Các “vựa” quất cảnh miền Bắc nhộn nhịp vào vụ Tết
Sau bão Yagi, nhiều vườn trồng quất ở miền Bắc mất mùa nên hiện nay các thương lái đã “lùng sục” khắp nơi để đặt hàng từ rất sớm. Tại miền Bắc, nhiều nhà vườn đã kín đơn đặt mua...
Thị trường quất Tết năm nay dự báo sẽ có nhiều biến động, đặc biệt là về giá cả. Tại các vườn quất phường Tứ Liên (Tây Hồ, Hà Nội), hiện đã có đông khách buôn tới tham khảo giá sỉ và mua số lượng lớn. Mặt bằng giá năm nay đang nhỉnh hơn so với năm ngoái từ 20% trở lên cho cây loại phổ thông. Mức giá bình quân cho quất cây dao động từ 500 – 600.000 đồng/cây. Quất chậu lớn tạo thế đẹp có loại lên đến 25 - 30 triệu đồng.
Anh Văn Tùng, một thương lái từ Hà Đông (Hà Nội) cho biết, năm ngoái, giá quất trên thị trường chủ yếu dao động từ khoảng 300.000 - 1 triệu đồng/cây đối với các loại quất cây bày trong gia đình. Các cây quất có kích cỡ lớn, quất thế sẽ có giá từ 2 - 10 triệu đồng/cây. "Nhưng năm nay, sau cơn bão vừa qua, gần 1/2 thị trường quất bị ảnh hưởng nặng nề. Giá cả chắc chắn sẽ tăng so với năm ngoái", anh Tùng nhận định.
Bà Nguyễn Thị Hoa, chủ vườn quất Thắng Hoa than thở: “Nhà tôi có hơn 2 nghìn cây, do bão số 3 mà bị chết hơn 1 nghìn cây”. Theo bà Hoa, không riêng gia đình bà, nhiều hộ trồng quất ngoài bãi đã “trắng tay” bởi bão số 3. Chỉ vào vườn quất của hàng xóm bên cạnh, bà Hoa cho biết: “Lúc nước lên, nhà bác này vội vàng cứu được 100 chậu ngoài bãi về trồng ở trên cao, nhưng chất lượng cây cũng bị ảnh hưởng, quả nhỏ xanh. Để bán Tết, vườn bên ấy đang phải “thúc” thì mới kịp".
Do sụt giảm sản lượng, chủ vườn Hương Hà ở Từ Liên cho hay, đến thời điểm hiện tại số quất trong vườn này đã được bán gần hết, hiện chỉ còn khoảng 100 cây. Giá chủ vườn đưa ra là 700.000 - 800.000 đồng/cây đối với loại bán sỉ và chưa tính thêm chi phí vận chuyển. Trong khi đó, một số vườn có vị trí sát khu vực sông, do bị ảnh hưởng khá nặng bởi cơn bão vừa qua nên nhiều vườn đã bỏ trống, dù chỉ hơn 1 tháng nữa là Tết Nguyên Đán.
Gần kề Hà Nội, xã Liên Nghĩa được xem là thủ phủ quất cảnh của Hưng Yên cũng như cả miền Bắc, với diện tích trồng quất khoảng 74ha. Đây là vùng chuyên canh nổi tiếng, cung cấp quất cảnh cho nhiều tỉnh thành trên cả nước, đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán. Mùa Tết năm nay, dù giá quất tăng nhẹ nhưng nhiều nhà vườn đã bán phần lớn hoặc toàn bộ số cây trong tháng 11 âm lịch.
Bà Nguyễn Thị Mừng (xã Liên Nghĩa), cho biết, năm nay gia đình bà trồng 1.800 chum quất cảnh các loại. Toàn bộ số quất này đã được bán hết cách đây hơn nửa tháng. "Giá quất năm nay tăng nhẹ so với năm ngoái, dao động từ 400.000 - 700.000 đồng/cây, tùy vào kích cỡ và độ đẹp", bà Mừng nói. Theo bà Mừng, sở dĩ giá quất năm nay tăng là do bão số 3 gây thiệt hại khiến nguồn cung khan hiếm, tiền phân bón, công chăm sóc phải bỏ ra nhiều hơn.
Tương tự, bà Trần Thị Nhung, chủ một vườn quất nhỏ hơn cũng tiết lộ đã bán được 70% số lượng quất dù còn cách Tết hơn một tháng. Theo bà Nhung, không chỉ các thương lái tại Hưng Yên, nhiều thương lái từ Hà Nội, Hải Phòng, thậm chí từ các tỉnh miền Trung cũng đổ về đây để nhập hàng. Hiện vườn quất của bà chỉ còn hơn 200 cây để phục vụ những khách đặt muộn. Xung quanh nhà bà Nhung, nhiều nhà vườn cũng phấn khởi vì được nghỉ Tết sớm.
