Các yếu tố cơ bản dài hạn đang ủng hộ đồng USD yếu hơn
Với việc nhận định tăng trưởng kinh tế Mỹ giảm và lạm phát tại quốc gia này hạ nhiệt, Ngân hàng Standard Chartered dự báo đồng USD sẽ sớm giảm giá...
Tại Báo cáo Triển vọng thị trường tháng 8/2022 với tựa đề “Rất nhiều lo lắng” vừa phát hành, Ngân hàng Standard Chartered nhận định, đồng USD có thể sẽ giảm trong 6-12 tháng tới.
Theo Standard Chartered, khi dữ liệu về tăng trưởng Mỹ giảm và lạm phát tại quốc gia này hạ nhiệt, chính sách thắt chặt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng đạt đỉnh. Khi đó, đồng USD cũng chính thức quay đầu giảm trong nửa cuối năm 2022.
Ngoài ra, các yếu tố tác động đến tụt giá của đồng USD còn do các ngân hàng trung ương bình thường hóa chính sách tiền tệ để kiềm chế đồng tiền suy yếu khiến lạm phát tăng; dòng vốn rời Mỹ để tìm kiếm tài sản có giá tốt hơn; chính sách phi USD hóa; chính trị Mỹ và định hướng chính sách trong tương lai bất ổn.
“Giá USD đã phản ánh đáng kể những lần Fed tăng lãi suất, tăng trưởng toàn cầu chậm hơn và rủi ro trú ẩn an toàn. Sự đảo chiều giảm của USD có thể gia tốc khi chính sách tiền tệ toàn cầu ngày càng hội tụ, lo lắng về tăng trưởng Trung Quốc bắt đầu giảm bớt, lo ngại về nguồn cung năng lượng giảm dần và căng thẳng Ukraine bắt đầu dịu bớt”, các chuyên gia của Standard Chartered nhận định.
Nhìn chung, các yếu tố cơ bản dài hạn vẫn ủng hộ đồng USD yếu hơn. Tuy nhiên, Standard Chartered cho rằng, rủi ro giảm giá của USD trong ngắn hạn có thể bị hạn chế, bởi lẽ đồng EUR và GBP cũng đang chịu áp lực giảm.
Cụ thể, dù ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất lên 50 điểm cơ bản tuần trước và chấm dứt kỷ nguyên lãi suất âm, nhưng sự phục hồi của đồng EUR vẫn còn mờ nhạt.
Các chuyên gia của Standard Chartered đánh giá, nếu những khó khăn do lạm phát cao, tăng trưởng chậm lại, lo ngại sâu sắc về nguồn cung năng lượng và bất ổn chính trị ở Ý tiếp tục diễn ra, EUR có thể kiểm tra lại mức tỷ giá ngang USD và có khả năng giảm về mức thấp mới quanh 0,98.
Bên cạnh đó, ECB đã gián tiếp ngụ ý rằng việc tăng lãi suất sẽ được ưu tiên hơn để ổn định đồng EUR nhưng dữ liệu tăng trưởng kinh tế làm dấy lên nghi ngờ liệu nền kinh tế có thể chịu được các đợt tăng mới trong thời gian tới hay không. Công cụ Bảo vệ dịch chuyển (TPI) mới công bố cũng vẫn chưa chứng minh được khả năng kiềm chế lợi suất trái phiếu toàn châu Âu.
Còn đối với GBP, đồng tiền này cũng đối mặt với những khó khăn do lạm phát và tăng trưởng yếu bên cạnh biến động chính trị cho đến khi một Thủ tướng mới của Anh được chọn. Tân Thủ tướng Anh sẽ phải đối mặt với những thách thức trong quan hệ với EU hậu Brexit và yêu sách về bỏ phiếu độc lập của Scotland. GBP có thể kiểm tra lại mức thấp 1,176 USD trước khi phục hồi tới 1,27 USD trong dài hạn.
Nêu quan điểm về các thị trường tài sản khác, Standard Chartered cho hay, vàng có thể phục hồi mạnh mẽ nhờ (i) căng thẳng địa chính trị vẫn ở mức cao; (ii) chu kỳ tăng lãi suất mạnh của Fed có thể đã được phán ánh vào giá; (iii) đồng USD sẽ suy yếu trong 12 tháng tới.
"Trong ngắn hạn hơn, vị thế vàng đang là bán ròng rất lớn do nhà đầu tư đã giảm tỷ lệ nắm giữ, làm tăng khả năng đảo chiều. Nhu cầu vàng vật chất tiếp tục được duy trì và giảm xuống dưới 1,700 USD/oz trong thời gian ngắn. Do đó, nếu mức hỗ trợ quan trọng là 1,680 USD/oz được giữ vững, chúng tôi cho rằng các nhà đầu tư sẽ mua vàng khi giá giảm", Standard Chartered nêu rõ trong báo cáo.
Tại thị trường dầu, nhóm nghiên cứu nhìn nhận, giá dầu đã giảm trong vài tuần qua, gần đây giao dịch dưới 100 USD/thùng do lo ngại suy thoái kinh tế và việc EU nới lỏng chính sách cấm vận cho phép hàng của Nga xuất sang nước thứ ba phần.
Tuy nhiên, theo Standard Chartered: "Giá dầu sẽ tiếp tục được hỗ trợ do nguồn cung thắt chặt bất chấp nhu cầu có suy giảm. Hiện đầu tháng 8/2022, OPEC dự báo sản lượng sẽ cần đạt 30,1 triệu thùng/ngày vào năm 2023 để cân bằng cung-cầu toàn cầu, tăng 900 nghìn thùng/ngày so với năm 2022/ điều này có vẻ khó thực hiện khi OPEC+ đang phải xoay sở chật vật với hạn chế công suất".