gia khác không thể đạt được ngang tầm với Trung Quốc về hiệu quả sản xuất. Thực tế này hạn chế khả năng của các hãng đồ chơi trong việc dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc sang các quốc gia có chi phí rẻ hơn, đồng thời đặt ra rủi ro giá đồ chơi tăng cao trong tương lai nếu phần lớn hoạt động sản xuất vẫn đặt ở Trung Quốc.

“HIỆU QUẢ SẢN XUẤT CỦA TRUNG QUỐC TỐT HƠN NHIỀU”

“Ở Ấn Độ, chúng tôi không có hạ tầng cảng như Trung Quốc. Chúng tôi không có đường xá được như Trung Quốc. Họ đã làm những việc này trong 30 năm qua, và hiệu quả sản xuất của họ tốt hơn nhiều so với chúng tôi”, ông Hedge nói.

Dù vậy, đối với các hãng đồ chơi như Hasbro hay Mattel, rủi ro của việc tập trung phần lớn hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đã được thể hiện rõ trong đại dịch Covid-19, khi các hải cảng của nước này liên tiếp trải qua các đợt phong toả khiến hàng hoá bị mắc kẹt. Chi phí nhân công tăng mạnh ở Trung Quốc là một yếu tố khác khiến các nhà sản xuất ở tất cả mọi lĩnh vực tính đến việc đa dạng hoá sản xuất khỏi nước này.

Một báo cáo hồi tháng 9 năm ngoái của công ty nghiên cứu và tư vấn Rhodium Group cho thấy vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) theo hình thức GI được công bố của doanh nghiệp Mỹ và châu Âu vào Ấn Độ đã tăng thêm 65 tỷ USD, tương đương tăng 400%, trong thời gian 2021-2022. Trong khi đó, vốn FDI vào Trung Quốc giảm xuống dưới 20 tỷ USD vào năm 2022, từ mức đỉnh 120 tỷ USD vào năm 2018. Các nước Mexico, Việt Nam và Malaysia cũng thu hút một phần trong dòng vốn chuyển hướng này.

Đầu tư GI (greenfield investment) là một hình thức FDI trong đó công ty mẹ lập ra một công ty con ở một quốc gia khác, xây dựng các hoạt động của mình ngay từ đầu.

Tuy nhiên, các hãng đồ chơi trẻ em gặp nhiều khó khăn trong việc dịch chuyển sản xuất trong khi doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác thành công.

Trong 7 tháng đầu năm ngoái, Trung Quốc đại lục vẫn chiếm 79% số đồ chơi trẻ em bán ở Mỹ và châu Âu, so với tỷ trọng 82% vào năm 2019 - theo dữ liệu từ S&P Global Market Intelligence. Đối với mặt hàng dệt may, Trung Quốc đại lục chiếm 35% lượng nhập khẩu vào thị trường Mỹ và châu Âu vào năm 2019, và tỷ lệ này đã giảm còn 30% trong 7 tháng đầu năm 2023, với Ấn Độ và Mexico là hai nước hưởng lợi nhiều nhất.

“Dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc đại lục có dễ dàng không? Câu trả lời là không. Đối với lĩnh vực đồ chơi trẻ em, độ khó tăng gấp đôi”, chuyên gia Chris Rogers của S&P Global Market Intelligence phát biểu. “Đó là vì đồ chơi có tính mùa vụ cao hơn, nhà sản xuất phải có đối tác chấp nhận hàng tồn kho trong phần lớn thời gian của năm. Các nhà sản xuất đồ chơi trẻ em cũng rất cặn kẽ về vấn đề an toàn, từ việc tìm nguồn cho tới đảm bảo người lao động được đối xử đúng mực”.

Tiền lương tối thiểu ở Trung Quốc dao động từ 1.420-2.690 Nhân dân tệ (199-376 USD)/tháng, còn tiền lương của lao động chưa có kỹ năng và có kỹ năng trung bình ở Ấn Độ dao động từ 9.000-15.000 rupee (108-180 USD)/tháng.

