Các quỹ ETF bị rút ròng gấp 10 lần năm 2023
Giá trị rút ròng lũy kế từ đầu năm 2024 ở các quỹ ETF đạt hơn 17,1 nghìn tỷ đồng, gấp 10,7 lần so với tổng giá trị rút ròng của năm 2023 hơn 1,5 nghìn tỷ đồng và tương đương 33,5% giá trị bán ròng của khối ngoại từ đầu năm 2024.
Trong ngày 9/7/2024, các quỹ ETF đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam duy trì trạng thái rút ròng mạnh với hơn 268 tỷ đồng. Đây là phiên thứ 9 liên tiếp dòng tiền rút ròng với giá trị lũy kế đạt hơn 2,7 nghìn tỷ đồng. Động thái rút ròng diễn ra ở 9 quỹ, chủ yếu ở quỹ VFM VNDiamond ETF, theo thống kê từ FiinTrade.
Tháng 7/2024, dòng tiền qua các quỹ ETF ghi nhận rút ròng hơn 1,7 tỷ đồng.
Như vậy, giá trị rút ròng lũy kế từ đầu năm 2024 ở các quỹ ETF đạt hơn 17,1 nghìn tỷ đồng, gấp 10,7 lần so với tổng giá trị rút ròng của năm 2023 (hơn 1,5 nghìn tỷ đồng) và tương đương 33,5% giá trị bán ròng của khối ngoại từ đầu năm 2024.
Tổng giá trị tài sản ròng của các quỹ ETF bao gồm ETF nước ngoài và trong nước đạt 69 nghìn tỷ đồng trong ngày 9/7, tăng 0,37% so với ngày 8/7. Cần lưu ý đây là tổng giá trị tài sản ròng chỉ tính cho thị trường Việt Nam.
Cụ thể, các quỹ ETF ngoại bị rút ròng mạnh hơn 108 tỷ đồng, đóng góp chủ yếu ở quỹ Xtrackers FTSE Vietnam ETF bị rút ròng 76,5 tỷ đồng. Quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF cũng ghi nhận rút ròng 62 tỷ đồng. Ngược lại, quỹ đến từ Hàn Quốc KIM ACE Vietnam VN30 ETF lại hút ròng hơn 35 tỷ đồng. Quỹ iShares MSCI Frontier and Select ETF không có biến động về dòng tiền.
Các quỹ ETF trong nước tiếp tục rút ròng với gần 160 tỷ đồng, đây là phiên thứ 9 liên tiếp dòng tiền ở trạng thái âm với giá trị lũy kế hơn 2,1 nghìn tỷ đồng. Đóng góp chính là quỹ VFMVN Diamond ETF với giá trị rút ròng hơn 204 tỷ đồng. Ngược lại, quỹ VFM VN30 ETF vào ròng gần 37 tỷ đồng. Các quỹ ETF nội khác không có biến động về dòng tiền.
Riêng trong ngày 10/7/2024, quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF bị rút ròng mạnh gần 173 tỷ đồng và quay lại bán ra các cổ phiếu. Giá trị bán ròng ước tính đạt hơn 181 tỷ đồng. Top bán ròng là HPG 674 nghìn cổ phiếu, giá trị ròng 19,5 tỷ đồng, VHM (-391 nghìn cổ phiếu, -14,9 tỷ đồng), VIC (-368 nghìn cổ phiếu, -15 tỷ đồng), SSI (-352 nghìn cổ phiếu -12,2 tỷ đồng), và SHB (-328 nghìn cổ phiếu, -3,8 tỷ đồng).
Ngoài ra, quỹ VFM VNDiamond ETF tiếp tục bị rút ròng hơn 63 tỷ đồng, lũy kế 9 phiên bị rút ròng hơn 2,3 nghìn tỷ đồng. Ngược lại, quỹ VFM VN30 ETF vào ròng nhẹ hơn 9 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, không chỉ riêng Việt Nam, dòng vốn tại khu vực Đông Nam Á tiếp tục ghi nhận rút ròng tháng thứ 6 liên tiếp với giá trị 186 triệu USD.
Ngược lại, dòng vốn vào cổ phiếu thị trường đang phát triển (EM) hưởng lợi từ tâm lý đầu tư tích cực toàn cầu và vào ròng 12,4 tỷ USD trong tháng 6. Dòng vốn quay trở lại thị trường Trung Quốc (+9,2 tỷ USD) nhờ dòng tiền vào các quỹ ETF đa quốc gia. Bên cạnh đó, thị trường Ấn Độ vẫn thu hút dòng tiền trong tháng 5 (+3,9 tỷ USD), đặc biệt từ các quỹ chủ động.
Dòng vốn cũng đổ vào quỹ cổ phiếu thị trường phát triển (DM) vào ròng 29,5 tỷ USD. Dòng tiền tiếp tục tìm đến thị trường Mỹ trong tháng 6 (+29,5 tỷ USD).
Tính riêng khối ngoại, nhà đầu tư nước ngoài cũng duy trì lực bán ròng mạnh trong tháng 6/2024 với giá trị bán ròng là hơn 16.738 tỷ đồng. Tổng giá trị bán ròng lũy kế trong 6 tháng đầu năm 2024 của nhà đầu tư nước ngoài là hơn 49,7 nghìn tỷ đồng. Trong T6/24 nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 16.591 tỷ đồng trên sàn HoSE và hơn 220 tỷ đồng trên sàn UPCoM, trong khi mua ròng hơn 74 tỷ đồng trên sàn HNX.
Trong 2 tháng bán ròng mạnh gần đây của nhà đầu tư nước ngoài, giá trị bán ròng của các ETF chỉ tương đương khoảng 15% tổng giá trị bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài. Do đó có thể thấy việc bán ròng mạnh gần đây của nhà đầu tư nước ngoài không phải chủ yếu đến từ việc bán ròng của các ETF.
Nhận định về dòng vốn ngoại nói riêng và ETF nói chung trong thời gian tới, theo quỹ ngoại Lumen Fund Vietnam, có một số yếu tố chính định hình sự tăng trưởng của thị trường gồm: Khả năng giảm áp lực bán ra của nhà đầu tư nước ngoài là một yếu tố tích cực đáng kể cho thị trường. Khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể giảm lãi suất, các thị trường mới nổi, bao gồm Việt Nam, được kỳ vọng sẽ thu hút sự quan tâm mới của nhà đầu tư nước ngoài.
Việc Việt Nam được nâng lên địa vị Thị trường Mới nổi bởi FTSE vào tháng 9 năm 2025 có thể sẽ thúc đẩy thêm các dòng vốn đầu tư nước ngoài, khi các thay đổi về quy định, như việc gỡ bỏ yêu cầu thanh toán trước, được kỳ vọng sẽ cải thiện khả năng tiếp cận thị trường.