Các quỹ ETF ngoại tiếp tục rút ròng gần 900 tỷ chỉ trong vòng một tuần
Động thái rút ròng diễn ra ở 12/19 quỹ, tập trung chủ yếu ở quỹ ngoại VanEck Vietnam ETF rút ròng 385, 1 tỷ đồng. Giá trị rút ròng trong tuần tăng nhẹ 0,8% so với tuần trước đó.

Trong tuần từ ngày 14/4 - 18/4/2025, các quỹ ETF đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục bị rút ròng hơn 882 tỷ đồng, theo thống kê từ FiinTrade.
Động thái rút ròng diễn ra ở 12/19 quỹ, tập trung chủ yếu ở quỹ ngoại VanEck Vietnam ETF (-385, 1 tỷ đồng). Giá trị rút ròng trong tuần tăng nhẹ 0,8% so với tuần trước đó.
Trong đó, các quỹ ETF ngoại bị rút ròng với hơn 736 tỷ đồng, tập trung phần lớn ở quỹ VanEck Vietnam ETF (-385,1 tỷ đồng). Quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF cũng bị rút ròng mạnh với hơn 370 tỷ đồng. Quỹ đến từ Đài Loan bán ròng mạnh các cổ phiếu HPG, SSI, VIC, SHB, MSN. Ngược lại, quỹ Xtrackers FTSE Vietnam ETF lại vào ròng hơn 29 tỷ đồng. Các quỹ ngoại khác không có biến động về dòng tiền.
Áp lực rút ròng ở nhóm quỹ ETF nội giảm mạnh với gần 146 tỷ đồng, phân bổ chủ yếu ở quỹ VFM VNDiamond ETF (-161,3 tỷ đồng). Ngoài ra, quỹ VEM VN30 ETF cũng bị rút ròng hơn 5 tỷ đồng. Ngược lại, quỹ MAFM VN30 ETF và quỹ SSIAM VNFIN LEAD lại hút ròng lần lượt gần 8 tỷ đồng và 7 tỷ đồng.
Với dòng tiền từ Thái Lan thông qua chứng chỉ lưu ký (DRs): Nhà đầu tư Thái Lan mua ròng 600 nghìn chứng chỉ lưu ký ở quỹ VFM VNDiamond ETF (mã FUEVFVND01), tương đương 17,3 tỷ đồng. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng mua vào 950 nghìn chứng chỉ lưu ký ở quỹ VFM VN30 ETF (mã E1VFVN3001), tương đương 21,7 tỷ đồng.

Trong tháng 4/2025, các quý ETF bị rút ròng hơn 2,1 nghìn tỷ đồng, nâng tổng giá trị rút ròng từ đầu năm 2025 lên hơn 6,3 nghìn tỷ đồng (thấp hơn so với năm 2024 - 21,8 nghìn tỷ đồng)
Tại ngày 18/4/2025, tổng giá trị tài sản ròng của các quỹ ETF (chỉ tính các phân bố vào thị trường Việt Nam) đạt 49,6 nghìn tỷ đồng, giảm -12,7% so với cuối năm 2024.
Riêng trong ngày hôm nay (21/4/2025), quỹ Fubon FTSE Vietnam tiếp tục bị rút ròng với hơn 19 tỷ đồng, nâng tổng giá trị rút ròng từ đầu năm lên gần 2,6 nghìn cố phiếu. Bên cạnh đó, quỹ này bán ra các cố phiếu VIC (-102 nghìn cổ phiếu, - 6,7 tỷ đồng), HPG (-47 nghìn cổ phiếu, -1,2 tỷ đồng), SSI (-28 nghìn cổ phiếu -700 triệu đồng), VHM (-23 nghìn cổ phiếu, -1,3 tỷ đồng), và VND (-22 nghìn cổ phiếu, -300 triệu đồng). Bên cạnh đó, quỹ VFM VNDiamond ETF và quỹ VEM VN30 ETF ghi nhận vào ròng lần lượt hơn 5 tỷ đồng và 38 tỷ đồng.
Mặc dù rút ròng mạnh nhưng hiệu suất của các ETF đang dẫn đầu thị trường. Trong tháng 3/2025, hiệu suất các quỹ cổ phiếu kém tích cực khi chỉ có 17/69 quỹ ghi nhận tăng trưởng dương. Hiệu suất trung bình của các quỹ cổ phiếu bao gồm quỹ mở, ETF, quỹ đóng ở mức -2,3% trong tháng 3, đảo chiều từ mức tăng +1,3% trong tháng 2.
Dẫn đầu nhóm có hiệu suất dương là các quỹ ETF ngoại với quy mô tài sản ròng lớn hơn 6 nghìn tỷ đồng, bao gồm quỹ Fubon FTSE Vietnam, VanEck Vietnam ETF, Xtrackers FTSE Vietnam. Mức tăng trưởng tích cực nhờ nắm giữ tỷ trọng lớn các cổ phiếu VIC, VHM – hai mã đóng vai trò dẫn dắt thị trường trong tháng 3.
Riêng Fubon FTSE Vietnam ETF có hiệu suất dương trong quý 1/2025 tăng 6,6% và lũy kế từ đầu năm đến ngày 11/4 đạt +1,4%. Trong quý 1, quỹ từ Đài Loan này đã bán ra khối lượng lớn cổ phiếu HPG (10,2 triệu cổ phiếu), VHM (8,9 triệu cổ phiếu), VIC (4,9 triệu cổ phiếu).
Tính chung toàn bộ các quỹ trên thị trường, dòng vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong quý 1/2025 thông qua các quỹ quay trở lại trạng thái âm với giá trị rút ròng gần 4,7 nghìn tỷ đồng sau khi vào ròng nhẹ gần 200 tỷ đồng trong quý 4/2024. Xét theo tháng, tháng 3 đánh dấu tháng rút ròng thứ 5 liên tiếp và là tháng có giá trị rút vốn mạnh nhất, theo thống kê từ FiinTrade.
Dòng vốn tiếp tục rời các quỹ cổ phiếu, với gần 2,4 nghìn tỷ đồng bị rút ròng trong tháng 3 và lũy kế quý 1 là hơn 5,3 nghìn tỷ đồng, hơn gấp đôi quy mô rút ròng trong quý 4/2024.