06:00 02/09/2021

Các “ông lớn” tăng tốc đầu tư vào AI

Nhĩ Anh

Trong cuộc Cách mạng 4.0, trí tuệ nhân tạo (AI) được xem là một trong những công nghệ đột phá, thúc đẩy chuyển đổi số thành công. Nắm bắt xu thế này, các doanh nghiệp công nghệ lớn của Việt Nam đã và đang có những bước đi mạnh mẽ trong đầu tư nghiên cứu, phát triển ứng dụng AI...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo dự báo của Analytics Insight, thị trường AI toàn cầu sẽ đạt con số trên 150 tỷ USD vào năm 2023. Trong cuộc đua này, các công ty công nghệ lớn trên thế giới như Google, Facebook, Microsoft, Apple, Amazon, IBM của Mỹ hay Baidu, Alibaba, Tencent, Huawei của Trung Quốc đang tập trung đầu tư mạnh mẽ, đổ hàng chục tỷ USD vào AI nhằm mục tiêu trở thành những người tiên phong.

"CUỘC ĐUA" CỦA CÁC DOANH NGHIỆP CÔNG NGHỆ 

Các doanh nghiệp công nghệ lớn trong nước cũng không ngoài cuộc đua này.  Tập đoàn FPT mới đây tuyên bố sẽ chi 300 tỷ đồng cho các hoạt động nghiên cứu, phát triển AI trong vòng 5 năm tới.

 
"FPT có một khát vọng trở thành công ty hàng đầu thế giới về chuyển đổi số. Điều này cũng có nghĩa, FPT phải vươn lên vị trí Top đầu thế giới về AI. Khát vọng này chỉ được hiện thực hóa với những hành động cụ thể".
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT

Ngay từ năm 2013, tập đoàn này đã đầu tư nghiên cứu, phát triển công nghệ AI, và hiện đã hình thành được hệ sinh thái đa dạng các sản phẩm, giải pháp, nền tảng giúp doanh nghiệp, tổ chức tối ưu vận hành, nâng cao hiệu suất và đem đến trải nghiệm vượt trội cho khách hàng. Đến nay có hơn 100 doanh nghiệp sử dụng các giải pháp AI của FPT, phục vụ cho hơn 14 triệu người dùng thiết bị đầu cuối.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT cho biết FPT có một khát vọng, đó là trở thành công ty hàng đầu thế giới về chuyển đổi số. Điều này cũng có nghĩa FPT phải vươn lên vị trí top đầu thế giới về AI. Khát vọng này chỉ được hiện thực hóa với những hành động cụ thể. FPT đang góp sức để xây dựng Bình Định thành trung tâm AI hàng đầu của Việt Nam và tiếp đến là của khu vực và thế giới. Hợp tác với Viện nghiên cứu Mila, đồng thời mở phân hiệu Đại học FPT với chuyên ngành riêng về AI… là những động thái của FPT nhằm đào tạo, thu hút các tài năng xây dựng sức mạnh AI cho Việt Nam.

Bên cạnh FPT, một số doanh nghiệp lớn khác như: Viettel, VNPT, VNG, Vingroup… đều đang đầu tư lớn cho nghiên cứu, phát triển AI.

Trong nỗ lực thực hiện mục tiêu trở thành đơn vị công nghệ hàng đầu Việt Nam, tiên phong dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, VNPT đã đẩy mạnh nghiên cứu, làm chủ những công nghệ lõi cũng như triển khai và ứng dụng các dịch vụ công nghệ hiện đại. Trong đó, AI đang được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, từ bảo vệ thông tin cá nhân, chăm sóc khách hàng tới triển khai mô hình đô thị thông minh, trung tâm điều hành thông minh, y tế điện tử, giao thông thông minh, chính quyền số, nông nghiệp…

AI cùng với Internet vạn vật (IoT), 5G, điện toán đám mây, dữ liệu lớn là những công nghệ cốt lõi giúp chuyển đổi số thành công. Viettel đã nghiên cứu và triển khai các công nghệ này để đưa ra các giải pháp và dịch vụ số nhằm trở thành đơn vị tiên phong và chủ lực kiến tạo xã hội số tại Việt Nam.

Chia sẻ với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/ VnEconomy, ông Nguyễn Mạnh Quý, Giám đốc Trung tâm không gian mạng Viettel, cho biết tập đoàn xác định mục tiêu chiến lược trước tiên là đầu tư vào các công nghệ phục vụ người Việt như ứng dụng xử lý ngôn ngữ, giọng nói, chữ viết tiếng Việt với độ chính xác cao và thông minh hơn. Với việc đưa ra nền tảng Viettel AI Open Platform, Viettel cung cấp các API giúp các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có thể tích hợp, thông minh hóa các ứng dụng của mình. Đến nay nền tảng này đã có hơn 70.000 cá nhân và tổ chức đăng ký sử dụng.

Cùng với việc đầu tư nghiên cứu các xu hướng công nghệ mới của thế giới, Viettel sẽ đầu tư vào các cung cấp nền tảng, cung cấp các dịch vụ số có tác động lan tỏa xã hội mạnh mẽ, mang lại nhiều giá trị hơn cho người dùng, đưa AI thâm nhập sâu hơn và thực tế cuộc sống, hỗ trợ thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Để nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển công nghệ AI, Viettel và Vingroup đã tiên phong đầu tư các hệ thống siêu máy tính nhằm nghiên cứu các bài toán có độ phức tạp cao, đồng thời đẩy nhanh quá trình phát triển công nghệ AI. Trong thời gian qua, Vingroup đã đẩy mạnh các hoạt động đầu tư cho công nghệ trong đó có AI đưa ra các giải pháp ứng dụng công nghệ này trong lĩnh vực y tế , cho ô tô thông minh, xe tự lái…

BẮT NHỊP LÀN SÓNG MỚI, KHAI THÁC CƠ HỘI

Ông Bùi Hải Hưng, Tổng giám đốc Công ty Nghiên cứu và Ứng dụng trí tuệ nhân tạo VinAI (Tập đoàn Vingroup), cho rằng AI đã trở thành công cụ hữu hiệu góp phần giải quyết các khó khăn cũng như tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt. Mặc dù sở hữu tiềm năng lớn, việc phát triển lĩnh vực này trong nước vẫn còn nhiều thử thách. “Là đơn vị đi đầu trong nghiên cứu và ứng dụng AI, chúng tôi có mục tiêu mang các nghiên cứu và sản phẩm AI của Việt Nam ra thế giới”, ông Hưng chia sẻ.

