Các thương hiệu xa xỉ sẽ bán thời trang ảo cùng Meta như thế nào?
Meta sẽ tập trung vào việc xây dựng trải nghiệm metaverse tốt hơn cho người dùng thông qua sự hợp tác với các nhà thiết kế thời trang lớn, tạo ra các mặt hàng quần áo cao cấp cho avatars, giúp người dùng thể hiện bản thân và kết nối tốt hơn với người khác…
Mark Zuckerberg, Giám đốc điều hành Meta Platforms, sở hữu mạng xã hội Facebook, cho biết tập đoàn này chuẩn bị tung ra một cửa hàng quần áo kỹ thuật số, nơi người dùng có thể mua các trang phục ảo để thiết kế cho hình ảnh đại diện (Avatar) của họ. Ông Zuckerberg cho biết những trang phục ảo sẽ được thiết kế bởi các thương hiệu thời trang Balenciaga, Prada, Thom Browne và trong tương lai sẽ có thêm nhiều thương hiệu thời trang khác.
Những hình ảnh đầu tiên của dự án cho thấy Mark Zuckerberg đã “rũ bỏ” lớp áo ông hoàng công nghệ của mình để thử sức ở vai trò người mẫu trong thế giới metaverse, với bộ trang phục phong cách đường phố đến từ nhà mốt Balenciaga, áo sơ mi trắng và quần đùi từ dòng sản phẩm Linea Rossa của thương hiệu Prada và một trong những bộ trang phục màu xám đặc trưng của Thom Browne.
Giám đốc điều hành Meta, tỷ phú Mark Zuckerberg và Giám đốc đối tác thời trang của Instagram, Eva Chen đã tổ chức một buổi phát trực tiếp để đưa tin về sự kiện này. “Về cơ bản, đó là một cửa hàng quần áo cho hình đại diện Meta của bạn. Chúng tôi đã có rất nhiều loại quần áo miễn phí khác nhau, nhưng chúng tôi cũng muốn tạo ra một thị trường tươi mới hơn, nơi giao dịch có thể được thực hiện. Mọi người thường thích thể hiện bạn thân thông qua phong cách ăn mặc của họ,” Mark Zuckerberg nhấn mạnh.
Eva Chen cũng bình luận: “Thời trang cuối cùng là một hình thức nghệ thuật và là một cách để phô diễn bản thân. Và thật tuyệt khi giờ đây người dùng có thể có những trải nghiệm kỹ thuật số mới mẻ hơn với các thương hiệu Balenciaga, Prada và Thom Browne, tôi thật sự đang rất nóng lòng”.
Meta đã cho phép người dùng tạo hình đại diện của riêng họ kể từ năm 2019 và liên tục tung ra các bản cập nhật cùng tính năng mới như hình đại diện 3D, cùng bộ sưu tập trang phục miễn phí để người dùng tạo phong cách cho hình ảnh kỹ thuật số của họ. Theo Hypebae, hiện tại, Meta đang cung cấp hơn 100 bộ cánh avatar miễn phí trên nền tảng và hỗ trợ nhiều hình thức thanh toán. Phát ngôn viên của Meta cho biết những trang phục sắp bán tại Meta Avatars Store sẽ có giá từ 2,99 USD đến 8,99 USD, thấp hơn nhiều so với những bộ trang phục thật của các nhà thiết kế đó.
Avatars Store của Meta sẽ bắt đầu ra mắt tại Mỹ, Canada, Thái Lan và Mexico vào tuần tới, và sẽ có nhiều thương hiệu thời trang hơn tham gia khi cửa hàng chính thức đi vào hoạt động. Bất kỳ trang phục nào đã mua đều có thể được mặc trên các nền tảng do Meta sở hữu, bao gồm Facebook, Instagram và Messenger. Quần áo được bày bán bao gồm các trang phục motocross, áo hoodie có logo và các bộ âu phục.
Về phía các thương hiệu thời trang, những hứa hẹn về một môi trường ảo của Meta khiến các họ vô cùng phấn khích. Marc Zuckerberg từng nhấn mạnh rằng lựa chọn thời trang ảo trên Meta sẽ vô cùng đa dạng và như thật. “Bạn sẽ có một tủ quần áo cho nhiều dịp khác nhau, được thiết kế từ những thương hiệu thật,” anh nói. “Bên cạnh đó, trang phục sẽ chuyển động như thật theo từng bước chân của avatar ảo”. Với tương lai này, các thương hiệu thời trang có thể sẽ không cần phải may đồ nữa, mà chỉ cần thiết kế trang phục dạng số để bán cho người dùng Meta.
Với người dùng, sau khi đã sắm sửa cho avatar của mình thật đủ đầy, kế tiếp họ sẽ làm gì? Chắc chắn là đi dự tiệc tùng, tham gia liveshow ảo, họp hành, hay đi mua sắm! Cuộc sống thật sẽ được Meta chuyển thể lên nền tảng thực tế ảo một cách liền mạch nhất, công ty hứa. Bên cạnh đó, Meta còn hứa hẹn mở ra một sân chơi mới cho NFT. Ví dụ, các sản phẩm thời trang phiên bản giới hạn ngoài đời có thể được chuyển thể thành NFT trên nền tảng Meta. Avatar của bạn có thể sở hữu giày thể thao hay túi xách phiên bản giới hạn, là các NFT, từ những thương hiệu thời trang xa xỉ.
Việc xâm nhập vào thế giới ảo không những là mỏ vàng cho các thương hiệu lớn và nhỏ, mà đó còn là bước đi chứng tỏ nỗ lực để tạo sự liên quan và kết nối với khách hàng thế hệ Z. Theo cô AnneMarie Hayek, người sáng lập và chủ tịch của công ty tư vấn văn hóa Global Mosaic: “Gen Z đang mở ra một cuộc cách mạng về danh tính và trong kỷ nguyên của những cư dân kỹ thuật số này, cầu nối đầu tiên với danh tính của họ chính là thông qua những bộ trang phục ảo".
Nhu cầu cập nhật, chăm chút cho hình đại diện của người dùng trong thế giới ảo vẫn đang ngày càng tăng. Vì vậy, các thương hiệu thời trang càng có nhiều lý do hơn để đầu tư vào những bộ sưu tập kỹ thuật số. Ngoài việc sáng tạo ra những bộ sưu tập dẫn đầu xu hướng và có thể chuyển đổi qua định dạng số, các thương hiệu thậm chí đã bắt đầu sử dụng người mẫu hay KOL AI thay cho người thật.
Tất cả những điều trên phần nào phản ánh triển vọng dài hạn của toàn ngành. Theo một báo cáo được công bố bởi McKinsey vào đầu tuần này, metaverse có thể là một ngành công nghiệp trị giá 5.000 tỷ USD tới năm 2030. Thông qua đây, người tiêu dùng sẽ nhìn thấy giá trị độc đáo của thời trang trong thế giới kỹ thuật số. Đây là môi trường để thỏa sức sáng tạo, định vị tên tuổi và quan trọng nhất là thể hiện cái tôi của bản thân. Đó là vai trò thiết yếu mà người dùng cần khi bước chân vào metaverse.