Cách tính lương hưu khi cải cách tiền lương
Khi Nhà nước áp dụng chế độ tiền lương mới, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội ban hành quy định về căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, cách tính mức bình quân tiền lương làm căn cứ tính lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, và điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc…
Nội dung được Chính phủ thống nhất trong báo cáo số 303/BC-CP gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Chính phủ cho rằng việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật cần tập trung vào các vấn đề lớn, là những vấn đề đã được tổng kết thực tiễn, có cơ sở đề xuất rõ ràng, đánh giá tác động đầy đủ, đảm bảo tính khả thi về nguồn lực, đó là Quỹ Bảo hiểm xã hội, ngân sách Nhà nước. Đồng thời, thuận lợi trong hướng dẫn và triển khai thực hiện, thì mới đề xuất quy định trong dự thảo Luật.
Chính phủ thống nhất về nguyên tắc việc quy định mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần, được thể hiện tại Điều 78 dự thảo Luật.
Cụ thể, người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương này, thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của số năm đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ hưu như sau:
Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 1/1/1995, thì tính bình quân của tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu.
Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/1995 đến ngày 31/12/2000, thì tính bình quân của tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của 6 năm cuối trước khi nghỉ hưu.
Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2001 đến ngày 31/12/2006, thì tính bình quân của tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của 8 năm cuối trước khi nghỉ hưu.
Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2007 đến ngày 31/12/2015, thì tính bình quân của tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu.
Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2016 đến ngày 31/12/2019, thì tính bình quân của tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu.
Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2024 thì tính bình quân của tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu.
Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2025 trở đi, thì tính bình quân của tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội.
Người lao động có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian.
Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội chung của các thời gian.
Chính phủ sẽ quy định cụ thể mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, đối với người lao động thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định trong một số trường hợp đặc biệt.
Tại Điều 79 dự thảo Luật, Chính phủ cũng thống nhất quy định về điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Theo đó, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc để tính mức bình quân quy định tại Điều 78 của Luật này của người lao động, thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được điều chỉnh như sau:
Đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 1/1/2016, được điều chỉnh theo mức tham chiếu tại thời điểm hưởng chế độ hưu trí.
Đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2016 trở đi, được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ.
Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc để tính mức bình quân quy định tại Điều 78 của Luật này, của người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng thống nhất quy định tại Điều 80 về thực hiện bảo hiểm xã hội khi Nhà nước áp dụng chế độ tiền lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, thay thế cho hệ thống bảng lương hiện hành.
Theo đó, trong trường hợp này thì Chính phủ báo cáo Quốc hội ban hành Nghị quyết quy định về căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, cách tính mức bình quân tiền lương làm căn cứ tính lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, và điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Trong báo cáo số 303/BC-CP, Chính phủ cho biết ngày 8/6/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có văn bản số 860/UBTVQHI5-XH gửi Chính phủ về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Chính phủ cho rằng các nội dung lớn tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) Chính phủ trình Quốc hội thời gian qua, đã bám sát thể chế hóa quan điểm, đường lối, nội dung cải cách trong Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, Nghị quyết số 42-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, và các văn kiện, nghị quyết có liên quan…
Ngày 10/6, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trưởng Ban soạn thảo cùng Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đại diện Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã làm việc với cơ quan chủ trì thẩm tra, do Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội và các Phó chủ nhiệm; các Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội; đại diện Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội để thống nhất tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).