Còn với VNG, công nghệ AI cũng được công ty này nỗ lực thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, trong đó có thể kể đến trợ lý ảo Kiki. Chia sẻ với báo chí, ông Vương Quang Khải, Phó Tổng giám đốc điều hành VNG cho rằng, làn sóng tiếp theo là AI và chúng ta nên đầu tư. Nếu không theo kịp làn sóng công nghệ thay đổi mạnh mẽ từng ngày, doanh nghiệp có thể trở thành người ngoài cuộc trong tương lai.

 
"Là đơn vị đi đầu trong nghiên cứu và ứng dụng AI, chúng tôi có mục tiêu mang các nghiên cứu và sản phẩm AI của Việt Nam ra thế giới".
Ông Bùi Hải Hưng, Tổng giám đốc Công ty Nghiên cứu và Ứng dụng trí tuệ nhân tạo VinAI (Tập đoàn Vingroup)

Theo các chuyên gia, đầu tư cho nghiên cứu phát triển công nghệ AI là một cuộc chơi tốn kém và khó khăn. Tuy nhiên, đây là một xu hướng, nếu các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam không tham gia cuộc chơi sẽ bị lạc hậu.

Mặc dù ngân sách đầu tư cho AI của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chưa thể sánh với các ông lớn công nghệ thế giới, nhưng theo các chuyên gia, sự vào cuộc của các doanh nghiệp công nghệ Việt là một tín hiệu tốt, đặc biệt với sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp khối tư nhân đã tạo động lực thúc đẩy phát triển.

Với việc đầu tư phát triển công nghệ AI của các tập đoàn lớn như FPT, Viettel, Vingroup, đã thu hút các chuyên gia, kỹ sư AI người Việt ở khắp nơi trên thế giới về làm việc, tổ chức các cuộc hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài từng bước hình thành cộng đồng AI tại Việt Nam… Theo thống kê tại Hội nghị quốc tế về AI năm 2020, Việt Nam có tổ chức nghiên cứu đứng thứ 21 trên bản đồ AI thế giới.

GẮN VỚI CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN, BÀI TOÁN CỤ THỂ

Để phát triển công nghệ AI, một số chuyên gia cho rằng cần hội tủ đủ các điều kiện về dữ liệu, người dùng và có bài toán ứng dụng đủ lớn để sinh lợi nhuận. Bên cạnh đầu tư nghiên cứu công nghệ lõi, xây dựng các nền tảng, phần lớn các doanh nghiệp đang hướng đến các bài toán ứng dụng AI cụ thể trong kinh doanh để mang lại lợi nhuận.

 
"Viettel sẽ đầu tư vào các cung cấp nền tảng, cung cấp các dịch vụ số có tác động lan tỏa xã hội mạnh mẽ, mang lại nhiều giá trị hơn cho người dùng, đưa AI thâm nhập sâu hơn và thực tế cuộc sống, hỗ trợ thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số quốc gia".
Ông Nguyễn Mạnh Quý, Giám đốc Trung tâm không gian mạng Viettel

Hiện nay, mỗi doanh nghiệp có một chiến lược đầu tư nghiên cứu, phát triển ứng dụng AI theo hệ sinh thái kinh doanh cụ thể, cốt lõi của riêng mình.  Tùy hướng mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp tập trung vào ngành nghề, lĩnh vực nào sẽ đầu tư AI tích hợp vào các ứng dụng sản phẩm để giải bài toán cụ thể.

Theo các chuyên gia, công nghệ AI không phát triển độc lập mà cần phải được tích hợp vào các giải pháp, ứng dụng, dịch vụ số cụ thể để cung cấp, mang lại giá trị cho các doanh nghiệp và người dân. Cùng với việc nghiên cứu cập nhật, bắt nhịp xu thế công nghệ thế giới, doanh nghiệp công nghệ Việt cần tùy chỉnh để đưa ra các ứng dụng, giải pháp phù hợp với bài toán của Việt Nam, trong lĩnh vực đã sẵn sàng về dữ liệu.

Nhà sáng lập Got It Trần Việt Hùng nhấn mạnh, điều quan trọng là AI phải được ứng dụng giải quyết một vấn đề cụ thể trong xã hội cũng như hoạt động của doanh nghiệp, thị trường.

Đầu tư cho chuyển đổi số nói chung trong đó có AI là một xu thế tất yếu giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Các doanh nghiệp phải nhìn thấy rõ nhu cầu bài toán cần giải, các mục tiêu cụ thể thực tế trong hoạt động sản xuất kinh doanh để ứng dụng giải pháp công nghệ phù hợp.

 
Tháng 1/2021, Chính phủ cũng đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến 2030 nhằm đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI, đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam vào nhóm 5 nước dẫn đầu trong khu vực ASEAN và nhóm 60 nước dẫn đầu trên thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI; xây dựng được 5 thương hiệu AI có uy tín trong khu vực.