Các trường đại học miễn học phí, tạo cơ chế thu hút người tài
Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, miễn học phí cho học viên cao học và nghiên cứu sinh. Đại học Quốc gia TPHCM dự kiến mời các giáo sư thỉnh giảng góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu tại trường...

Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, vừa ban hành Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học”.
Theo nhà trường, đây không chỉ là chính sách hỗ trợ, mà còn là cam kết mạnh mẽ trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy nghiên cứu khoa học gắn kết với thực tiễn, tạo ra mô hình giáo dục tiên tiến theo chuẩn quốc tế.
Cụ thể, chương trình đào tạo thạc sĩ: đối với học viên cao học là trợ giảng của Nhà trường được cấp học bổng tương đương mức học phí phải đóng; được nhận lương và hưởng các quyền lợi khác theo quy định của Nhà trường đối với trợ giảng.
Đối với học viên cao học không phải là trợ giảng của Nhà trường được cấp học bổng tương đương mức học phí phải đóng; được Nhà trường ký cam kết để thực hiện công việc hỗ trợ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và các nhiệm vụ khác; được hỗ trợ sinh hoạt phí 5 triệu đồng/tháng.
Chương trình đào tạo Tiến sĩ: đối với nghiên cứu sinh là giảng viên của Nhà trường được cấp học bổng tương đương mức học phí phải đóng; được nhận lương và hưởng các quyền lợi khác theo quy định của Nhà trường đối với giảng viên.
Đối với nghiên cứu sinh không phải là giảng viên của Nhà trường, được cấp học bổng tương đương mức học phí phải đóng; được Nhà trường ký cam kết để thực hiện công việc hỗ trợ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và các nhiệm vụ khác; được hỗ trợ sinh hoạt phí 7 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh quyền lợi, học viên cao học và nghiên cứu sinh có trách nhiệm học tập, nghiên cứu toàn thời gian tại trường, đảm bảo tiến độ theo kế hoạch, tích cực tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học, các khóa đào tạo nâng cao năng lực giảng dạy và nghiên cứu. Ngoài định mức trên, nếu thực hiện thêm nhiệm vụ khác, các học viên, nghiên cứu sinh sẽ được nhận thù lao theo quy định của Nhà trường.
Đại học Quốc gia TPHCM cũng ban hành chương trình Giáo sư thỉnh giảng nhằm thu hút, đẩy mạnh hợp tác với các chuyên gia, nhà khoa học xuất sắc trên thế giới, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu tại trường.
Chương trình đặt mục tiêu bổ nhiệm 100 giáo sư thỉnh giảng trong giai đoạn 2025-2030, riêng các năm 2025, 2026 mời và bổ nhiệm được 50 giáo sư thỉnh giảng.
Theo tiêu chí bổ nhiệm, các ứng viên phải có thành tích nổi trội trong giảng dạy, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, với sự đóng góp được thể hiện qua các công bố quốc tế, bằng sáng chế và sản phẩm công nghệ.
Đặc biệt, chương trình ưu tiên cho các lĩnh vực Ưu tiên cho các Lĩnh vực Công nghệ sinh học, Y sinh học, Chip - Bán dẫn, Trí tuệ nhân tạo, Chuyển đổi số, Công nghệ vật liệu, Năng lượng mới, Logistics mới, Tài chính quốc tế, Biến đổi khí hậu và Phát triển bền vững, Lịch sử, Văn hóa Việt Nam…
Các giáo sư thỉnh giảng sẽ được bổ nhiệm trong thời hạn tối đa 5 năm, tối thiểu là 1 năm và có thể được gia hạn. Họ sẽ được hưởng mức thù lao cạnh tranh cùng các hỗ trợ về đi lại, lưu trú khi làm việc tại trường.
Mỗi giáo sư thỉnh giảng phải dành tối thiểu 10 ngày làm việc trực tiếp tại trường mỗi năm; chủ động lên kế hoạch và tham gia giảng dạy trực tiếp hoặc trực tuyến; sẵn sàng tổ chức hội thảo khoa học, đồng hướng dẫn nghiên cứu sinh và hỗ trợ xây dựng các đề xuất hợp tác quốc tế cũng như hỗ trợ xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh.
Chương trình không chỉ hướng đến việc nâng cao chất lượng giảng dạy mà còn góp phần thúc đẩy nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo. Các giáo sư thỉnh giảng được kỳ vọng sẽ đóng góp, xây dựng, cải tiến chương trình đào tạo tài năng; truyền đạt kinh nghiệm, cập nhật kiến thức và các xu hướng công nghệ mới nhất cho sinh viên, học viên sau đại học; đề xuất, xây dựng và làm đồng chủ nhiệm các chương trình nghiên cứu, các đề án nghiên cứu liên ngành, giải quyết các thách thức cấp bách của Việt Nam và khu vực.
Ngoài ra, họ còn tham gia vào các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ sinh viên và giảng viên phát triển ý tưởng, dự án khởi nghiệp mang tính thực tiễn cao. Đặc biệt, chương trình sẽ góp phần tăng cường hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp trên thế giới, mở rộng cơ hội học tập và nghiên cứu cho sinh viên.
Đại học Quốc gia TP.HCM sẽ tiếp nhận hồ sơ ứng tuyển từ tháng 3/2025 và tổ chức Hội đồng xét duyệt kỹ lưỡng dựa trên tiêu chí năng lực và thành tích khoa học. Những ứng viên đạt yêu cầu sẽ trải qua vòng phỏng vấn trực tiếp hoặc trực tuyến trước khi được chính thức bổ nhiệm.