10:09 11/04/2024

Cách thức thế giới đi du lịch đã thay đổi

Nguyệt Hà

Đại dịch Covid-19 và công nghệ đã và đang làm thay đổi cả thế giới, trong đó du lịch được đánh giá là một trong những ngành có sự thay đổi lớn nhất…  

Ảnh: The Wall Street Journal
Ảnh: The Wall Street Journal

Kết quả phân tích dữ liệu của OutBox Company mới đây đã chỉ ra sự thay đổi đầu tiên là xu thế du lịch nội khối đang giữ vai trò chủ đạo ở hầu hết các quốc gia trong khu vực, trên thế giới. Thực ra xu thế này đã diễn ra từ trước 2019, Covid-19 là tác nhân làm rõ nét hơn sự thay đổi này. Thay vì tới châu lục, khu vực khác trên những chuyến bay kéo dài hàng giờ, du khách hiện nay chỉ đi du lịch trong khu vực của mình bằng những chuyến bay ngắn (từ 1 - 2 giờ và dưới 8 tiếng).

THỊ TRƯỜNG NỘI KHỐI CHIẾM ƯU THẾ

Năm 2023, trừ Trung Quốc, đã có hơn 40% khách du lịch tới Đông Nam Á đến từ khu vực châu Á Thái Bình Dương (Asia Paciffic). Tại thị trường Tây Âu, năm 2023, theo thống kê chưa chính thức thì khoảng 50% du khách quốc tế đến các nước châu Âu là du khách đến từ Intra-European. Tây Âu là thị trường truyền thống yêu thích của du lịch Việt Nam. Theo thống kê chưa chính thức, hơn 50% khách du lịch Việt Nam là đến từ châu Âu là người châu Âu.

Với xu thế du lịch nội khối hiện nay cùng với những khó khăn về kinh tế của khối, người châu Âu cũng sẽ ưu tiên chọn các chuyến bay chặng ngắn trong châu lục. Rất khó kỳ vọng các thị trường ngoại khối có sự tăng trưởng lớn. Mục tiêu đạt tăng trưởng hàng năm 10% đã được cho là tích cực. Đặng Mạnh Phước, CEO của Outbox Company cho rằng chúng ta không thể kỳ vọng thị trường này có sự tăng trường tới 300% mỗi năm như Ấn Độ và Australia.

Du khách hiện nay có xu hướng đi du lịch trong khu vực của mình bằng những chuyến bay chặng ngắn.
Du khách hiện nay có xu hướng đi du lịch trong khu vực của mình bằng những chuyến bay chặng ngắn.

Tại Việt Nam, thị trường nội khối đang chiếm 81% tổng lượng khách đến Việt Nam. Nhìn bức tranh rộng hơn của du lịch Việt Nam từ 2016 trước Covid-19, trong danh sách 15 thị trường khách lớn đến Việt Nam thì có 10/15 đến từ các quốc gia ngoài Asia Paciffic, trừ Hoa Kỳ. Từ 2016 - 2019 đến nay tỷ trọng đóng góp này không đổi, mặc dù đây là thị trường có nhiều ưu đãi của chính phủ về visa.

Cũng theo ông Đặng Mạnh Phước, Việt Nam còn đang chứng kiến xu hướng thứ 2 đó là xu hướng lên ngôi của thị trường châu Á, và đây là tương lai của thế giới ở tất cả các lĩnh vực chứ không chỉ du lịch. Theo dữ liệu của Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO) khách du lịch châu Á được xem là thị trường du lịch lớn nhất thế giới về mặt chi tiêu ở thời điểm hiện tại. OutBox Company dự báo, sớm thôi, vào năm 2027 hoặc 2030 khách du lịch châu Á sẽ dẫn đầu thế giới về mặt chi tiêu và cả số lượng khách. Thị trường châu Á sẽ đạt quy mô lớn nhất thế giới với sự trở lại của thị trường Trung Quốc và sự bùng nổ của thị trường Ấn Độ.

“Sự bùng nổ của thị trường châu Á được cho là sẽ tiếp tục kéo dài với sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu mới tại châu Á”, ông Đặng Mạnh Phước dự báo.

BÙNG NỔ DU LỊCH TỰ TÚC VÀ GIAO DỊCH TRỰC TUYẾN

Thị trường châu Á, theo mặc định của doanh nghiệp Việt Nam là thị trường phụ thuộc rất nhiều vào các công ty lữ hành. Tuy nhiên gần đây, theo dữ liệu của OutBox Company dựa trên sự phân tích 9 thị trường hàng đầu năm 2023 cho thấy khắp châu Á, xu thế ưu tiên tìm kiếm chuyến đi, điểm đến trên các công cụ Hotel search Meta, social media, các app đặt khách sạn, vé máy bay travel website... hiện đang chiếm lĩnh gần như hoàn toàn thị phần của các Travel Agency truyền thống.