Tại tỉnh Thái Bình, xã Đông Hòa (thành phố Thái Bình) có 1.200 hộ trồng trên tổng diện tích hơn 90ha. Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa, bà con nông dân nơi đây sẽ chính thức bước vào vụ thu hoạch Tết sau một năm chăm sóc, vun trồng. Ông Dương Ngọc Thanh, xã Đông Hòa cho biết, năm nay, nhà vườn của ông Thanh có hơn 200 gốc quất, 50 gốc đào phục vụ dịp Tết.
Do ảnh hưởng của thời tiết, giá nguyên liệu vật tư nông nghiệp tăng cao nên dự kiến giá quất cảnh cũng tăng từ 100.000 - 200.000 đồng/cây tùy theo kích cỡ lớn nhỏ và kiểu dáng. Hiện, nhà vườn của ông Thanh đã bán buôn cho thương lái 60 gốc quất với giá 800.000 đồng/cây, thu gần 50 triệu đồng. Cùng với quất cảnh truyền thống, năm nay nhiều nhà vườn xã Đông Hòa chuyển đổi sang mô hình trồng quất bonsai, quất thế với giá dao động từ 1 - 7 triệu đồng/chậu.
Cùng chung không khí nhộn nhịp tại các “vựa” quất cảnh lớn, những ngày này, các nhà vườn tại Nam Phong (Nam Định) cũng đang tất bật cắt tỉa, chăm sóc cây, sẵn sàng cho mùa vụ quan trọng nhất năm. Anh Vũ Minh Tân, chủ vườn quất lâu năm tại đây, cho biết giá quất năm nay tăng 10 - 15% do đợt mưa bão kéo dài hồi tháng 9 làm giảm sản lượng.
"Vườn quất của tôi có tổng cộng 2.000 cây, trong đó 200 cây được xuất bán với giá dao động từ 3 triệu đến 40 triệu đồng/cây, tùy kích cỡ và độ đẹp. Hiện tôi bán được hơn 2/3 số lượng, chủ yếu bán cho khách quen, doanh nghiệp đặt mua sớm", anh Tân cho hay.
Việc khách hàng mua quất từ sớm phản ánh sự thiếu hụt nguồn cung quất cảnh trên thị trường. Một chủ vườn khác tại Nam Phong cũng cho biết vườn của anh năm nay có gần 200 cây, giá dao động từ 3 triệu đến hơn 30 triệu đồng/cây. Dự kiến đến khoảng 20/12 Âm lịch sẽ hết hàng. “Năm nay vườn bị thiệt hại tới 70 cây quất lớn do đợt mưa lũ kéo dài. Nếu không, doanh thu của vườn có thể chạm mốc gần 2 tỷ đồng, thay vì dự kiến khoảng 1 tỷ đồng như hiện tại,” người này nói.
Hiện tại, trên nhiều tuyến phố và chợ hoa, cây cảnh của Hà Nội, những chậu quất mini hay quất bonsai đã được bày bán. Theo một số tiểu thương tại chợ Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội), quất bonsai nhiều năm trở lại đây được khách hàng thích thú. Những cây quất cao khoảng 40 - 50cm được trồng trong bình gốm, có hình dáng gọn, nhẹ, thế đẹp mắt nên người mua dễ dàng vận chuyển về nhà, cơ quan hay biếu tặng.
Thay vì bỏ vài triệu để mua một cây cảnh chơi Tết thì quất mini chỉ có vài trăm ngàn đồng, rất phù hợp với túi tiền của đại đa số người dân. Khảo sát tại chợ hoa Quảng An, mức giá những chậu quất cảnh mini không chênh lệch nhiều so với năm ngoái, khoảng 350.000 đồng/chậu.
Theo bà Trần Thị Hồng (67 tuổi, tiểu thương bán quất) do diện tích trồng quất năm nay của bà con nông dân bị thiệt hại nên giá quất nhập vào cũng tăng. Quất cảnh mini được các nhà vườn “nhặt nhạnh”, sang chiết từ các cây quất chịu ảnh hưởng của bão, hoặc là những cây quả chín sớm, được đưa ra thị trường phục vụ những khách có nhu cầu chơi Tết dương lịch, nhằm gỡ gạc chút tiền vốn cho người trồng.