Chuyển đổi số - Yếu tố then chốt trong chiến lược giai đoạn mới của các Thương hiệu Mạnh Việt Nam
Chuyển đổi số không chỉ là nhu cầu bức thiết để tồn tại mà trở thành “vũ khí” để doanh nghiệp bứt tốc sau đại dịch, trở thành trọng tâm của nhiều Thương hiệu Mạnh Việt Nam...
Đại dịch Covid-19 đã tác động nặng nề tới mọi mặt của nền kinh tế, khiến hàng nghìn doanh nghiệp phá sản hoặc tạm dừng hoạt động. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chưa từng thấy đó, những sáng kiến và cách làm mới đã nảy sinh, giúp nhiều doanh nghiệp vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội để phát triển.
Trong đó, chuyển đổi số không chỉ là nhu cầu bức thiết để tồn tại mà trở thành “vũ khí” để doanh nghiệp bứt tốc sau đại dịch. Đây cũng trở thành một phần quan trọng trong định hướng chiến lược giai đoạn hậu Covid-19 của Thương hiệu Mạnh Việt Nam 2020 – 2021, danh hiệu do Tạp chí Kinh tế Việt nam bình chọn và vinh danh.
Trong ngành tài chính - ngân hàng, giữa lúc dịch bệnh phức tạp và bắt kịp xu hướng số hóa ngân hàng, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã đẩy mạnh hơn nữa dịch vụ thanh toán ngân hàng không tiếp xúc.
“Chiến lược của Sacombank là đi đầu về dich vụ số nên việc đầu tư công nghệ, tuy tốn kém nhưng cần thiết để thực hiện. Đầu tư về công nghệ sẽ giúp tạo thêm cơ hội kinh doanh, cơ hội tăng thêm doanh thu và tiết giảm các chi phí vận hành thủ công. Do đó, tuy tốn kém về chi phí đầu tư, nhưng các nguồn lợi có được trong tương lai sẽ giúp tăng trưởng lợi nhuận nhiều hơn”, ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng giám đốc Sacombank cho biết.
Cùng quan điểm, bà Lê Thu Thủy, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeaBank) cho rằng mục tiêu cuối cùng của số hóa là nâng cao hiệu quả kinh doanh, nâng cao năng lực thích ứng của doanh nghiệp với môi trường kinh doanh cạnh tranh ngày càng cao, đồng thời mang đến trải nghiệm đa kênh cho khách hàng. Bà cho biết SeaBank sẽ kiên định định với chiến lược “Hội tụ số” và số hóa chính là chìa khóa để thực hiện các mục tiêu tới năm 2025.
Trong lĩnh vực bảo hiểm, cả Việt Nam và trên thế giới đều đang chứng kiến làn sóng chuyển đổi số đang được thức đẩy mạnh mẽ và trở thành trọng tâm chiến lược của nhiều thương hiệu bảo hiểm, đặc biệt là dưới áp lực phải đổi mới trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Với Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV (BIC), đây được xem một trong những yếu tố quan trọng để tạo ra bứt giá trong hoạt động kinh doanh thời gian tới và được đầu tư bài bản với một chiến lược tổng thể. Công ty này muốn thông qua chuyển đổi số để thay đổi và cải tiến toàn diện mọi mặt hoạt động, không chỉ là hệ thống công nghệ thông tin mà còn là sản phẩm, phương thức kinh doanh, bán hàng, bồi thường….
Đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực giao vận, đằng sau đại dịch không chỉ là những thách thức mà còn mang đến cơ hội để có thể đi tiên phong và dẫn đầu thị trường. Nắm bắt cơ hội này, Công ty Bưu điện Việt nam (Vietnam Post) đã lên kế hoạch triển khai thí điểm giải pháp giao hàng không tiếp xúc với hệ thống điểm lấy hàng tự động qua Tủ khóa thông minh (Smart Locker). Trong tháng 6, doanh nghiệp này đã tiến hành thử nghiệm hơn 50 tủ khóa thông minh đặt tại các bưu điện trung tâm, khu chung cư, trung tâm thương mại, khối văn phòng… tại Hà Nội và TP.HCM, sau đó mở rộng ra các tỉnh, thành khách nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm ngày càng lớn của người tiêu dùng, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh.
“Tủ khóa thông minh Smart Locker được đánh giá là một giải pháp sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động chuyển phát hàng hóa thời thương mại điện tử, giúp khách hàng chủ động và an tâm khi nhận hàn mà không cần tiếp xúc ở khoảng các gần với nhân viên giao hàng”, ông Lê Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Post, cho biết. “Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, Tủ khóa thông minh góp phần thiết thực trong bảo vệ an toàn sức khỏe của khách hàng, nhân viên và cùng cộng đồng chung tay đẩy lùi dịch bệnh”.
Theo các chuyên gia, đại dịch Covid-19 là “chất xúc tác” cho chuyển đổi số của các doanh nghiệp, khi mà người khách hàng của họ phải ở nhà nhiều hơn, trực tuyến nhiều hơn. Nghiên cứu của Mastercard Việt Nam, Campuchia và Lào, cho thấy đại dịch là “chất xúc tác” giúp phát triển tư duy “kỹ thuật số là mặc định”.
Chuyển đổi số cũng là một trong những mục tiêu trọng tâm của Chính phủ Việt Nam trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thơi gian tới. Ngày 2/6/2020, Chính phủ đã ban hành Quyết định 749/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".
Phát biểu tại sự kiện Hội nghị và Triển lãm Thế giới số 2021 (ITU Digital World 2021) trực tuyến, do Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) và Bộ Thông tin và Truyền thông đồng tổ chức, tối 12/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định chuyển đổi số là hướng đi đúng đắn, vừa đảm bảo trạng thái hoạt động bình thường trên không gian số, vừa góp phần thúc đẩy phục hồi kinh tế với sức khỏe và sự an toàn của người dân luôn được đặt lên trên hết và trước hết.
Thủ tướng cho biết Chính phủ Việt Nam coi hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu, các nền tảng số quốc gia là yếu tố then chốt và đang nỗ lực tăng tốc lộ trình chuyển đổi số quốc gia.
“Chính phủ luôn tin tưởng lực lượng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng đối với việc triển khai thành công tiến trình này; để kinh tế số Việt Nam có thể phấn đấu chiếm 20% tỷ trọng GDP quốc gia vào năm 2025 và phấn đấu 30% vào năm 2030”, Thủ tướng nhấn mạnh.