Điểm chạm kỹ thuật số ngày càng quan trọng với du khách hơn bao giờ hết.
Điểm chạm kỹ thuật số ngày càng quan trọng với du khách hơn bao giờ hết.

Tỷ lệ đặt dịch vụ, điểm đến qua kênh truyền thống chủ yếu ở lứa tuổi cao hơn, nhưng hiện chỉ còn chiếm 18% so với thời kỳ trước, đó là sự suy giảm rất nhanh. Chẳng hạn, có tới hơn 72,3% khách du lịch Hàn Quốc ở thời điểm hiện tại lựa chọn du lịch nước ngoài theo hình thức tự túc một phần (là tự túc điểm đến qua app trực tuyến và sử dụng các dịch vụ trải nghiệm, dịch vụ tại điểm đến từ doanh nghiệp địa phương ở đó) thay vì đi theo Travel Agency.

Bà Hà Lâm Tú Quỳnh, Giám đốc Truyền thông Google châu Á - Thái Bình Dương, phụ trách Việt Nam cho hay: “Theo kết quả dữ liệu của Google Fly, 90% khách tự book vé máy bay theo thời điểm và mức giá vé tốt nhất theo đúng yêu cầu. Điều này thể hiện qua lượng tìm kiếm Google Fly tăng rất lớn năm 2023”.

Trong đó, Gen Z đang là khách hàng và sẽ là khách hàng trong 10 năm nữa. GenZ sinh ra và sống với công nghệ nên với thế hệ này do vậy điểm chạm kỹ thuật số ngày càng quan trọng với du khách hơn bao giờ hết.  Đến 90% người được hỏi cho biết điểm chạm kỹ thuật số sẽ quyết định điểm đến, nơi cung cấp dịch vụ, công ty du lịch. Không thông qua các công ty tư vấn du lịch, họ tự bỏ thời gian lên kế hoạch, lịch trình. Đến 77% khách du lịch dành thời gian để lên kế hoạch chuyến đi cho chính mình.

“Một điều rất đáng lưu tâm, khi nhìn dự đoán về tăng trưởng du lịch của Google, tỷ lệ tăng trưởng của du lịch trực tuyến (15%) cao gấp đôi tỷ lệ tăng trưởng của bán hàng trực tuyến (8%) từ nay cho đến năm 2027 và đây là tỷ lệ cao nhất thế giới”, bà Quỳnh phân tích. Cũng theo nhận định của đại diện Google, sau Internet, điện thoại thông minh thì AI với ChatGPT và Germini là làn sóng thứ 3 làm du lịch thay đổi.

Khách du lịch sẽ không tìm kiếm thông tin về chuyến đi, điểm đến qua sự tư vấn của lữ hành, mà thay vào đó họ sẽ nhờ ChatBot lên kế hoạch cho họ.
Khách du lịch sẽ không tìm kiếm thông tin về chuyến đi, điểm đến qua sự tư vấn của lữ hành, mà thay vào đó họ sẽ nhờ ChatBot lên kế hoạch cho họ.

Thống kê phân loại số liệu, tìm hiểu và phân tích dự đoán xu thế của Google cho thấy, AI đang và sẽ ảnh hưởng lớn tới khách du lịch tự túc. Hiện nay AI đã “tiến hóa” lên bước mới là tạo ra nội dung. Khách du lịch sẽ không tìm kiếm thông tin về chuyến đi, điểm đến qua sự tư vấn của lữ hành, mà thay vào đó họ sẽ nhờ ChatBot lên kế hoạch cho họ. Chỉ cần đưa ra yêu cầu, ChatBot sẽ thực hiện.

Thông thường qua Travel Agency khi khách hàng lên nhu cầu (qua email, điện thoại, gặp trực tiếp) sẽ mất một thời gian để nhận được thông tin dịch vụ (Trung bình khoảng 15 phút). Nhưng ChatBot chỉ mất 10 – 15 giây, kèm các link đặt trực tiếp với các khách sạn gợi ý và các lưu ý. “Gen Z là thế hệ công nghệ nên sẽ không mất 15 phút ngồi chờ để nhận một câu trả lời. Họ sẽ tận dụng triệt để cho chuyến đi của mình. Đây là câu trả lời cho thấy AI sẽ khiến du lịch thay đổi như thế nào”, bà Quỳnh nói.

Như vậy, sự thay đổi của thị trường và du khách là 2 sự thay đổi độc lập khách quan và không thể đảo ngược, trong khi đó du lịch Việt Nam vẫn duy trì mô hình, tư duy kinh doanh cũ. Du lịch Việt Nam sẽ cần phải có rất nhiều thay đổi để thích ứng và nương theo xu thế.