Các tỉnh thành miền Trung bắt đầu chịu thiệt hại do áp thấp nhiệt đới
Do ảnh hưởng hoàn lưu rìa xa áp thấp nhiệt đới, tại Thừa Thiên Huế và Hà Tĩnh xảy ra dông, lốc xoáy gây thiệt hại về nhà cửa, cây cối...
Tại Thừa Thiên Huế, theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Phú Vang, vào lúc 5h30 ngày 18/9/2024 trên địa bàn xã Phú Hồ và Phú Xuân đã xảy ra lốc xoáy khiến 1 người bị thương nhẹ đã được sơ cấp cứu tại trạm y tế Phú Hồ. 12 hộ dân bị tốc mái nhà, công trình phụ.
Ngay sau khi nhận được báo cáo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Phú Vang đã chỉ đạo xã Phú Hồ và Phú Xuân chỉ đạo lực lượng phối hợp với các thôn cùng các gia đình bị ảnh hưởng tiến hành sửa chữa khắc phục kịp thời trong ngày 18/9. trước khi ảnh hưởng áp thấp và mưa bão.
Theo dự báo, từ ngày 19 - 21/9, tại Thừa Thiên - Huế có mưa vừa, rải rác mưa to, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa phổ biến 100 - 200 mm, có nơi trên 300 mm.
Mưa lớn có khả năng gây ra lũ lụt, lũ quét, sạt lở, trượt lở đất đá ở vùng đồi núi và nguy cơ gây ngập úng đô thị và những nơi có hệ thống thoát nước kém ở một số huyện, thị xã và thành phố Huế.
Đến 12h ngày 18/9, Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế đã kêu gọi 1.884 phương tiện/10.685 lao động, toàn bộ tàu thuyền đã vào nơi neo đậu tránh trú an toàn (100%). Phương tiện tàu cá ngoại tỉnh vào neo đậu: 23 phương tiện/194 lao động.
Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu các Đồn Biên phòng tuyến biển phối hợp với chính quyền địa phương, chủ tàu, thuyền trưởng tổ chức triển khai, hướng dẫn các phương tiện vào neo đậu, tránh va đập, đứt neo trôi dạt.
Để chủ động ứng phó trước khi mưa lũ xảy ra, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế đã cập nhật cảnh báo các vị trí có nguy cơ xảy ra rủi ro.
Trong đó, một số vị trí có nguy cơ xảy ra trượt lở đất đá như: xã Phong Xuân (huyện Phong Điền), Bốt Đỏ (xã Phú Vinh) và xã Lâm Đớt thuộc H.A Lưới; các phường, xã thuộc thị xã Hương Trà gồm Hương Vân, Bình Tiến, Hương Bình, Bình Thành; tại huyện Nam Đông có 4 vị trí có nguy cơ cao về sạt lở đất ở là tổ dân số 1 và 2 (thị trấn Khe Tre), thôn 5 (xã Thượng Long), thôn Đa Phú (xã Hương Phú).
Một số khu vực nguy cơ rất cao lũ quét và sạt lở đất gồm: thôn Ria Hố (xã Thượng Lộ), thôn 2 (xã Thượng Nhật), thôn 1 (xã Hương Lộc). Hai khu vực dân cư có nguy cơ về lũ quét thôn Ka Zan (xã Thượng Lộ), thôn Phú Thuận (xã Hương Xuân).
Huyện Phú Lộc có một số khu vực nguy cơ cao trượt lở đất đá vùng đồi núi cần sẵn sàng sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn như: thôn Phú Gia và thôn Thổ Sơn (xã Lộc Tiến); thôn Trung Phước Tượng; thôn Trung An (xã Lộc Trì); và dọc tuyến Quốc lộ 49B đoạn qua xã Lộc Bình và thôn Bạch Thạch (xã Lộc Điền).
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế cũng cảnh báo nhiều vị trí có nguy cơ sạt trượt các tuyến giao thông, sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển… khi mưa lớn xảy ra.
Tại Hà Tĩnh, theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh này, lốc xoáy xảy ra ở 3 huyện Can Lộc, Cẩm Xuyên và Lộc Hà vào sáng 18/9.
Trong đó thiệt hại nặng nhất là huyện Cẩm Xuyên, tại xã Cẩm Dương có 36 nhà dân, công trình phụ trợ bị tốc mái, 10 cột đèn đường, 50 cây xanh bị gãy đổ., tại xã Nam Phúc Thăng có 3 nhà bị tốc mái. Còn tại huyện Can Lộc 1 hộ dân ở xã Sơn Lộc bị tốc mái, 2 cột điện ở xã Quang Lộc bị đổ gãy. Ngành điện lực đã tổ chức khắc phục để không gây ảnh hưởng trên địa bàn.
Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh cảnh báo, từ ngày 18/9 đến 21/9, trên các sông ở khu vực Hà Tĩnh có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu.
Tính đến trưa 18/9, trên địa bàn huyện Hương Sơn có 15 cầu tràn bị ngập nước. Để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, các địa phương đã lắp đặt sào chắn, cắm biển cảnh báo.
Theo tin từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh cho biết, toàn tỉnh hiện có 3.651 phương tiện tàu thuyền với 10.666 lao động. Sau thời gian tuyên truyền, cảnh báo về diễn biến phức tạp của áp thấp nhiệt đới, đến sáng 18/9 toàn tỉnh có 3.643 phương tàu thuyền với 10.633 lao động đã về nơi neo đậu, tránh trú an toàn. Hiện nay, chỉ còn 8 phương tiện với 33 lao động đang hoạt động trên biển.
Qua theo dõi, nắm bắt, trong số các phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển có 5 thuyền với 22 lao động hoạt động khu vực gần bờ, vùng lộng, vùng khơi biển Hà Tĩnh; 1 tàu với 3 lao động hoạt động ở vùng biển Bạch Long Vĩ và 2 tàu với 8 lao động hoạt động ở khu vực biển Đà Nẵng.
Hiện nay, các phương tiện tàu thuyền của ngư dân trong và ngoài tỉnh đang neo đậu tại các Cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão ven biển Hà Tĩnh đều thuận lợi, đảm bảo an toàn về người, tài sản. Một số khu neo đậu còn có thể tiếp nhận thêm tàu thuyền của ngư dân vào tránh trú khi cần thiết.