Nhưng việc tạo nguồn hàng từ các quốc gia khác ngoài Trung Quốc có thể mất tới 18 tháng nếu một công ty mua sản phẩm từ một nhà sản xuất hợp đồng, và lên tới 3 năm nếu một công ty xây một nhà máy mới từ con số 0 - theo ông Rogers. Đồ chơi lên kệ vào mùa thu sẽ phải được sản xuất từ tháng 5, sau đó đưa vào kho hoặc vận chuyển.

ÁP LỰC TĂNG GIÁ ĐỒ CHƠI TRẺ EM

Hasbro bắt đầu đề cập đến việc phụ thuộc nhiều vào sản xuất ở Trung Quốc như một rủi ro trong hoạt động sản xuất-kinh doanh trong báo cáo thường niên vào năm 2018. Mattel được cho là đã bắt đầu dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc từ năm 2007, khi hãng này phải thu hồi hàng triệu món đồ chơi bị nhiễm độc sơn chì. Từ khi Covid-19 trở thành đại dịch, nỗ lực dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc trong ngành công nghiệp đồ chơi trẻ em càng được đẩy mạnh.

Vòng xoáy tăng lương ở Trung Quốc đang đẩy giá đồ chơi tăng. Chẳng hạn ở Anh, giá đồ chơi đã tăng 8% trong 6 tháng đầu năm 2022, theo công ty dữ liệu Circana. Rủi ro đối với người tiêu dùng là giá đồ chơi sẽ tiếp tục tăng mạnh nếu nhà sản xuất không thể cắt giảm chi phí bằng việc dịch chuyển sản xuất sang những quốc gia có chi phí rẻ hơn.

Thuế nhập khẩu đồ chơi từ Trung Quốc vào Mỹ hiện ở mức thấp, nhưng điều này có thể thay đổi vì một số nghị sỹ Cộng hoà đang kêu gọi rút địa vị “quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn” của Trung Quốc. Một động thái như vậy có thể làm giá đồ chơi trẻ em ở Mỹ tăng hơn 1/5 - theo Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ.

“Chúng tôi đang xem xét giảm rủi ro liên quan tới Trung Quốc”, Giám đốc điều hành Nic Aldridge của hãng đồ chơi Anh Bandai UK cho biết. “Giá nguyên vật liệu đầu vào ở Trung Quốc đã tăng mạnh, chúng tôi đang tìm những địa chỉ có chi phí hợp lý hơn”.

Bandai hiện vẫn chủ yếu sản xuất ở Trung Quốc đại lục, nhưng một số sản phẩm của hãng này đã được chuyển sang làm tại các quốc gia và vùng lãnh thổ khác gồm Đài Loan, Nhật Bản và Việt Nam. Hãng cũng đang xem xét Ấn Độ và Thái Lan để chuyển sản xuất, ông Aldridge cho hay.

Hãng đồ chơi MGA Entertainment nhận thấy rằng cơ sở hạ tầng tại các địa chỉ sản xuất ngoài Trung Quốc là những trở ngại đối với việc đa dạng hoá sản xuất sang các quốc gia như Ấn Độ hay Việt Nam. Trong 5 năm qua, Ấn Độ chỉ chiếm 1% lượng đồ chơi trẻ em được nhập khẩu vào Mỹ và EU - theo dữ liệu từ Panjiva.

“Vấn đề ở Ấn Độ là ngay cả việc di chuyển từ bang này sang bang khác cũng gặp khó khăn. Ở đó còn có rất nhiều quy định khó hiểu”, CEO Isaac Larian của MGA Entertainment nói với Reuters. “Nhưng hạ tầng ở các nước đang ngày càng tốt hơn, và những quốc gia này cũng nhận thấy cơ hội tốt để thu hút sản xuất từ Trung Quốc, và họ đầu tư để cải thiện”.